“Ông lớn” cứu thị trường; Người phụ nữ giàu nhất “đòi” về 335 tỷ đồng
(Dân trí) - Mức tăng khá mạnh của VJC trong buổi sáng không những đã các tác động tích cực đến VN-Index mà còn giúp giá trị khối tài sản trên sàn của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air phục hồi gần 335 tỷ đồng.
Trở lại sau hai phiên giảm sâu vào cuối tuần trước và đầu tuần này, chỉ số VN-Index tăng mạnh ngay từ đầu phiên sáng và nhanh chóng vượt qua ngưỡng 1.000 điểm. Tuy nhiên, diễn biến giằng co đã khiến đà tăng của chỉ số bị thu hẹp chỉ còn 1,1 điểm tương ứng 0,11% vào cuối phiên, VN-Index tạm dừng tại mức 997,22 điểm.
Nếu như trên sàn HSX vẫn có tới 164 mã giảm giá so với 101 mã tăng thì trên HNX ngược lại, số mã tăng lại nhiều hơn số mã giảm (73 mã tăng so với 47 mã giảm). Tuy vậy, chỉ số HNX-Index lại đánh mất 0,14 điểm tương ứng 0,12% còn 114,24 điểm.
Diễn biến trái ngược trên hai sàn cơ sở sáng nay cho thấy một thực tế là các chỉ số đang bị lệ thuộc vào các mã vốn hóa lớn.
Với mức tăng mạnh tại GAS, VHM và VJC, các mã này đã kéo VN-Index trụ lại được ở vùng giá xanh bất chấp số mã cổ phiếu mất giá trên sàn HSX lấn át hoàn toàn số mã tăng. Cụ thể, GAS tăng 2.500 đồng đóng góp cho VN-Index tới 1,51 điểm, VHM tăng 1.400 đồng đóng góp 1,18 điểm và VJC tăng 2.400 đồng đóng góp hơn 0,41 điểm.
Mức tăng khá mạnh của VJC trong buổi sáng không những đã các tác động tích cực đến VN-Index mà còn giúp giá trị khối tài sản trên sàn của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air phục hồi gần 335 tỷ đồng.
Ngoài ra, chỉ số VN-Index cũng đang nhận được sự đồng thuận từ các mã bluechip khác như TCB, VCB, VRE, MWG, PLX, NVL là đặc biệt là VIC. Do là “ông lớn” có khả năng chi phối thị trường nên việc VIC “đổi màu” có thể ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số. Mã này hiện chỉ đang nhích nhẹ 100 đồng.
Chiều ngược lại, trong phiên sáng nay, VNM lại lấy đi của VN-Index gần 1,1 điểm. SAB, MBB, STB, CTG, VPB… sụt giảm cũng kìm hãm đáng kể thị trường. Nhìn chung, việc chỉ số có tìm lại được mốc 1.000 điểm trong ngày hôm nay hay không phụ thuộc lớn và diễn biến của những mã cổ phiếu nói trên.
Về phía HNX, tuy rằng các mã dầu khí đã tăng giá trở lại, song chỉ số vẫn bị “bẻ lái” do diễn biến bất lợi của ACB (giảm 100 đồng).
Thanh khoản thị trường hiện đạt 113 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 2.395,7 tỷ đồng và 22,5 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 320,2 tỷ đồng. STB, FLC và MBB là những mã có thanh khoản tốt nhất nhưng phiên này lại đều giảm giá.
Theo nhìn nhận của VCBS, với việc VN-Index rơi xuống dưới 1.000 điểm và thanh khoản có phần suy giảm, có thể thấy lực cầu trên thị trường đang có dấu hiệu suy yếu và không còn duy trì dồi dào được như những phiên trước.
Với diễn biến như vậy, VCBS kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục kiểm tra ngưỡng tâm lý 1.000 điểm trong những phiên tiếp theo nhưng nhiều khả năng đà giảm sẽ chưa dừng lại do thiếu vắng thông tin hỗ trợ cho thị trường chung.
Theo đó, nhà đầu tư được khuyến nghị nên tiếp tục quan sát trong ngắn hạn do khả năng giảm giá của nhiều cổ phiếu vẫn còn khá lớn, nhất là những mã đã có một giai đoạn tăng giá mạnh mẽ trước đó.
Mai Chi