1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ông Nguyễn Văn Bình: Việt Nam là hình mẫu xóa đói giảm nghèo của thế giới

(Dân trí) - "Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp Quốc và trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo".

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm Chỉ thị 40–CT/TW về của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 15/7.

Ông Nguyễn Văn Bình: Việt Nam là hình mẫu xóa đói giảm nghèo của thế giới - 1

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương phát biểu tại Hội nghị

Theo Trưởng Ban Kinh tế trung ương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng là phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nhờ vậy, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, việc xóa đói giảm nghèo đã đạt được những kết quả nổi bật.

Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020; Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp Quốc và trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Bình, trong các chính sách phát triển kinh tế xã hội được triển khai trong thời gian qua, tín dụng cho đối tượng chính sách xã hội là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Trưởng ban Kinh tế trung ương cho biết: Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Ông Bình cho rằng: Kết quả sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40 ở các địa phương cho thấy, địa phương nào có các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nội hàm tính “sáng tạo” và “nhân văn” và thực sự quan tâm trong triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị thì tại địa phương đó, đạt kết quả rất tích cực.

"Thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong triển khai thực hiện chỉ thị quan trọng này của Đảng", ông Bình cho biết thêm.

Theo Trưởng ban Kinh tế trung ương, việc chủ động, kịp thời triển khai chính sách tín dụng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay là việc cấp bách, có ý nghĩa rất lớn, giúp nhiều người ổn định cuộc sống.

Tham dự Hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Chỉ thị 40 đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng nhân dân, là đòn bẩy kinh tế phát huy sức mạnh hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ mục tiêu Đảng đề ra, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Bình: Việt Nam là hình mẫu xóa đói giảm nghèo của thế giới - 2

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị

Thường trực Ban Bí thư cho biết: Sau 5 năm thực hiện, chỉ thị 40, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật. Vốn tín dụng triển khai sâu rộng các nơi, tổng nguồn vốn uỷ thác đạt tăng trưởng cao hơn nhiều so với trước khi có Chỉ thị 40.

"Đây là một trong những trụ cột quan trọng, là chính sách đáp ứng lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ đó, số người nghèo giảm nhanh, từng bước ngăn chặn tín dụng đen", ông Vượng cho hay.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: "Tình hình quốc tế phức tạp, khó lường, nước ta đứng trước nhiều khó khăn thách thức như đại dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu... người dân vùng sâu vùng xa đồng bào khó khăn đang chịu nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, cần làm tốt hơn công tác hỗ trợ cho họ cả trong trước mắt và lâu dài".

Theo ông Vượng, tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

"Đây là mục tiêu góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước đã đề ra", ông Vượng nói.

Theo ông Vượng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đoàn thể chính trị xã hội cần xem xét hoạt động tín dụng chính sách xã hội như một trong những nhiệm vụ trong kế hoạch hàng năm, hàng tháng của mình.

Nguyễn Tuyền