Ông Lê Vũ Kỳ - "thần đồng" toán học không tính được vận mệnh

(Dân trí) - Từng nổi tiếng là “thần đồng” toán học, sau khi trở thành tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam, ông Kỳ xây dựng giấc mơ công nghệ của mình tại ngân hàng ACB. Tuy nhiên, giấc mơ ấy đã dừng lại khi “bầu” Kiên bị bắt.

Tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam

Trong vụ án “bầu” Kiên cùng các đồng phạm, có một bị cáo khiến nhiều người tỏ ra thán phục khi nhắc về xuất thân và con đường sự nghiệp. Đó là ông Lê Vũ Kỳ, người vừa bị viện kiểm sát đề nghị mức án 7 đến 8 năm tù về tội Cố ý làm trái.

Ông Kỳ không xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, song những lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi của ông phác ra chân dung một người ít nói, nghiêm túc và lời lẽ ngắn gọn, súc tích.

Phía viện kiểm sát đề nghị mức án 7 đến 8 năm tù giam đối với ông Lê Vũ Kỳ về tội

Phía viện kiểm sát đề nghị mức án 7 đến 8 năm tù giam đối với ông Lê Vũ Kỳ về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 


Ông Lê Vũ Kỳ sinh năm 1956 tại Hàng Bún (Hà Nội) trong một gia đình nhà giáo, bố ông Kỳ khi đó giữ chức vụ Hiệu trưởng tại một trường phổ thông danh tiếng. Ngay từ khi học cấp 1 cậu bé Lê Vũ Kỳ đã bộc lộ trí tuệ thông minh với khả năng tính toán hơn người của mình. Nhiều người đánh giá cậu bé Kỳ là “thần đồng”.

Do sự xuất sắc trong học tập, Lê Vũ Kỳ được chọn vào trong nhóm nhân tài của Quốc gia và được nhà nước nuôi ăn học và cho đi tu nghiệp tại nước ngoài. Năm 17 tuổi, một cú sốc lớn đã xảy ra với Lê Vũ Kỳ khi cha ông qua đời. Kể từ đó, ông Kỳ và người em trai đều do người mẹ năm nay đã 98 tuổi chăm sóc.

Sau thời gian đi học tại nước ngoài, năm 27 tuổi, ông Lê Vũ Kỳ trở thành tiến sĩ toán học tại Đại học Tổng hợp Matxcova. Thời gian này, ông Lê Vũ Kỳ là một trong những tiến sĩ trẻ nhất của Việt Nam. Trở về nước với tấm bằng danh giá, năm 1984 - 1988, ông Kỳ làm việc tại Nhà máy Z81 (Bộ Quốc Phòng).Từ năm 1987 đến năm 1988 là cán bộ Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia.

Trong 4 năm từ năm 1989 đến năm 1992 , ông giữ chức Quyền Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. Từ năm 1992 đến năm 1993, trở thành cán bộ Tổng Công ty Dệt-May Việt Nam.Trong thời gian từ năm 1993 đến năm 1996, ông Kỳ nắm Quyền Tổng Giám đốc xí nghiệp liên doanh Việt Nga thuộc Tổng Công ty Dệt-May Việt Nam.

Đến năm 1996 - 1997, ông Lê Vũ Kỳ chuyển sang công tác tại Công ty CP SX-XNK Thiên Nam và giữ Quyền Tổng Giám đốc ở công ty này. Trong suốt những năm từ 1997 đến 2008, ông Kỳ được biết đến với tư cách là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu ACB.

Từ năm 2008 đến ngày 18/09/2012, nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu ACB. Ông được bầu giữ Chủ tịch Hội đồng thành viên từ tháng 8/2009, thay thế ông Kiều Hữu Dũng.

Giấc mơ công nghệ ngân hàng sụp đổ

Chỉ một thời gian ngắn làm việc tại ngân hàng ACB, bằng những kiến thức toán học và công nghệ của mình, ông Kỳ nổi lên nhanh chóng khi đem đến “làn gió mới” thay đổi thói quen của người dân đối với các hoạt động thanh toán ngân hàng dựa vào nền tảng công nghệ thông tin.

Khi đó, trong vai trò Phó tổng giám đốc ACB, Lê Vũ Kỳ là người đặt tham vọng thay đổi thói quen thanh toán của người dân dựa vào công nghệ thông tin. Khi ACB mở tổng đài, khách chỉ cần mở tài khoản, gọi điện thì ngân hàng sẽ thanh toán điện, nước, điện thoại… nhưng người dân vẫn quen tự đóng tiền khiến cho vị lãnh đạo ACB trăn trở.

Lê Vũ Kỳ là người đầu tiên xác định mục tiêu cấp bách trong công nghệ thông tin của ACB là tăng cường tính an toàn hệ thống. Kỷ yếu của ACB về quá trình hoạt động ghi nhận, giai đoạn ông Lê Vũ Kỳ làm Phó tổng giám đốc là thời kỳ nhà băng dồn sức để phát triển sau khi thành lập.

Thời kỳ này, mảng công nghệ thông tin ngân hàng được chú trọng tuyệt đối. Cuối năm 2001, kế thừa sự triển khai chương trình hiện đại hóa thông tin ngân hàng từ năm 1999, ACB vận hành hệ thống công nghệ ngân hàng lõi. Khi này, mọi phòng giao dịch và chi nhánh nối mạng với nhau, dùng chung cơ sở dữ liệu tập trung.

Phần này có công sức đóng góp không nhỏ của Phó tổng giám đốc Lê Vũ Kỳ- người được giao phụ trách mảng công nghệ thông tin, vốn còn là khái niệm "xa xỉ" với không ít nhà băng ở thời kỳ đó.

Có thể nói, việc ông Lê Vũ Kỳ về làm việc tại ACB cùng Nguyễn Đức Kiên như một sự sắp đặt hợp lý “tuyệt đối” giúp ACB vươn lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi mà giấc mơ đang trở thành hiện thực, bất ngờ vào tháng 9/2012, “bầu” Kiên bị khởi tố một loạt tội danh, trong đó có tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà ông Lê Vũ Kỳ cũng bị cáo buộc.

Tại phần thẩm vấn trong những ngày xét xử vừa qua, ông Lê Vũ Kỳ cho rằng, với nhận thức của mình, ông Kỳ chưa bao giờ cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, dù muốn hay không, cơ quan điều tra cũng đã chỉ ra những tham vọng lớn lao tại ngân hàng ACB.

Nếu như ông Nguyễn Đức Kiên muốn trở thành một “ông trùm” ngân hàng, ông Lý Xuân Hải muốn chứng minh là nhà lãnh đạo xuất sắc nhất, ông Trần Xuân Giá "vì danh dự và trách nhiệm của một con người" thì ông Kỳ tiến từng bước trên cỗ máy tăng trưởng như vũ bão ACB.

Và trong guồng quay đó, có ông Lê Vũ Kỳ - một “siêu toán học” - cũng không thể tính được vận mệnh của mình.

Lê Tú
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước