1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ôm tiền tỷ “tử nạn” trên đường cao tốc

Kỳ vọng nhiều để thất vọng nhiều, dọc đại lộ "chết chóc" Thăng Long, hàng loạt đại gia BĐS đang “chết dần, chết mòn”, chưa biết khi nào mới động trở lại.

Tricon Tower hoang tàn

 

Đã quá thời hạn giao nhà hơn 1 năm qua, bị khách hàng bao vây trụ sở yêu cầu bồi thường hợp đồng, tuy nhiên dự án Tricon Tower do CTCP đầu tư Minh Việt vẫn ngổn ngang sắt thép hoen gỉ và gần như không có dấu hiệu thi công.

 

Theo nguyên tắc nội dung ký kết, Minh Việt sẽ phải giao nhà cho khách hàng vào ngày 31/12/2011, muộn nhất là ngày 30/6/2012. Tuy nhiên đến nay, dự án này mới hoàn thiện phần móng và đã "đắp chiếu" từ nhiều tháng. Tình trạng này khiến nhiều khách hàng cho rằng mình đã bị lừa, thời gian giao căn hộ không biết là lúc nào và có thể sẽ là điều không tưởng.

 

Khách hàng đã nhiều lần đề nghị Minh Việt trả lại tiền nhưng không được. Quá bức xúc, hàng trăm người đã mang băng rôn biểu ngữ bao vây trụ sở công ty tại Dịch Vọng, Cầu Giấy đòi bồi thường thiệt hại. Nhiều trường hợp đã nộp cho Minh Việt khoảng 3-4 tỷ đồng/căn tương đương khoảng 50-70% giá trị căn hộ, cá biệt có trường hợp nộp đến 14 tỷ đồng. Với 128 khách hàng (thống kê chưa đầy đủ), đã có khoảng 400 tỷ đồng nộp cho Minh Việt.

 

Đại diện chủ đầu tư dự án giải thích việc chậm trễ giao nhà cho khách hàng, trong đó cho rằng nguyên nhân một phần do nhà thầu CTCP Xây dựng Cotec (Coteccons) không thực hiện theo đúng tiến độ, khối lượng và các tiêu chí hoàn thiện công trình. Tuy nhiên, phía Coteccons đã chính thức gửi đơn khởi kiện Minh Việt về việc chậm thanh toán tiền cho nhà thầu.
 
Ôm tiền tỷ “tử nạn” trên đường cao tốc

 

Tính ra, số tiền Minh Việt còn nợ Coteccons là hơn 123 tỷ đồng, ngoài ra còn khoản 43 tỷ tiền thi công mà Coteccons đã thực hiện xong, đã được tư vấn giám sát ký xác nhận nghiệm thu; 18 tỷ đồng tiền phạt do chậm thanh toán. Như vậy, tổng số tiền Minh Việt phải thanh toán cho Coteccons lên tới hơn 180 tỷ đồng.

 

Từ thực tế dự án cũng như động thái của chủ đầu tư, nhiều khách hàng hoài nghi về năng lực của Minh Việt. Đặt niềm tin vào chủ đầu tư chờ đợi một thời gian nữa để nhận nhà hay rút vốn đòi bồi thường, dù chọn một trong hai cách trên, người mua nhà vẫn chịu thiệt thòi.

 

Ông chủ "biến mất", nhân viên nghỉ làm, công ty đóng cửa, dự án "bất động"... hàng trăm khách hàng Tricon Towers đang rất hoang mang về số phận những căn hộ mình đã bỏ hàng tỷ đồng để mua.

 

Diamond Tower: Kim cương hóa đá

 

Từng có một quá khứ "hoành tráng", dự án chung cư và dịch vụ hỗn hợp tại ô đất HH3 - Diamond Tower được hàng trăm khách hàng quan tâm vì nằm ngay mặt Đại lộ Thăng Long. Sau nhiều lần sang tay hết chủ đầu tư này đến chủ đầu tư khác, đến nay, Dự án vẫn chỉ là bãi đất trống đầy cỏ dại. Ngay hàng rào tôn quây quanh cũng bị gió thổi bay đi gần hết, khiến khu vực này càng trở nên hoang tàn.

 

Với slogan: "Nơi giấc mơ bắt đầu" xuất hiện tràn lan trên mạng rao vặt từ năm 2008 để chào bán căn hộ, lại vào đúng thời điểm thị trường bất động sản Hà Nội đang "sốt" những năm 2009, 2010, giá mỗi m2 căn hộ tại dự án Diamond Tower có "gốc" là 15 triệu đồng/m2, nhưng khách hàng phải trả đến 18 triệu đồng/m2 mới có thể mua được.

 

Cũng với sức hấp dẫn đó, dự án đã được các chủ đầu tư liên tục chuyển đổi để kiếm lời. Thế nhưng, hiện dự án vẫn bị bỏ hoang ngay cả khi nhiều lần thay chủ đầu tư.

 

Đầu tiên là việc CTCP Sông Đà - Việt Đức liên doanh với CTCP Bất động sản Tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC Land) để thực hiện dự án. Ngay lập tức, dự án được đổi tên thành Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp dầu khí, dự kiến khởi công vào năm 2010.

 

Nhưng chưa kịp khởi công theo dự kiến thì PVFC Land đã chuyển nhượng vốn góp dự án cho Công ty Imico. Với vụ chuyển nhượng này, PVFC Land đã thu về hơn 207 tỷ đồng, mang lại khoản lợi nhuận trước thuế 95 tỷ đồng. Và dù chuyển nhượng toàn bộ dự án, nhưng PVFC Land vẫn giữ lại 200 căn hộ chung cư tại đây và đã đầu tư 47,76 tỷ đồng trong năm 2010 để triển khai dự án.

 

Đến cuối năm 2010, Imico tiếp tục chuyển nhượng dự án cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC. Sau nhiều lần trì hoãn khởi công, đến nay dự án vẫn còn đang nằm im bất động. Chưa rõ Vinaconex PVC có phải là chủ đầu tư cuối cùng hay không.

 

Vinaconex muốn rút khỏi dự án Splendora

 

Ngay cả đại gia BĐS cũng phải rút chạy tại dự án đình đám. Đơn cử như Vinaconex đã phát đi thông báo gửi các nhà đầu tư quan tâm để chuyển nhượng cổ phần tại Liên doanh An Khánh JVC, hiện đang là chủ đầu tư dự án Splendora thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội).

 

Vinaconex cho biết sẽ tiến hành cấu trúc lại vốn đầu tư tại Liên doanh An Khánh JVC thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp. Vinaconex hiện sở hữu 50% vốn điều lệ của liên doanh này, Posco E&C - Hàn Quốc sở hữu 50% còn lại.

 

An Khánh JVC đang hoàn thiện giai đoạn 1 trên diện tích 50 ha và dự kiến bàn giao nhà cho khách hàng vào năm 2013. Giai đoạn 2 cũng đã được khởi công vào ngày 1/6/2012. Nhưng thời gian gần đây, khách hàng đã khiếu nại và có tranh chấp với chủ đầu tư về những vấn đề liên quan đến điều khoản hợp đồng, phương thức thanh toán, vật liệu sử dụng trong công trình.

 

Điển hình, hàng chục người nhận là khách hàng mua nhà tại Khu Đô thị Bắc An Khánh - Splendora đã kéo tới trụ sở Tổng công ty Vinaconex (nằm trên đường Láng Hạ - Hà Nội), chăng biểu ngữ và đòi gặp lãnh đạo đơn vị này.

 

Các đại gia BĐS khác như Dầu khí, Sông Đà,... cũng đang lao đao vì dự án mắc kẹt dọc đại lộ này. Dự án nằm im lìm, hàng nghìn ha đất bị bỏ mặc cho cỏ dại xâm lấn, giới đầu tư đã ra đi. Đây là hệ quả của phong trào làm dự án đón đầu quy hoạch.

 

Theo Duy Anh

VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm