“Ông trùm giải trí” thâu tóm công ty Mỹ; 10 năm “dâu bể” đánh chìm top 1 siêu giàu
(Dân trí) - Thông tin về đại gia Việt trong làng giải trí mua lại một công ty của Mỹ với giá hàng chục triệu USD đã thu hút được sự quan tâm lớn của bạn đọc. Bên cạnh đó, 10 năm vận hạn khiến người đứng đầu sàn chứng khoán Việt một thời - sa sút thê thảm cũng là tin tức được nhiều người đón đọc.
“Ông trùm giải trí” Việt vay 10 triệu USD thâu tóm công ty Mỹ
Tập đoàn của “ông trùm giải trí" Việt, Nguyễn Ảnh Nhượng Tống vừa công bố thông tin về quyết định ký kết hợp đồng của công ty con là Yeah1 Network Pte.Ltd trong việc mua lại toàn bộ cổ phần sở hữu từ cổ đông của ScaleLab LLC có trụ sở tại Mỹ.
Đây là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực tối ưu hóa nội dung và mở rộng đối tượng tương tác trên YouTube.
Để thu xếp vốn cho thương vụ này, Hội đồng quản trị của Yeah 1 vừa ban hành Nghị quyết thông qua hợp đồng vay với Ngân hàng HDBank - Chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM) với số tiền 275 tỷ đồng, có thời vay không quá 3 tháng. Theo đó, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch Yeah1 được giao là người đứng tên chủ tài khoản.
10 năm “dâu bể” đánh chìm tên tuổi bầu Đức trong top siêu giàu
Giữa lúc phần lớn mã cổ phiếu trên thị trường tăng giá thì cặp cổ phiếu của hai công ty bầu Đức lại cùng giảm.
Cụ thể, HAG giảm 0,84% còn 4.710 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức giảm 9,41% trong vòng 1 tháng qua và giảm hơn 19% trong suốt 3 tháng giao dịch. Mức giá của HAG hiện tại đã về sát mức đáy 4.420 đồng của thời điểm cuối tháng 5/2018.
Tên tuổi bầu Đức đã bị lấn át bởi tên tuổi của những gương mặt tỷ phú mới trên sàn chứng khoán Việt
Trong khi đó, HNG cũng đánh mất 1,99% còn 14.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ trong 1 tuần giao dịch vừa qua, mã cổ phiếu này đã mất giá 7,5% và đánh mất 10,84% giá trị trong vòng 1 tháng giao dịch.
Hiện tại, với sở hữu trên 326,73 triệu cổ phiếu HAG, giá trị tài sản trên sàn của ông Đoàn Nguyên Đức đạt 1.539 tỷ đồng, tụt xuống vị trí thứ 40 trong danh sách người giàu trên thị trường chứng khoán Việt.
Còn nhớ, cách đây 10 năm, vào năm 2009, bầu Đức từng là người giàu nhất thị trường chứng khoán cho tới khi Vingroup niêm yết. Sau đó, bầu Đức tiếp tục giữ vị trí “á quân” suốt một thời gian dài trước khi bị thay thế bởi ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát vào năm 2015.
Sự trượt dốc của giá cổ phiếu và sự xuất hiện của những nhân vật tỷ phú mới đã khiến bầu Đức dần mất hút trong bảng xếp hạng người giàu.
Bầu Kiên quyết rút sạch vốn, vợ đẹp rời “ghế” lãnh đạo VietBank
Ông Nguyễn Đức Kiên đã bán xong toàn bộ 6,61 triệu cổ phần sở hữu tại ngân hàng VietBank, tương đương với 2,035% vốn điều lệ ngân hàng trong khoảng thời gian từ ngày 6/12/2018-6/1/2019.
Hiện ông Nguyễn Đức Kiên đang thụ án tù, do đó, bà Đặng Ngọc Lan – vợ ông Kiên là người thay ông Kiên công bố thông tin này với công chúng.
Bà Đặng Ngọc Lan đã chính thức gửi đơn từ nhiệm khỏi HĐQT VietBank
Cùng thời gian, bố mẹ vợ của bầu Kiên cũng đã bán được hơn 6,4 triệu cổ phần trong tổng cộng 7,4 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch và hiện chỉ còn nắm giữ 1 triệu cổ phiếu VietBank.
Hiện tại, nhóm cổ đông liên quan tới bầu Kiên chỉ còn nắm giữ tổng cộng 15,97 triệu cổ phần tại VietBank, tương đương với 4,64% vốn điều lệ ngân hàng.
Chưa rõ bên nhận chuyển nhượng cổ phiếu VBB từ phía nhóm bầu Kiên là ai, song nhiều khả năng, bên nhận chuyển nhượng sẽ lộ diện trong phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường của VietBank dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/1/2019 tới đây.
Trong phiên họp này, Hội đồng quản trị VietBank cũng sẽ trình đại hội đồng cổ đông việc miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2016-2020 đối với bà Đặng Ngọc Lan.
Trước đó, bầu Kiên đã từng nhiều lần đăng ký bán toàn bộ số cổ phần này tại VietBank nhưng không thành.
Nữ đại gia bí ẩn tại Vinasun đã “bốc hơi” hơn 8% tài sản
Theo công bố mới đây của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), doanh nghiệp này đã xuất hiện thêm 1 cổ đông lớn là bà Nguyễn Kim Phượng.
Bà Nguyễn Kim Phượng vốn nắm giữ hơn 3,34 triệu cổ phiếu VNS, chiếm 4,92% vốn điều lệ. Đến ngày 11/10/2018 thì nữ đại gia này đã mua thêm 54.460 cổ phiếu VNS và qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinasun lên 3,39 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm 5,006% vốn điều lệ, chính thức trở thành cổ đông lớn của hãng taxi này.
Tuy nhiên trong phiên giao dịch hôm 8/1, cổ phiếu VNS tiếp tục giảm thêm 2,3% xuống còn 16.800 đồng, thanh khoản rất thấp với chỉ 560 nghìn cổ phiếu được giao dịch. Mã này đã có chuỗi 6 phiên liền không tăng giá.
Dữ liệu giao dịch của cổ phiếu VNS trên sàn HSX cũng cho thấy, trong khoảng thời gian kể từ lúc bà Phượng trở thành đại cổ đông của Vinasun đến nay, VNS đã giảm tới 8,17% giá trị, đồng nghĩa với việc giá trị tài sản trên sàn của nữ cổ đông này cũng giảm tương ứng.
Thế Hưng