“Ôm” trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng tỉnh táo kẻo "ăn quả đắng"

(Dân trí) - Tận dụng nguồn vốn ngân hàng thời “thanh khoản dồi dào”, lãi suất thấp, các doanh nghiệp lớn “ồ ạt” lên kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn. Tuy nhiên, theo chuyên gia, ngân hàng khi “ôm” trái phiếu doanh nghiệp cần tỉnh táo kẻo “ăn quả đắng”.

Nhiều ngân hàng là khách hàng của trái phiếu doanh nghiệp (ảnh minh họa).
Nhiều ngân hàng là khách hàng của trái phiếu doanh nghiệp (ảnh minh họa).


Xu hướng tất yếu

Doanh nghiệp tự phát hành trái phiếu là hình thức bổ sung lượng vốn cần thiết cho doanh nghiệp, giúp họ bớt phụ thuộc nguồn với ngân hàng. Đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn ngân hàng dồi dào, lãi suất thấp, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp lớn) đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Trái phiếu doanh nghiệp hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Theo một thống kê chưa đầy đủ, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý III/2013 ít nhất đã đạt con số 19.900 tỷ đồng.

Con số này chiếm khoảng 29% lượng tín dụng tăng ròng trong quý III của toàn ngành ngân hàng. Còn tính từ đầu năm, số vốn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp là 34.000 tỷ đồng, bên mua trong các đợt phát hành này hầu hết là các ngân hàng lớn và vừa.

Giới chuyên gia cho rằng, đây là xu hướng tất yếu nhưng nếu trái phiếu doanh nghiệp phát hành không minh bạch, không được kiểm toán chặt chẽ sẽ tạo nên độ rủi ro rất lớn khi ngân hàng “ôm” vào.

Với lợi thế “vay” vốn thông qua việc phát hành trái phiếu, nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch phát hành những “gói” trái phiếu lớn. Cách đây 1 tháng, Công ty CP Du lịch Thiên Minh đã tiến hành chào bán khoảng 1.000 tỷ đồng trái phiếu tới các nhà đầu tư thông qua Công ty Chứng khoán ACB. Vinacomin cũng đang chuẩn bị thủ tục pháp lý cho đợt phát hành thứ 3 trong năm 2013, với quy mô khoảng 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng Eximbank từ cuối tháng 8 đã thống nhất chủ trương phát hành riêng lẻ khoảng 10.000 tỷ đồng trái phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi với các kỳ hạn 2 năm, 3 năm và 5 năm…

Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hình thức được nhiều nước trên thế giới đã làm để thu hút vốn. Nhưng trái phiếu khác với phát hành cổ phần. Đây là lượng vốn người ta đưa ra trong một khoảng thời gian rồi thu lại.

Ông Hiển cho rằng: “Quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải minh bạch khi phát hành trái phiếu, phải xác định phát hành trái phiếu để làm gì, hiệu quả ra sao và khả năng trả nợ thế nào? Bởi các nhà đầu tư khi mua trái phiếu đều tính tới yếu tố hiệu quả”.

Tái khẳng định doanh nghiệp tự phát hành trái phiếu để huy động vốn là xu thế tất yếu, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh tới việc hậu sử dụng vốn. Ông nói: “Doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào nguồn tín dụng của ngân hàng mà phải là cổ phần hóa. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp là xu thế đúng, nhưng quan trọng nhất là sử dụng vốn như thế nào”.

Lo ngại nợ chồng nợ

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp, dưới góc nhìn của TS.Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, lại đang tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu.

TS. Trần Du Lịch cho biết: “Tôi không khuyến khích việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu vì hiện nay, toàn bộ tín dụng cho nền kinh tế cơ bản đặt gánh nặng lên ngân hàng thương mại, còn huy động vốn trung và dài hạn phải thông qua thị trường vốn, cổ phiếu và trái phiếu”.

Trước thực tế, trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra hiện nay, phần nhiều là do ngân hàng “ôm vào”, liệu có gia tăng nợ xấu khi có ý kiến, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ!? Theo đánh giá của TS.Trần Du Lịch, để xác định doanh nghiệp đảo nợ hay không là trách nhiệm của ngân hàng.

“Trong trường hợp, trái phiếu doanh nghiệp có nợ xấu chồng chất mà ngân hàng vẫn mua vào là vấn đề khác. Nhưng theo tôi, ngân hàng không thể mạo hiểm mua vào trái phiếu doanh nghiệp có nợ chồng chất, nợ xấu, nếu không có một “zíc zắc” nào đó”, TS.Lịch nói.

Còn ông Phùng Quốc Hiển lại cảnh báo, dù là xu thế tất yếu nhưng các ngân hàng cũng phải cân nhắc trước quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp. “Các ngân hàng sẽ phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng việc mua lại trái phiếu của doanh nghiệp. Ngân hàng cũng là nhà đầu tư, họ sẽ bỏ tiền đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau để tránh chuyện “bỏ trứng vào một giỏ”.

Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, cái khó của doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu hiện nay chính là năng lực tài chính của doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp phải thể hiện sự tin cậy để người mua trái phiếu tin, khi mua trái phiếu đó họ không bị thua lỗ, không bị mất khả năng thanh toán khi đến hạn. Nghĩa là doanh nghiệp phải minh bạch, phải có công bố mục đích rõ ràng của việc phát hành trái phiếu để nhà đầu tư thấy được hiệu quả khi bỏ vốn vào.

Tuy nhiên, ở Việt Nam lại chưa có tổ chức hay cơ quan nào đứng ra đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp. Về lâu dài, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp không phải chỉ là một tổ chức mà cần một hệ thống tiêu chí pháp luật đánh giá về: mức độ thế nào, khả năng ra sao, vốn chủ sở hữu bao nhiêu… , khi nào cần phải báo động (như đi mua bao nhiêu, phải trả thế nào, thu ra sao…). Còn trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể dựa vào một số chỉ số quan trọng sẵn có như kết luận của kiểm toán, thanh tra…

Nguyễn Hiền
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước