Ông Trần Bắc Hà: “Đi đâu DNNN cũng bị coi như…vi trùng”?
(Dân trí) - Theo Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà, mặc dù DNNN đóng góp cho GDP 32% nhưng tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế cung ứng cho khối DNNN lại chiếm tới 60%. Nợ đọng tích tụ của các DNNN đã lên tới 145.000 tỷ đồng, khoảng 20-30% là nợ không đòi được.
Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà.
Phát biểu tại Hội nghị của Chính phủ triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2014-2015 vừa diễn ra ngày 18/2, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cho hay, mặc dù doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đóng góp cho GDP 32% nhưng tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế cung ứng cho khối DNNN lại chiếm tới 60%.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Nợ đọng tích tụ của các DNNN đã lên tới 145.000 tỷ đồng, trong đó dự báo có khoảng 20-30% là nợ không đòi được, ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng.
Báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng công ty (TCT) năm 2012 cho thấy, tổng số nợ phải trả của Tập đoàn, TCT Nhà nước lên tới 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn. Hệ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 là 1,46 lần. Có 48 Tập đoàn, TCT có tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần (41 công ty mẹ, tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần).
Điển hình như TCT Lắp láy Việt Nam (Lilama) có tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu lên tới 53,19 lần. Tỷ lệ này tại TCT Xây dựng Bạch Đằng là 20,97 lần, tại TCT Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) là 20,02 lần; tại TCT Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) là 18,41 lần…
Trong khi đó, các doanh nghiệp cổ phần, vốn góp nhà nước có tổng số nợ phải thu khó đòi năm 2012 là 883 tỷ đồng, tăng gấp 2,58 lần so với năm 2011. Trong đó, TCT Cổ phần Thép Việt Nam có nợ phải thu khó đòi lớn nhất lên tới 652 tỷ đồng, tăng 4,29 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, TCT này cũng đã trích được 112 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cũng cho thấy, hệ số ICOR của DNNN vẫn cao hơn các doanh nghiệp ngoài. Năng suất và sức cạnh tranh của nhiều DNNN đang có xu hướng suy giảm và không tăng lên. Đây là những vấn đề cần suy nghĩ, ông Trần Bắc Hà nhìn nhận.
Theo ông, cần phải làm rõ vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế phát triển theo kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay là như thế nào.
Vị Chủ tịch BIDV trải lòng, “Thực sự năm nay còn vui vui một chút chứ năm ngoái buồn lắm, làm được bao nhiêu việc song cuối cùng chỉ vài “ông” hư hỏng là cứ đánh đồng toàn bộ, đi đâu cũng nhìn DNNN như vi trùng hết. Tôi rất buồn về điều này”.
Trong niên độ năm 2012, có 7 Tập đoàn, Tổng công ty lỗ phát sinh hợp nhất là 5.380 tỷ đồng và có 9 công ty mẹ, lỗ phát sinh là 1.448 tỷ đồng.
Chẳng hạn, TCT Hảng hải Việt Nam (Vinalines) lỗ hợp nhất 4.562 tỷ đồng; Công ty mẹ lỗ 1.056 tỷ đồng. TCT Truyền thông đa phương tiện – VTC lỗ hợp nhất 246 tỷ đồng; công ty mẹ lỗ 257 tỷ đồng ; Cienco8 lỗ hợp nhất 44 tỷ đồng.
Ngoài ra, báo cáo hợp nhất của 25 Tập đoàn, Tổng công ty cũng cho thấy, đến 31/12/2012 có lỗ lũy kế 17.033 tỷ đồng và 16 công ty mje có lỗ lũy kế 11.820 tỷ đồng.
Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ lũy kế 3.143 tỷ đồng; Vinalines lỗ lũy kế 10.239 tỷ đồng; TCT Xây dựng đường thủy Việt Nam lỗ lũy kế 710 tỷ đồng; TCT Xăng dầu quân đội lỗ lũy kế 551 tỷ đồng; Lilama lỗ lũy kế 492 tỷ đồng.
Trước tình hình này, việc cổ phần hóa DNNN đã được xác định là khâu trọng tâm, là giải pháp chủ yếu, triệt để, hiệu quả trong tái cơ cấu DNNN. Trong 3 năm 2011-2013 đã cổ phần hóa được 99 doanh nghiệp (năm 2013 cổ phần hóa được 74 doanh nghiệp), trong đó có 19 tổng công ty nhà nước.
Ngoài ra, các DNNN cũng đã quan tâm hơn tới thoái vốn từ hoạt động ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính. Kết quả, đã thoái được 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính, đạt 19%, bảo toàn được vốn.
Bích Diệp