"Ôm" 4 dự án thua lỗ nghìn tỷ, Vinachem "gánh" hơn 38 nghìn tỷ đồng nợ phải trả và lỗ 872 tỷ đồng

"Ôm" 4 Công ty thua lỗ nghìn tỷ là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty CP DAP – Vinachem; Công ty CP DAP số 2 – Vinachem, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang phải "gánh" hơn 38 nghìn tỷ đồng khoản nợ phải trả và lỗ luỹ kế hơn 872 tỷ đồng.


Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, sáng 7.8.2018, tại trụ sở Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thành viên Ban chỉ đạo giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII, Tổ trưởng Tổ Công tác số 3 và 05 thành viên của Tổ Công tác đã có buổi làm việc với Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) về kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII.

Chuyển động tại 4 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ

Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, cho biết Vinachem đã xây dựng, báo cáo bổ sung và hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020, báo cáo Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ngày 5.1.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020. Căn cứ Văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, ngày 23.5.2018, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã ban hành Quyết định số 168/QĐ-HCVN về Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020.


Trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, Vinachem có tới 4 dự á trong danh sách làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả (Ảnh minh họa)

Trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, Vinachem có tới 4 dự á trong danh sách làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả (Ảnh minh họa)

Đề án quan trọng trên gồm: Kế hoạch thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam và Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn giai đoạn 2017-2020 được xác định tại Quyết định số 16/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất; sản xuất, kinh doanh phân bón chứa lân; sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành hóa chất; công nghiệp cao su; sản xuất hóa chất tiêu dùng; sản xuất phân bón tổng hợp; hóa dược.

Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ tiến hành thực hiện các quy định của Nhà nước về định giá đất đai, tài sản hữu hình, tài sản vô hình khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn và các Công ty thành viên; tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và nghiêm túc thực hiện quyết định của cơ quan Kiểm toán nhà nước khi cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn và các Công ty thành viên theo Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đánh giá thực trạng tài chính của Tập đoàn, mức độ hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn Nhà nước của Tập đoàn năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Phú Cường cho biết, hệ số bảo toàn vốn của Tập đoàn năm 2017 là 0,99 lần; ước 6 tháng đầu năm 2018 là 1,0 lần; Vốn chủ sở hữu năm 2017 là 13.559 tỷ đồng; ước 6 tháng đầu năm 2018 là 13.625 tỷ đồng; Tổng tài sản năm 2017 là 20.797 tỷ đồng; ước 6 tháng đầu năm 2018 là 20.581 tỷ đồng; Lợi nhuận năm 2017 là 287 tỷ đồng; ước 6 tháng đầu năm 2018 là 70 tỷ đồng.

Về tình hình hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, ông Nguyễn Phú Cường thừa nhận năm 2017, Vinachem không bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại Tập đoàn, nguyên nhân do Công ty mẹ hoạt động kinh doanh lỗ, chưa bảo toàn và phát triển được vốn do trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính của 04 Công ty thua lỗ (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty CP DAP – Vinachem; Công ty CP DAP số 2 – Vinachem), và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.

Về kết quả thực hiện cơ cấu lại, đổi mới DNNN, đã hoàn thành thoái vốn, bán bớt vốn tại 13/17 doanh nghiệp năm 2016, 2017; Năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 15 doanh nghiệp; Năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 14 doanh nghiệp; Năm 2020 thực hiện thoái vốn tại 04 doanh nghiệp.

Năm 2018, Tập đoàn đang tổ chức xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn tại 15 doanh nghiệp; Thoái hết vốn tại các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn, hoặc không cần nắm giữ vốn để tạo nguồn thu cơ cấu lại tài chính Tập đoàn tại 19 doanh nghiệp; 07 doanh nghiệp Tập đoàn nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 09 doanh nghiệp Tập đoàn nắm giữ 36% vốn điều lệ.

“Trong số 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, hoạt động kém hiệu quả thuộc Ngành Công Thương, Vinachem có 04 doanh nghiệp đó là: Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP - Vinachem, Công ty cổ phần DAP số 2 – Vinachem. Nhưng trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các đơn vị đều duy trì thời gian chạy máy tốt; sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng cao; số lỗ các đơn vị giảm mạnh. Riêng Công ty cổ phần DAP - Vinachem năm 2017 lãi 15 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2018 lãi 115 tỷ đồng”, ông Nguyến Phú Cường thông tin.

Trong giai đoạn tới, Vinachem sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp, tập trung: Hoàn thiện thể chế quản lý; Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán; Quản lý sử dụng lao động hiệu quả, cải cách cơ chế tiền lương; Phát triển, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công nhân kỹ thuật ngành hóa chất; Tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn và chỉ đạo của Tập đoàn đối với Người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp thành viên.

Gánh nặng nợ hơn 38.000 tỷ đồng

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cho thấy đến 31.12.2017, nợ phải trả của Tập đoàn đã lên tới 38.061,1 tỷ đồng, tăng gần 492 tỷ đồng so với cuối năm 2016.

Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 20.112,8 tỷ đồng, tăng gần 1.750 tỷ đồng (9,53%) so với cùng kỳ năm 2017. Tính tới cuối năm 2017, nợ ngắn hạn của Vinachem đã tương đương 92% tài sản ngắn hạn là 21.756 tỷ đồng.

Trong số nợ ngắn hạn của Vinachem, đáng lo ngại là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng thêm gần 400 tỷ đồng lên 11.437,7 tỷ đồng. Khoản phải trả người bán ngắn hạn cũng tăng thêm gần 700 tỷ đồng, từ 3.989,11 tỷ đồng lên 4.638,95 tỷ đồng. Đồng thời, hai khoản chi phí phải trả ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác của Vinachem cũng tăng gấp 1,5 lần, lên lần lượt 971,57 tỷ đồng và 1.059,01 tỷ đồng.


Dù ôm nợ hơn 38.000 tỷ đồng, Vinachem vẫn rót cho Đạm Ninh Bình hàng nghìn tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Dù ôm nợ hơn 38.000 tỷ đồng, Vinachem vẫn rót cho Đạm Ninh Bình hàng nghìn tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Về các khoản vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn của Vinachem và các công ty con lên tới 11.437,7 tỷ đồng, không thể không nhắc tới những khoản vay với số tiền khá lớn của một số công ty con được ghi nhận tại ngày 31.12.2017 như khoản vay tín chấp số tiền hơn 1.173 tỷ đồng với lãi suất thả nổi của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Hay khoản vay ngắn hạn với tổng số tiền 593,04 tỷ đồng với Viettinbank và Viecombank theo hình thức thế chấp tài sản.

Hai công ty kể trên đều là những doanh nghiệp có kết quả làm ăn khá bết bát. Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đại dự án thua lỗ nghìn tỷ Đạm Ninh Bình đến 31.12.2016 có số lỗ luỹ kế 3.197 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 386,94 tỷ đồng. Còn Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc đến hết tháng 6.2017, số lỗ lũy kế của đơn vị 2.035 tỷ đồng.

Theo tính toán, nợ vay và nợ thuê tài chính đã lên đến hơn 28.800 tỷ đồng, gồm nợ vay ngắn hạn hơn 11.437 tỷ đồng và nợ vay dài hạn hơn 17.395 tỷ đồng. Nợ vay lớn dẫn tới áp lực trả lãi lớn, năm 2017, Vinachem phải trả chi phí lãi tiền vay lên đến hơn 2.105 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, Vinachem vẫn đánh giá, mức độ tập trung rủi ro đối với việc trả nợ của tập đoàn này là có thể kiểm soát được.

“Công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ dòng tiền hoạt động kinh doanh và tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn”, Vinachem đưa ra đánh giá trong Báo cáo tài chính.

Dù vẫn trong tình trạng thua lỗ, nợ nần, song trong năm 2017, Vinachem vẫn rót thêm hàng trăm tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, chủ yếu là cho vay lại (lãi suất 6,5%/năm) để dự án này trả nợ ngân hàng. Dư nợ ngắn hạn của Đạm Ninh Bình tại Vinachem đến cuối năm ngoái đã nâng lên hơn 2.598 tỷ đồng, tăng hơn 850 tỷ đồng so với năm 2016. Trong đó, con số dự phòng rủi ro cho khoản vay này là 258,28 tỷ đồng.

Còn khoản đầu tư hơn 2.313 tỷ đồng của Vinachem vào Đạm Ninh Bình cũng đã trích lập dự phòng 100%.

Quay trở lại với các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh của Vinachem. Một điều khá buồn là phần lớn trong số chúng đều đi xuống. Doanh thu hợp nhất năm 2017 của Vinachem tăng từ 40.264 tỷ đồng năm 2016 lên 42.564 tỷ đồng năm 2017. Tuy nhiên, doanh thu của công ty mẹ lại giảm 6% so với năm 2016, chỉ còn 5,6 tỷ đồng.

Trong khi đó giá vốn hàng bán đã là 5,9 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp bị âm. Doanh thu tài chính là mảng mang về nguồn thu lớn nhất cho Vinachem, nhưng đã sụt giảm rất mạnh hơn 60% so với cùng kỳ, còn 983 tỷ đồng. Tuy nhiên, chừng đó cũng không đủ bù chi phí tài chính 967,5 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 305 tỷ đồng (tăng gấp đôi năm 2016), dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm 289,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ âm gần 423 tỷ đồng theo BCTC hợp nhất năm 2017 và âm 287,6 tỷ đồng theo BCTC công ty mẹ năm 2017. Tổng lỗ lũy kế của Công ty mẹ - Vinachem tính tới cuối năm 2017 lên đến 872 tỷ đồng.

Theo Hoàng Thắng
Dân Việt

"Ôm" 4 dự án thua lỗ nghìn tỷ, Vinachem "gánh" hơn 38 nghìn tỷ đồng nợ phải trả và lỗ 872 tỷ đồng - 4