Ông Mai Tiến Dũng: Mặt hàng nông nghiệp còn vướng nhiều thủ tục rườm rà

(Dân trí) - “Một hàng phải điều chỉnh nhiều văn bản của một bộ, một mặt hàng chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan trong một bộ. Ví dụ sản phẩm động vật trên cạn vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm…đó là sự chồng chéo trong quản lý, cần được tháo gỡ” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.


Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Thủ tục hành chính trong ngành (NN&PTNT) còn rườm rà, chồng chéo

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Thủ tục hành chính trong ngành (NN&PTNT) còn rườm rà, chồng chéo"

Sáng nay 25/10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã làm việc với Bộ NN&PTNT về kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao những nỗ lực của ngành nông nghiệp thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tốt.

Thủ tục rườm rà, chồng chéo trong quản lý

Tuy nhiên, nội dung chính của cuộc làm việc trên nói về việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chỉ ra những hạn chế về các thủ tục đối với các mặt hàng nông nghiệp còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và lưu thông hàng hóa.

Cụ thể, hiện nay, nhiều mặt hàng nông nghiệp vẫn còn chồng chéo trong khâu quản lý, nhiều hình thức quản lý khác nhau, như: Nhóm các sản phẩm tươi sống như thịt, cá tươi đông lạnh vừa phải kiểm dịch theo Thông tư 23, vừa phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo Quyết định 4069.

“Một mặt hàng phải điều chỉnh nhiều văn bản của một bộ, một mặt hàng chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan trong một bộ. Sản phẩm động vật trên cạn, vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm. Sản phẩm thủy sản vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm, vừa phải kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm hai. Chúng tôi nêu thế là muốn nói rằng hiện nay có sự chồng chéo như vậy cần được xử lý cho hợp lý hơn” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ông Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc.
Ông Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc.

Vấn đề thứ 2, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc Bộ NN&PTNT là, một mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành (KTCN) của từ 2-3 bộ trở lên chiếm 58,8%, thời gian thông quan hải quan chiếm 28% và thời gian thông quan của KTCN chiếm 72%. Điều này cho thấy sự rườm rà, phức tạp của các thủ tục hành chính.

Nhóm mặt hàng từ sữa và sản phẩm sữa, vừa phải kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) theo Thông tư 25 của Bộ NN&PTNT và theo Quyết định 3648 của Thủ tướng. Ngay cả sữa chua, sữa bột vừa phải kiểm dịch theo thông tư của Bộ NN&PTNT vừa phải kiểm tra ATTP theo yêu cầu của Bộ Công thương.

“Thức ăn gia súc vừa phải kiểm dịch của Bộ NN&PTNT, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Công thương. Nguyên liệu làm bánh kẹo vừa phải kiểm dịch theo quy định của Bộ NN&PTNT vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Công thương. Đó muốn nói là sự chồng chéo giữa các bộ” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm.

Từ những hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất phương án KTCN đối với các danh mục hàng hóa đang chồng chéo thuộc Bộ NN&PTNT với Bộ Công thương. Tại phiên họp Chính phủ tháng 9, Thủ tướng có giao Văn phòng Chính phủ cùng với 3 bộ tới đây sửa Nghị định 38 theo hướng một mặt hàng chỉ giao cho 1 bộ chủ trì quản lý chuyên ngành.

Bộ NN&PTNT Khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến KTCN theo hướng gọn nhất cho một mặt hàng.

Vấn đề thứ 2 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, danh mục hàng hóa thuộc diện phải KTCN nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn dẫn đến phải kiểm tra chồng chéo nhưng hiệu quả thấp.

“Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành được 645 quy chuẩn kỹ thuật, đây là một bộ ban hành nhiều quy chuẩn nhất trong một bộ, các bộ khác không ban hành được nhiều như vậy, đặc biệt là Bộ Y tế. Bộ NN&PTNT còn 13 quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và 127 quy chuẩn Việt Nam chưa được ban hành, đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT quan tâm vấn đề này, vì không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn Việt Nam công bố thì chúng ta kiểm tra bằng cảm quan, đánh giá chất lượng không đúng” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Vấn đề nữa là tình hình cơ chế một cửa Quốc gia, thủ tục của Bộ NN&PTNT có 26 thủ tục, đến này Bộ này đã thực hiện cơ chế một cửa 11 thủ tục, còn 15 thủ tục nữa cần tiếp tục rà soát.

Dự kiến việc cắt giảm Danh mục hàng hóa nhóm 2

Trước những vấn đề Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu trên, ông Hà Công Tuấn-Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT cho biết, 3 nhóm hàng không KTCN về hàng hóa khi nhập khẩu nhưng nhà nhập khẩu chỉ thực hiện việc khai báo nguồn gốc xuất xứ, gồm: giống cây trồng nông nghiệp, giống cây trồng lâm nghiệp, giống vật nuôi trên cạn.

Ông Hà Công Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc.
Ông Hà Công Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc.

Cắt giảm 5 loại hàng hóa không có nguy cơ cao gây mất an toàn (chiếm 23,8%) ra khỏi Danh mục hàng hóa phải KTCN khi nhập khẩu, gồm: phụ gia, hóa chất dùng trong lâm nghiệp; dụng cụ đánh bắt thủy sản; công trình thủy lợi, công trình đê điều; máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

Cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch thực vật ít nguy cơ chứa đối tượng kiểm dịch, gồm dăm gỗ, gỗ dán, gỗ xẻ có độ dày nhỏ hơn 6mm…, các sản phẩm đã qua chế biến sâu (chè, cà phê bột, cà phê rang xay, rau quả chế biến đóng hộp, rau quả ngâm muối, tẩm đường….).

Cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn gồm 4 nhóm sản phẩm; cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm thủy sản gồm 9 nhóm sản phẩm.

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất và dự kiến các giải pháp khắc phục đối với nhóm hàng có chồng chéo kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, đối với 7 loại hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 Bộ, đề nghị Chính phủ xem xét giao một Bộ đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo hướng một cơ quan kiểm tra chuyên ngành có lực lượng, điều kiện tại cửa khẩu, nên giao cả kiểm tra về kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Đối với 6 nhóm hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ kiên quyết bố trí hợp lý trong Quý IV/2017.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, về cơ bản, hiện nay, các loại phí, lệ phí chi cho hoạt động KTCN đã được rà soát, cắt giảm. Thực hiện Luật Phí, lệ phí 2015, phí, lệ phí KTCN nông nghiệp hiện chỉ còn 6 loại phí và lệ phí. Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát để xem xét cắt bỏ 1 lệ phí: lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật (tiết kiệm chi phí khoảng 9,5 tỷ đồng).

Nguyễn Dương