(Dân trí) - Nguyễn Duy Hưng từng bị kỷ luật đưa về nước do vi phạm nội quy và làm bảo vệ trông xe trước cổng UBND tỉnh Khánh Hòa, trước khi trở thành Chủ tịch công ty chứng khoán được định giá hơn 2 tỷ USD.
Từng bị kỷ luật đưa về nước do vi phạm nội quy và làm bảo vệ trông xe trước cổng UBND tỉnh Khánh Hòa trước khi trở thành Chủ tịch của công ty chứng khoán được định giá hơn 2 tỷ USD, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng nói, kể cả trong chuỗi ngày vất vả nhất cuộc đời, ông luôn tự tin vào giá trị của mình.
Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng sinh năm Nhâm Dần, năm nay 60 tuổi. Bao năm nay chỉ đồng ý trả lời báo chí những chủ đề liên quan đến tài chính, chứng khoán. Nhưng năm Nhâm Dần và tuổi Nhâm Dần là sự trùng hợp chỉ xảy ra một lần trong đời, cũng là thời điểm SSI có lợi nhuận cao nhất trong 21 năm thành lập, nên trong số Dtalk đầu tiên của Báo điện tử Dân trí Xuân Nhâm Dần, tôi đã thử phá vỡ những giới hạn mà anh đặt ra với báo chí…
-Tô Lan Hương: Nếu tra Google về anh sẽ chỉ thấy những thông tin đời tư rất ít ỏi: Sinh ra ở Khánh Hòa, là con cả trong một gia đình có 4 người con, bố mẹ là giáo viên; từ thư ký của Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, anh sáng lập nên SSI - công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Nhưng mà tôi biết, anh có một tuổi trẻ phong ba và dữ dội hơn thế rất nhiều…
-Nguyễn Duy Hưng: Thật ra tôi không sinh ra ở Khánh Hòa. Bố mẹ tôi là người Thanh Hóa, đẻ tôi ở Hưng Yên. Vào năm 1977, cả gia đình tôi chuyển vào Khánh Hòa, tôi học cấp 3 ở đó trước khi đi du học. Bố tôi là giảng viên đại học, mẹ là giáo viên cấp 1. Thu nhập của hai nhà giáo nuôi 4 đứa con thời bấy giờ rất ít ỏi. Thậm chí trước khi đi du học, mẹ phải bán đi một cái tủ để mua cho tôi vài bộ quần áo mới.
Tôi học ở Đông Đức được vài năm thì bị kỷ luật do mua quá nhiều phim và giấy ảnh từ Đông Đức đem về Việt Nam. Thời bao cấp mà, thiếu mọi thứ. Phim và giấy ảnh gần như là mặt hàng chiến lược mà những người Việt Nam sang Đức học có thể mang về Việt Nam bán kiếm tiền. Nhưng trong một lần về phép tôi đã mang về số lượng lớn. Với tư duy của một cậu sinh viên, tôi thấy mình không sai, vì tôi mua những thứ đó ở một cửa hàng được bán công khai ở Đông Đức và chuyển về Việt Nam bán.
Nhưng theo quy định của Đại sứ quán Việt Nam ở Đông Đức lúc bấy giờ, tôi vẫn vi phạm. Họ nói, sinh viên sang đó chỉ để học chứ không được buôn bán hay làm gì khác. Vậy nên dù kết quả học tập vẫn tốt nhưng tôi vẫn bị buộc thôi học về nước.
Tiếp theo đó là chuỗi ngày tương đối vất vả, làm sao để bình thường hóa chuyện tôi bị kỷ luật, không để nó trở thành vết dơ trên con đường tương lai; làm sao để vươn lên từ một người bị kỷ luật trở thành một trong những người được chọn, được tạo điều kiện để đứng trong hệ thống nhà nước cũng như sau này ra đời. Tôi nghĩ đó là quãng thời gian thực sự vất vả, chìm sâu trong gian khó. Nhưng tất cả những khó khăn đó tôi không hay nhớ tới. Với tôi, những gì tốt đẹp, hay ho thì nhớ để phát huy. Còn những gì khó khăn, gian khổ thì quên đi để sống vui.
-Tô Lan Hương: Vào thời ấy mà bị kỷ luật, với nhiều người mà nói đó không khác nào một "bản án tử hình" với tương lai của chính mình. Anh thì sao?
-Nguyễn Duy Hưng: Lúc nhận quyết định, tôi có choáng. Nhưng sau 1, 2 đêm không ngủ, tôi buộc mình phải đứng dậy. Không đứng dậy thì làm gì? Tôi là con cả trong gia đình nhà giáo, bố mẹ luôn luôn nghiêm túc. Nếu không đứng dậy thì tôi sẽ kéo cả nhà suy sụp theo. Nên ngay sau đó tôi quên tất cả việc mình từng là du học sinh, từng sung sướng không phải lo ăn ngủ, tất cả được nhà nước lo. Bố mẹ tôi rất tế nhị. Có thể trong sâu thẳm bố mẹ tôi rất buồn nhưng trước mặt tôi thì chưa bao giờ nói gì nặng lời. Chúng tôi không cần nói gì cả vì chúng tôi hiểu nhau. Không cần nói gì thì chúng tôi cũng đều biết phải làm gì: Vẫn phải sống, vẫn phải tiếp tục phấn đấu, vẫn phải vươn lên.
Tôi tin nếu như thật sự có khả năng, mình vẫn vươn lên được, vẫn sẽ thành người, coi như không có 5 năm ở nước ngoài cũng có sao đâu. Nên sau đó tôi học tiếp tại Đại học Tổng hợp TPHCM và vào ký túc xá. Ngày đầu tiên cầm chiếu gõ xuống nền nhà, thấy rệp bò lổm nhổm, đó là lúc cảm thấy kinh khủng nhất. Nhưng vượt qua cảm giác kinh khủng đó, tôi thấy dù thế nào thì tôi vẫn có thể nằm trên con rệp này và tiếp tục cuộc sống của mình.
-Tô Lan Hương: Chấp nhận ngủ trên một chiếc chiếu đầy rệp có lẽ không quá khó, nhưng chấp nhận việc từ một sinh viên top đầu của Việt Nam ở Đông Đức trở thành một người trông xe ở UBND tỉnh Khánh Hòa, tôi lại không nghĩ rằng đó là một việc dễ dàng…
-Nguyễn Duy Hưng: Ngay cả việc được trở thành bảo vệ trông xe ở cửa UBND tỉnh Khánh Hòa đã là một đặc ân mà chính quyền tỉnh Khánh Hòa dành cho mẹ tôi - một giáo viên hưu trí. Lúc đó, thu nhập của những người ngoài công chức rất khó khăn. Mẹ tôi về hưu nên được cho một bãi trông xe mà lúc bấy giờ tạo được nguồn thu nhập rất tốt. Sau khi tốt nghiệp, tôi về giúp mẹ trông xe ở cổng Ủy ban, và đó là cơ hội để gặp Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ - ông Võ Hòa. Với tôi mà nói, đó là một duyên may.
Hôm đó Chủ tịch tỉnh có buổi làm việc cùng đoàn khách Đức muốn viện trợ cho Việt Nam. Năm 1987 ở Khánh Hòa không nhiều người biết tiếng Đức. Do tò mò nên tôi nghe những gì người ta phiên dịch và thấy nó không đúng và không sát với những gì hai bên muốn truyền tải với nhau.
Tôi chủ động đứng ra giúp giải thích và việc đó đã gây ấn tượng với một vị lãnh đạo cũng đầy cá tính, người chỉ làm mọi thứ theo những gì mình thấy là tốt và sẵn sàng bỏ qua mọi quy trình của một công chức nhà nước.
-Tô Lan Hương: Bỏ qua cả việc anh từng bị kỷ luật giữa thời mà chủ nghĩa lý lịch vô cùng nặng nề?
-Nguyễn Duy Hưng: Không thể tìm lại để hỏi được vì ông đã mất rồi. Không biết lúc đó ông có định kiến với tôi hay không nhưng ông nhận tôi vào làm thư ký. Khi làm việc ở đó, tôi chỉ nhận được toàn sự tin tưởng và yêu thương chứ không hề có bất kỳ rào cản nào. Đó là một trong những người truyền động lực cho tôi, khiến tôi cảm thấy mình hữu ích và mình được tin.
Nhưng tôi nghĩ mình xứng đáng nhận được như thế và tôi sớm quên đi tất cả về việc mình xuất phát như thế nào, quên đi chuyện bị kỷ luật. Thời đó tôi được phân công phụ trách đầu tư nước ngoài của tỉnh. Đó là thời kỳ hoang sơ của kinh tế đối ngoại, tất cả chỉ gói gọn trong một Nghị định về đầu tư nước ngoài năm 1987. Chúng tôi chỉ có 2 người và tất cả mọi thứ đều trình qua Chủ tịch quyết. Nghe thì rất mong manh nhưng đấy là lúc Khánh Hòa làm tốt nhất về đầu tư nước ngoài, trở thành điểm sáng về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam với một loạt các dự án còn tồn tại cho đến tận bây giờ.
-Tô Lan Hương: Người ta có thể dễ dàng từ du học sinh trở thành một người trông xe như anh, nhưng từ một người trông xe thành tỷ phú thì không. Đây là do bánh xe vận mệnh quá ưu ái anh, hay là phép màu anh đã tạo ra từ những nỗ lực của bản thân mình?
Nguyễn Duy Hưng: Tôi bị kỷ luật năm 1985 và trở thành thư ký vụ năm 1988. Chỉ có 3 năm là tôi đã giải quyết xong tất cả những khó khăn đó. Nếu không có nỗ lực cá nhân, nếu không quên đi tất cả những sự cố trong đời đã xảy ra, nếu không hiểu rằng ngày hôm nay mới là thực tại, ngày mai là tương lai, còn những gì xảy ra ngày hôm qua dù đau buồn hay vui vẻ cũng chỉ là ký ức thì không bao giờ tôi vươn lên được.
Nhưng chung quy lại vẫn phải có yếu tố may mắn của đời. Nếu không có may mắn, làm sao tôi có cơ hội tình cờ gặp chú Võ Hòa, làm sao tôi được chọn vào những vị trí ấy để tiếp cận với đầu tư nước ngoài từ những ngày đầu?
Bạn đừng quên rằng năm 1988 chưa ai có khái niệm về đầu tư nước ngoài, tất cả mọi người đều chung một xuất phát điểm giống nhau, nên khi có một cái mới xuất hiện, thì ai thông minh hơn một chút, cố gắng hơn một chút, chịu khó tìm hiểu hơn một chút sẽ biết nhiều hơn một chút. Nên với tôi, những gì cuộc đời tôi làm, đó vừa là duyên trời và cũng là do nỗ lực cá nhân.
-Tô Lan Hương: Đang có một công việc tốt trong cơ quan Nhà nước và có thể thăng tiến trên con đường chính trị, cuối cùng sao anh lại nghỉ việc và trở thành doanh nhân?
-Nguyễn Duy Hưng: Tôi nghỉ việc sau khi chú Võ Hòa qua đời sau một tai nạn giao thông. Lúc đó một người lãnh đạo khác về thay vị trí của ông. Trong mối quan hệ giữa người giúp việc và một nhà lãnh đạo, quan trọng nhất là sự tin tưởng vào khả năng của nhau, tin tưởng vào cách triển khai và cách làm việc của nhau.
Sau khi có lãnh đạo mới thì công việc của tôi ở UBND tỉnh không còn suôn sẻ nữa. Lúc đó còn trẻ nên tôi chưa đủ chuyên nghiệp để hiểu rằng ta phải thích nghi với ông sếp mới chứ không phải cố gắng hy vọng ông sếp mới giống ông sếp cũ mà ta thích, vì thế tôi không vui. Vậy là tôi nghĩ nếu cứ ở lại đây thì đến một lúc có thể có chút công danh nào đó, nhưng tôi lại không biết liệu việc đó có làm tôi vui, có làm tôi muốn sáng tạo và có giúp tôi làm được nhiều việc có ích hay không? Cuối cùng, tôi quyết định dừng ở đó và bắt đầu một hành trình mới.
Tôi khởi nghiệp với việc làm tư vấn cho những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chúng tôi thành lập Pan Pacific năm 1992. Gọi là làm tư vấn nhưng thật ra là đi tìm đối tác nước ngoài, giới thiệu dự án cho họ và hoàn thành hồ sơ theo cách nhìn mà ngày xưa chúng tôi đã từng duyệt, giúp họ có giấy phép đầu tư ở Việt Nam. Tôi đã dùng tất cả những kinh nghiệm mình có được trong thời gian làm việc trong môi trường nhà nước để đi làm dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài, giúp họ dễ tiếp cận hơn với các dự án ở Việt Nam
-Tô Lan Hương: Nếu tôi không nhầm, thì hình như Pan Pacific là một trong những đơn vị đầu tiên làm tư vấn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Anh chọn nghề này, vì đây là lĩnh vực anh giỏi, hay do đây là nghề không đòi hỏi nhiều vốn liếng khởi nghiệp?
-Nguyễn Duy Hưng: Bạn đừng quên là chỉ mấy năm trước đó, việc mua cái quần với tôi còn khó, thì làm sao tôi dám nghĩ tới làm dự án này dự án nọ, nên tôi chọn nghề tư vấn, thực chất là giúp họ làm hồ sơ cho các dự án đầu tư, đồng thời học hỏi những cái hay từ họ để biết đâu mình sẽ có cơ hội trong tương lai. Thời gian làm tư vấn đầu tư nước ngoài là nền tảng quan trọng nhất để sau này tôi quyết định làm chứng khoán. Khi ấy tôi được tiếp xúc với những dự án khả thi, biết được cách tiếp cận, biết được tại sao người ta chọn dự án này, thu xếp vốn ra sao, triển khai như thế nào.
Tất cả những điều đó là những công việc chính của ngành tài chính và chứng khoán. Với một chàng trai 31 tuổi vốn được sinh ra và được đào tạo trong môi trường kinh tế kế hoạch như tôi mà nói, đó là trường đại học vô giá lúc bấy giờ. Tôi đã được làm quen và tiếp xúc với những khái niệm đầu tiên về kinh tế thị trường như thế..
-Tô Lan Hương: Vậy SSI ra đời là vì anh đã tích lũy và học hỏi đủ kinh nghiệm cần có?
-Nguyễn Duy Hưng: Cũng không hẳn thế! Giai đoạn 1995-1996 khủng hoảng kinh tế châu Á, nhà đầu tư nước ngoài không còn đến Việt Nam nữa, những dự án bỏ rất nhiều. Chúng tôi buộc phải chuyển mình để nuôi nhân viên, nuôi những người đi theo mình và nuôi cả chính mình nữa. Công ty Pan Pacific, tiền thân của Tập đoàn Pan sau này, đã phải chuyển sang lĩnh vực làm dịch vụ bảo trì bảo dưỡng, lau chùi vệ sinh các tòa nhà cao ốc, nhà máy xí nghiệp.
Đầu những năm 2000, chúng tôi có cả chục ngàn nhân viên. Ngành này chỉ cần đếm số lao động, lấy số tiền thu về trên đầu lao động trừ đi chi phí là ra lợi nhuận. Nó không quá dở để kiếm sống nhưng không thúc đẩy được sự sáng tạo nên không thể thỏa mãn khát vọng của tôi. Tôi quyết định chuyển công ty đó cho 2 người em mới đi du học về, để đi tìm hướng mới cho riêng mình.
Đúng lúc đó thì Chính phủ lập ra Ban thị trường vốn để nghiên cứu việc thành lập công ty chứng khoán. Nhờ có thời gian làm nhà nước nên tôi được tiếp xúc với những lãnh đạo như chú Lê Văn Châu - người trở thành Chủ tịch Ủy ban chứng khoán đầu tiên và được tin tưởng, được dẫn đi gặp các vị lãnh đạo cao hơn để trình bày, thuyết phục. Khi ấy, ai có khả năng trình bày một thứ rất phức tạp thành những thứ rất đơn giản để các vị lãnh đạo hiểu thì người đó có cơ hội.
Tôi tự thấy mình có năng khiếu trong việc này, và tôi thành công trong việc thuyết phục họ cho phép tôi mở công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Lúc đó mọi thứ còn rất sơ khai và chưa thấy tương lai đâu cả. Nên có lẽ vì thế mà không có ai thực sự hết mình cạnh tranh cơ hội này với tôi.
-Tô Lan Hương: Anh sáng lập nên SSI cùng hai người em trai của mình. Liệu việc đó có xuất phát từ lời hứa và trách nhiệm của một người anh cả cần phải lèo lái gia đình như anh nói vừa nãy?
-Nguyễn Duy Hưng: Tôi có rất nhiều bạn bè, nhưng tôi luôn thấy đi chơi với hai em tôi là vui nhất, đi đánh golf với 2 em tôi là thích nhất. Không chỉ là máu mủ tình thân, chúng tôi còn là bạn. Các em tôi khi đi học đều đứng top đầu. Khi ra đời cũng là những người được tôn trọng ở hội nhóm của họ. Khi ngồi lại với nhau, chúng tôi vừa là anh em ruột, vừa là bạn bè, vừa là đồng nghiệp. Các em cũng rất quý mến tôi nên rất nghe lời tôi. Anh em tôi chưa bao giờ cãi nhau bất cứ một điều gì về vật chất hay trách nhiệm.
Ngày bố tôi bị bệnh phải đưa sang Singapore điều trị, chúng tôi chia nhau để luôn có 2 người bên đó cho vui, tự nấu ăn và chăm sóc bố như hồi còn nhỏ. Không bao giờ tị nạnh hay tính toán chi li với nhau và lúc nào cũng chỉ mong làm được gì cho nhau, chỉ mong những người kia được vui vẻ và muốn nhận phần mệt mỏi về mình.
Ở bất kỳ vị trí gì, dù là bạn hay đối tác hay tri kỷ, chúng tôi đều đạt được những tiêu chí đó, cộng thêm lại là anh em ruột, nên không phải ai gánh vác ai cả. Đó là sự hợp tác trời cho, và chúng tôi đều vui vẻ vì được làm những gì mình thích, cộng tác với những người mình thích, chứ không phải làm những điều mà người khác thích.
-Tô Lan Hương: Lúc mới bắt đầu, vốn liếng của SSI chỉ có vài tỷ đồng. Khi đó chắc anh chẳng hình dung ra được công ty mà anh xây dựng sẽ trở thành một doanh nghiệp được định giá hơn 2 tỷ USD đâu nhỉ?
-Nguyễn Duy Hưng: Hồi mới thành lập, SSI có vốn điều lệ 6 tỷ đồng và 13 nhân viên. Mà 6 tỷ đó là đã gom góp đủ thứ, trong đó bao gồm cả xe, tài sản, máy tính. 13 nhân viên đầu tiên chưa có ai từng làm về chứng khoán, phải đi học để lấy thêm bằng. Lúc đó chúng tôi chỉ mua được một cái bảng điện 5.000 USD ở Thái Lan về mà đã thấy rất tự hào. Chẳng ai có thể ngồi nghĩ ra được tương lai ngày hôm nay cả đâu. Tôi từng chỉ mơ đủ sống và biến nó trở thành một ngành được xã hội công nhận, được nhà đầu tư muốn tham gia. Trong 3 năm đầu chúng tôi phải lấy tiền từ Pan để sống và trang trải những chi phí quan trọng chứ chưa có cơ hội gì cả.
Cơ hội lớn nhất của TTCK là khi Việt Nam gia nhập WTO, các nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện, tạo nên một cơn địa chấn trên TTCK Việt Nam. SSI đi lên từ đó, nhanh chóng trở thành công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam. Vào lần đầu tiên đi thăm một công ty chứng khoán ở Thái Lan, tôi thấy họ thật kỳ vĩ và chỉ mơ có thể sánh vai với họ. Nhưng thời điểm này, thực tế SSI đã vượt họ rất nhiều lần.
-Tô Lan Hương: Mất bao nhiều lâu để anh biến SSI từ số 0 thành số 1?
-Nguyễn Duy Hưng: Không quá lâu, có lẽ là khoảng 4 năm.
-Tô Lan Hương: Và bí quyết để trở thành số 1 là…
-Nguyễn Duy Hưng: Uy tín, trung thực và chuyên nghiệp - đó là 3 điều quan trọng nhất của nghề tài chính.
-Tô Lan Hương: Anh làm thế nào để SSI vẫn sống được khi TTCK Việt Nam khủng hoảng năm 2008 và khiến nhiều công ty chứng khoán phá sản?
Nguyễn Duy Hưng: Tôi có thể nói rằng, SSI chưa từng gặp khủng hoảng. Vì trong nghề tài chính, người ta chỉ chết vì tham. Có lần khi chứng kiến quá nhiều nhà đầu tư bị mất tiền bởi những cổ phiếu không minh bạch, tôi từng viết status trên facebook cá nhân: Ai đó lừa ta một lần là lỗi của họ, lừa ta hai lần vẫn có thể trách mình nhẹ dạ nhưng lần thứ 3, thứ 4 thì chỉ có thể trách ta tham và dốt, tự mình lừa mình.
Tôi quan niệm, trong đầu tư, phải không thua rồi mới nghĩ tới chuyện thắng. Đó cũng là nguyên tắc quản trị rủi ro của SSI. SSI luôn hướng đến minh bạch tuyệt đối nên những gì cảm giác không minh bạch, cảm giác tạo sóng thì chúng tôi không tham gia ngay từ đầu. Trong suốt quá trình hoạt động, SSI luôn từ chối các cổ phiếu rủi ro, mặc dù biết sẽ có cơ hội kiếm rất nhiều tiền. Những cơ hội trên trời rơi xuống như thế, ngay ngày mai rất có thể đẩy ta xuống vực. Trong 21 năm qua, SSI luôn giữ được sự an toàn tài chính vì thế.
Khi bày tỏ thái độ như vậy với các cổ phiếu không minh bạch và rủi ro cao, chúng tôi gián tiếp bảo vệ khách hàng của mình. Dĩ nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng có hiểu biết. Khi thấy chúng tôi chặn một cổ phiếu nào đó, nhiều người có thể thấy khó chịu. Nhưng sau này, lúc rủi ro xảy ra, người ta sẽ hiểu được rằng mình đang được bảo vệ gián tiếp.
-Tô Lan Hương: Và đó là lý do khiến kể cả giai đoạn TTCK thăng hoa như năm vừa qua, anh vẫn kiên định từ chối những nhóm cổ phiếu mà anh cho là rủi ro, dù chúng chiếm tới gần 20% thị phần của TTCK?
-Nguyễn Duy Hưng: Tôi nghĩ rằng mình không thể muốn tất cả. Nếu chỉ vì một cơ hội kiếm được nhiều tiền mà dính vào các scandal trên thị trường, trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng tới nhà đầu tư, thì mất mát sẽ lớn hơn nhiều số tiền kiếm được. Tôi tham gia xây dựng TTCK từ những ngày đầu, tôi yêu TTCK và luôn sợ làm nó tổn thương.
-Tô Lan Hương: Thế anh có biết và anh sẽ cảm thấy thế nào nếu tôi nói với anh, không ít người vẫn nhìn anh như một "cá mập", người mà có thể lũng đoạn thị trường với vài động tác nhỏ?
-Nguyễn Duy Hưng: Thứ khó nhất và cũng không cần thiết nhất trên đời là làm sao để chứng minh cho mọi người thấy rằng mình tốt nên tôi sẽ không làm điều đó.
-Tô Lan Hương: Nhưng nếu giờ tôi hỏi anh, những đồng tiền anh kiếm được có "màu" gì, anh sẽ nói…
-Nguyễn Duy Hưng: Tôn chỉ kinh doanh và kiếm tiền của tôi là minh bạch và chuyên nghiệp.
-Tô Lan Hương: Lâu lắm rồi, anh từng kể với tôi, anh không bao giờ hối lộ quan chức. Chuyện đó nghe thật khó tin...
-Nguyễn Duy Hưng: Hôm nay tôi vẫn có thể tiếp tục nhắc lại chuyện đó trên báo. Nếu tôi nói sai, thì những người quen tôi, nhân viên của tôi sẽ không tôn trọng tôi nữa.
-Tô Lan Hương: Nguyên tắc làm người của anh là?
-Nguyễn Duy Hưng: Có nhiều người yêu tôi và có thể có những người ghét tôi nhưng không ai coi thường tôi.
-Tô Lan Hương: Còn nguyên tắc làm doanh nhân thì sao?
-Nguyễn Duy Hưng: Khi đã có nguyên tắc làm người thì sẽ có nguyên tắc làm con, làm cha, làm bạn, làm doanh nhân. Tất cả cũng chỉ là nguyên tắc làm người mà thôi.
-Tô Lan Hương: 60 tuổi, anh có gì trong tay?
-Nguyễn Duy Hưng: Tôi có sự an toàn tài chính, lo được cho bản thân, cho gia đình và đóng góp một phần cho xã hội. Đó là gia tài thứ nhất.
Tôi đi đến đâu cũng được yêu thương, được đón tiếp thật lòng và chia sẻ dù ở trong hay ngoài nước. Những việc tôi làm được ủng hộ. Đó là gia tài thứ hai.
Gia tài thứ ba là các thành viên trong gia đình tôi ai cũng phát triển tốt và hạnh phúc theo đúng ý họ chứ không phải theo chuẩn của người khác.
Cuối cùng, 60 tuổi rồi tôi vẫn còn mẹ để được nghe mẹ mắng. Đó là gia tài quý giá nhất.
-Tô Lan Hương: Giờ anh không còn là một du học sinh nghèo phải chật vật đi xách từng vali đồ về nước để bán nữa mà đã có trong tay khối tài sản nhiều nghìn tỷ đồng, anh có thấy mình thành công?
-Nguyễn Duy Hưng: Thước đo thành công của tôi không phải là tôi kiếm được bao nhiều tiền, mà là khi nhắm mắt tưởng tượng mình không còn trên đời này nữa, những gì tôi tạo ra có còn tồn tại và phát triển như thế nào? Tự nó sẽ vận hành ra sao? Khi nghĩ về ngày đó, tôi tự tin SSI sẽ trường tồn và phát triển tốt dù không có tôi. Những sản phẩm nông nghiệp tôi đầu tư vẫn tồn tại dù không có tôi. Dấu ấn của tôi để lại ở những nơi đó rất lớn. Đó là điều tôi hạnh phúc và thỏa mãn.
Tôi vui với mỗi giây phút mình được sống. Tôi thưởng thức tất cả hoạt động thường ngày từ đi làm, đi chơi, nói chuyện với bạn bè, tiếp xúc với mọi thành phần xã hội. Tôi được làm nhiều thứ tôi thích và ít khi phải làm những thứ mà mình không muốn.
Tóm lại thì tôi hài lòng với cuộc đời mình.
-Tô Lan Hương: Đôi khi tôi hình dung cuộc đời như một vụ đầu tư lớn. Là một nhà đầu tư giỏi, anh nghĩ nguyên tắc quan trọng nhất là gì để không thua trong vụ đầu tư lớn nhất đời mình?
-Nguyễn Duy Hưng: Những người thua trên TTCK là những người đầu tư theo suy nghĩ của người khác chứ không hiểu vì sao mình lại đầu tư cổ phiếu này. Với tôi đó chẳng khác gì đánh bạc trong casino chứ không gọi là đầu tư.
Tôi thuộc kiểu người chủ động chọn những gì mình muốn làm. Khi làm việc tôi không quan tâm nhiều tác động bên ngoài, cho dù rất có cơ hội. Tôi chỉ quan tâm đến những gì mình muốn làm và thích làm. Ví dụ, làm nghề này tôi hiểu rằng cơ hội từ các dự án bất động sản rất cao nhưng tôi không có bất kỳ dự án bất động sản nào, thậm chí cũng không sở hữu bất cứ bất động sản nào.
Người ta kiếm được bao nhiêu tôi cũng không quan tâm. Khi thấy bạn bè đang nhảy vào làm mấy dự án đô thị chỗ nọ chỗ kia, tôi cũng không nóng ruột, vì đó là chuyện của họ. Tôi chỉ quan tâm mục tiêu của cuộc đời tôi, đó là làm những gì tôi thích, là hướng về những gì tôi muốn để lại. Vì vậy bên cạnh làm chứng khoán, tôi có đầu tư vào nông nghiệp. Dù nông nghiệp là nghề không mang lại nhiều tiền nhanh chóng. Thứ mà tôi muốn làm, tôi sẽ kiên định với nó cả đời.
-Tô Lan Hương: Khi bắt đầu trở thành doanh nhân, anh chỉ mơ ước có một công việc để kiếm sống. Tới bây giờ ở tuổi 60, đã có một sự nghiệp thành công hơn rất nhiều người, có một số tiền nhiều hơn rất nhiều người, anh nghĩ mục tiêu tiếp theo của đời mình là gì?
-Nguyễn Duy Hưng: Tôi chia đời mình thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu là tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và tiền bạc. Giai đoạn hai là tạo thành sự nghiệp. Giai đoạn ba là qua tuổi 60 làm sao để đóng góp nhiều nhất cho xã hội. Đóng góp này không nhất thiết phải là tiền bạc mà là làm sao để đóng góp những gì tốt nhất cho xung quanh.
Với tôi, điều đó quan trọng hơn. Đó có thể là tư tưởng sống, là sản phẩm mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng, là ý tưởng dành cho giới trẻ, là bệ đỡ cho những người như tôi 30 năm trước không biết bấu víu vào đâu. Năm 2022, tôi sẽ theo đuổi con đường đó, đóng vai trò là người nâng đỡ, người hướng đạo, người ảnh hưởng nhiều hơn là trực tiếp kinh doanh.
-Tô Lan Hương: Điều khiến anh tự hào nhất về cuộc đời mình?
-Nguyễn Duy Hưng: Có nhiều người yêu tôi và có thể có những người ghét tôi nhưng không ai coi thường tôi.
-Tô Lan Hương: Còn điều anh thanh thản nhất…
-Nguyễn Duy Hưng: Tôi đã nói đúng những gì tôi nghĩ, và làm đúng những gì tôi nói.
Cảm ơn anh đã "xông đất" Dân trí đầu năm mới Nhâm Dần. Chúc anh dồi dào sức khỏe, tiếp tục thành công và hoàn thành những kế hoạch sau tuổi 60 như anh nói!
Nội dung: Tô Lan Hương
Ảnh: Anh Tú
Design: Tố Linh