“Ôm cục tức” vì... hộp đen

Hiện nhiều chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải đang “ngậm đắng” đóng tiền phạt vì gắn hộp đen không hợp quy, hợp chuẩn, đồng thời phải gấp rút bổ sung những tính năng còn thiếu để đối phó đoàn kiểm tra

Khi Nghị định 91 quy định các phương tiện là xe vận tải khách theo tuyến cố định, xe vận chuyển khách hợp đồng, xe buýt, xe container phải gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp (DN), HTX vận tải đã nháo nhào tự tìm nguồn cung cấp.

 

Do chưa có thông tin thế nào là hộp đen hợp chuẩn nên nhiều DN, chủ xe chọn loại rẻ tiền, miễn là có một số tính năng như ghi nhận hành trình, tốc độ, vị trí xe dừng, đỗ, không quan tâm đến những tính năng khác như cổng in, thời gian lái xe của tài xế... Đến khi bị kiểm tra, nhiều chủ xe phải “ngậm đắng” đóng tiền phạt từ 500.000 đến 2 triệu đồng.

 

“Chết” vì thiếu thông tin, ham rẻ

 

Thông tin việc Công ty TNHH Viễn thông Tin học Tít (Công ty Tít, quận 5, TP HCM) bị đoàn thanh tra của Bộ GTVT yêu cầu giải trình quy trình sản xuất và cung cấp hộp đen do chưa bảo đảm đầy đủ các tính năng theo quy định khiến hàng trăm chủ xe lo lắng do đã lỡ gắn hộp đen của DN này.

 

Ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm HTX Vận tải Du lịch Việt Thắng, cho biết: Gần 90% trong tổng số gần 300 xe của HTX đã gắn hộp đen của Công ty Tít với giá trả góp khoảng 5,2 triệu đồng/cái. Lúc mua, Công ty Tít cho biết thiết bị hợp quy, hợp chuẩn, có các tính năng như giám sát hành trình, nơi dừng, đỗ, tốc độ lái xe…

 

Tuy nhiên, khi Bộ GTVT quy định 6 yêu cầu của hộp đen thì thiết bị này lại thiếu cổng in, đèn LED... “Xã viên hiện rất lo lắng, sợ bị thanh tra giao thông xử phạt nên họ buộc nơi bán phải bổ sung những tính năng còn thiếu của thiết bị. Tuy nhiên, muốn bổ sung phải tốn thêm tiền nên chúng tôi đang chờ Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận hợp quy cho công ty này thì mới dám làm tiếp” - ông Phấn nói.

 

Thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) được gắn trên xe buýt của Liên hiệp HTX Vận tải TP HCM.
Thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) được gắn trên xe buýt của Liên hiệp HTX Vận tải TP HCM.

 

Cũng lỡ mua hộp đen giá rẻ của Công ty Tít, ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ nhiệm HTX Vận tải Đông Nam, lo lắng: Khi có quy định lắp hộp đen, do không biết sản phẩm nào là hợp chuẩn nên HTX rất bối rối. Qua giới thiệu của đồng nghiệp, gần 100 xe buýt của HTX đã gắn sản phẩm của Công ty Tít, giờ không biết phải xử lý sao.

 

Ngoài hai HTX trên, hàng trăm xe của HTX Vận tải 15 và HTX 28 cũng gắn thiết bị của Công ty Tít giờ đang rối bời vì phải chờ bổ sung những tính năng còn thiếu.

 

Do mua hàng trôi nổi nên 8/47 hộp đen của Công ty CP Đầu tư TMDV Vận tải Du lịch Diệu Minh (quận Bình Thạnh) sử dụng chưa được bao lâu đã tịt ngòi. Ông Trần Quang Sơn, giám đốc công ty, cho biết: “Do không biết thiết bị nào hợp chuẩn, khi được giới tài xế rỉ tai, tôi đến chợ Kim Biên mua 8 thiết bị với giá hơn 2 triệu đồng/cái, sử dụng một thời gian thì không có tín hiệu, gọi điện cho người bán thì họ làm ngơ”.

 

Bị tước giấy chứng nhận vẫn tiếp tục bán

 

Thị trường hộp đen hiện rất bát nháo. Trong vai một chủ xe cần mua hộp đen để gắn lên xe chạy hợp đồng cho HTX, chúng tôi gọi điện đến công ty V. chuyên cung cấp thiết bị định vị ở quận 10. Nhân viên công ty này ra giá 3,86 triệu đồng/cái, miễn phí dịch vụ và sim trong 1 năm, trả góp 2 lần trong 1 năm, sản phẩm có giấy chứng nhận hợp quy. Chúng tôi thắc mắc tại sao giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại, nhân viên này cho biết: “Rẻ do giá cạnh tranh!”.

 

Hộp đen trên xe buýt của Saigon Bus.
Hộp đen trên xe buýt của Saigon Bus.

 

Đáng ngạc nhiên hơn khi chúng tôi gọi điện đến Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuân Phi (quận Tân Bình) - đơn vị vừa bị Thanh tra Bộ GTVT tước giấy chứng nhận hợp quy vì hộp đen không bảo đảm tiêu chuẩn, một nhân viên phòng kinh doanh khẳng định: “Vẫn bán bình thường!”. Nhân viên này còn tư vấn nên lắp hộp đen chuẩn, giá 4 triệu đồng/cái, nếu mua trên 20 cái sẽ giảm 10%. Khi chúng tôi hỏi sản phẩm có chứng nhận hợp quy không, nhân viên trả lời ngay: “Có chứ! Công ty bán nhiều lắm, có cổng in đàng hoàng”.

 

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý bến xe khách TP HCM, cho rằng hộp đen nhằm để giám sát tốc độ, thời gian làm việc của lái xe, ngăn chặn kịp thời nguy cơ gây tai nạn giao thông. Gắn hộp đen là ý thức của DN, chủ xe thấy lợi mà làm, nếu gắn để đối phó thì không nên.

 

“Các đoàn kiểm tra nên quan tâm nhiều đến các DN, HTX tự để xã viên mua hộp đen gắn lên xe, họ sẽ chọn sản phẩm rẻ, chất lượng kém với mục đích để đối phó khi bị kiểm tra”- ông Hùng đề nghị.

 

 Tước giấy chứng nhận hợp quy của 8 đơn vị

 

Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT, cho biết qua 2 đợt kiểm tra tại TP Hà Nội, TP HCM và tỉnh Đồng Nai, đoàn thanh tra đã rút giấy chứng nhận hợp quy của 8 đơn vị: Công ty Viễn thông Vạn Xuân, Công ty CP Công nghệ Sao Việt, Công ty TNHH Thiết bị và Công nghệ tự động Tân Á Châu, Công ty CP Công nghệ Thông tin C.S.S.E, Công ty TNHH Viễn thông Tin học Tít, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuân Phi, DNTN Sản xuất - Thương mại T.H.V, Công ty CP Định vị Việt. Đoàn thanh tra đã yêu cầu các DN không được tiếp tục bán sản phẩm không hợp quy, đồng thời duy trì hoạt động, bảo hành cho những thiết bị đã cung cấp ra thị trường và khắc phục vi phạm trong thời gian từ 1 đến 3 tháng.

 

Nhận định về việc DN bị tước giấy chứng nhận hợp quy nhưng vẫn bán sản phẩm ra thị trường, ông Sỹ nói: “Đó là sai quy định, người mua cần cân nhắc kỹ vì nếu mua sản phẩm này khi kiểm tra sẽ bị phạt ngay. Hiện có 52 DN cung cấp hộp đen được Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận hợp quy, người tiêu dùng vào trang web của Bộ GTVT (http://www.mt.gov.vn/) để tham khảo”.

 
Theo Thu Hồng

NLĐ