Ông Kim Jong-un có 4-5 tỷ USD ở ngân hàng nước ngoài?
(Dân trí) - Một tờ báo của Hàn Quốc dẫn các nguồn tin tình báo mới đây cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện cất giấu từ 4-5 tỷ USD trong các tài khoản mang tên người khác ở rất nhiều nước khác nhau trong đó có Trung Quốc và Thụy Sỹ.
Thông tin được tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đăng tải hôm 12/3. Theo đó ông Kim Jong-un được cho rằng đang cất giữ hàng tỷ USD trong các tài khoản tại các ngân hàng ở Áo, Trung Quốc, Lichtenstein, Luxembourg, Nga, Singapore và Thụy Sỹ.
“Kể từ khi Tổng thống Lee Myung-bak lên nắm quyền tháng 2/2008, Hàn Quốc và Mỹ đã truy tìm khoảng hơn 200 tài khoản của Triều Tiên có liên quan tới các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, xuất khẩu ma túy, tiền giả và thuốc lá”, một nguồn tin ngoại giao giấu tên khẳng định.
Sau khi chính phủ Mỹ phong tỏa các tài khoản của cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tại ngân hàng Banco Delta Asia ở Macau năm 2005, Triều Tiên đã chia nhỏ các khoản tiền của mình vào nhiều tài khoản ở nước ngoài tại nhiều ngân hàng khác nhau. Nước này mở tài khoản thông qua các bí danh tại châu Á, châu Âu và Trung Mỹ. Tờ báo của Hàn Quốc khẳng định.
“Chính quyền nước này sử dụng các ngân hàng nhỏ, vốn thường không mấy chặt chẽ trong việc giám sát các chủ tài khoản hoặc mở tài khoản dưới tên của những cá nhân hoặc công ty nước ngoài”, một nguồn tin khác cho biết. Trước đây Bình Nhưỡng thường sử dụng các ngân hàng châu Âu nhưng gần đây họ lại chuyển hướng sang các ngân hàng Trung Quốc.
Các cơ quan tình báo Hàn Quốc tin rằng hầu hết số tiền trên thuộc về nhà lãnh đạo Kim Jong-un và được sử dụng để mua các hàng hóa xa xỉ cho bản thân mình hoặc để “mua” sự trung thành của các quan chức cấp cao.
“Nền kinh tế của Triều Tiên được phân chia thành kinh tế chính thức, kinh tế quân đội và kinh tế của tầng lớp lãnh đạo, bao gồm gia đình nhà ông Kim”, một quan chức chính phủ Hàn Quốc nói. “Những khoản ngân sách đó đồng thời cũng là tiền mặt dự trữ trong tình huống khẩn cấp, ví dụ như chính quyền sụp đổ hoặc có các khủng hoảng khác”.
Hầu hết các khoản tiền của ông Kim là các khoản thu bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp Triều Tiên có liên hệ với quân đội hoặc các cơ quan chính phủ khác. Một số đến từ các hoạt động công khai như bán các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản hoặc khoáng sản cũng như từ người lao động Triều Tiên ở nước ngoài gửi về. Nhưng vẫn theo tờ báo này, phần lớn đến từ các hoạt động mờ ám như mua bán bằng tiền giả, buôn bán thuốc lá, rượu, xuất khẩu vũ khí…
Theo ước tính của Hàn Quốc, mỗi năm Triều Tiên từng thu về 200 – 300 triệu USD từ các hoạt động mờ ám cho đến khi cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh cấm vận với nước này sau các sự kiện như: vụ thử tên lửa năm 2009, tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị bắn chìm và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong năm 2010.
Hiện chưa rõ ai đang quản lý những khoản tiền bí mật của Triều Tiên. Jon Il-chun, một người được Hàn Quốc tin rằng đã từng được cố lãnh đạo Kim Jong-il tin cẩn giờ không còn đứng đầu cơ quan quản lý tài chính cho nhà lãnh đạo nước này. Trong khi đó người thay thế ông vẫn chưa lộ diện.
Một số nguồn tin cho rằng vị trí này có thể được giao cho Ri Chol, một cựu đại sứ của Triều Tiên tại Thụy Sỹ, người từng quản lý tiền cho ông Kim Jong-il và chăm sóc các con của nhà lãnh đạo này trong thời gian họ du học nước ngoài.
Những thông tin trên được Chosun đăng tải chỉ một ngày sau khi cũng chính tờ báo này khẳng định cơ quan chức năng Mỹ và Hàn Quốc đã tìm thấy hàng chục tài khoản được cho là thuộc về Kim Jong-un tại nhiều ngân hàng ở Thượng Hải cũng như các khu vực khác của Trung Quốc. Các tài khoản này có số dư tới hàng trăm triệu USD.
Vậy nhưng vì một số lý do, các tài khoản này lại không bị đưa vào diện cấm vận theo nghị quyết mới nhất của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc được công bố hồi thứ Năm tuần trước. “Chúng tôi đã tìm được tên của những người sở hữu tài khoản, số tài khoản. Một vài trong số này được mở từ thời cựu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il”, một nguồn tin cho biết.
Hiện các quan chức Hàn Quốc và Mỹ đã hối thúc Trung Quốc đưa các tài khoản này vào diện bị cấm vận nhưng Bắc Kinh một mực từ chối. “Sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên, Trung Quốc đã cho thấy sẵn sàng tham gia vào các lệnh cấm vận chống Triều Tiên”, nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc khẳng định. “Nhưng Bắc Kinh vẫn không muốn đụng vào “gót chân Achilles” thực sự của Triều Tiên”.
Thanh Tùng
Theo Chosun Ilbo