1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Olympic 2008 - “Cơ hội vàng” cho kinh tế Trung Quốc?

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia dự đoán rằng sự kiện Olympic Bắc Kinh 2008 có thể đem đến những cơ hội phát triển “vàng” cho một số lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc, như du lịch, tài chính, văn hoá, triển lãm và thể thao. Thực tế liệu có đúng như vậy?

Nhờ sự kiện thể thao toàn cầu trọng đại này, hàng ngàn khách du lịch sẽ đổ về Trung Quốc, các khách sạn sẽ chật kín khách, và hàng triệu USD sẽ được chi cho các loại vé, hàng tiêu dùng và quà lưu niệm.

 

Ông Chen Jian, Tổng Thư ký Hiệp hội nghiên cứu kinh tế Olympic Bắc Kinh, dự đoán Olympic 2008 sẽ tiếp tục làm lợi cho ngành du lịch nước này trong khoảng một thập kỷ sau khi sự kiện kết thúc.

 

Hiệp hội dự đoán sẽ có khoảng 600.000 người nước ngoài đổ về thủ đô Bắc Kinh nhân sự kiện này, nâng tổng số khách du lịch tới Bắc Kinh trong cả năm nay lên khoảng 4,5 triệu người, với tổng chi tiêu đạt 4,8-4,9 tỷ USD.

 

Tuy nhiên, có một thực tế Trung Quốc cần nhìn nhận là không như thành công về mặt kinh tế mà thành phố Seoul của Hàn Quốc hay Barcelona của Tây Ban Nha từng chứng kiến sau các sự kiện thể thao lớn, gần đây Sydney (Úc) và Athens (Hy Lạp) lại trải qua một giai đoạn kinh tế thời hậu Olympic.

 

Vì vậy, vẫn còn quá sớm để Bắc Kinh lạc quan về viễn cảnh phát triển kinh tế sau Olympic.

 

Cơ hội phát triển thương hiệu

 

Nhà sản xuất máy tính Lenovo và một số thương hiệu khác coi Olympic Bắc Kinh 2008 như một cơ hội để quảng bá thương hiệu ở cả trong và ngoài nước. Lenovo là doanh nghiệp Trung Quốc duy nhất là đối tác toàn cầu của Olympic 2008, và kỳ vọng sự kiện này sẽ giúp thương hiệu máy tính Lenovo vươn rộng ra thế giới.

 

Trong khi đó, hai tập đoàn sữa lớn đã chi 1 tỷ nhân dân tệ cho chiến dịch marketing Olympic với hy vọng qua đó mở rộng thị phần.

 

Tuy nhiên, ông Tim Burroughs, Tổng biên tập tạp chí Thời báo kinh tế Trung Quốc, cho rằng nếu nhìn vào nhu cầu mua xe xem các trận đấu Olympic thì có thể nhận thấy sự quan tâm của dân chúng đối với sự kiện này là rất lớn, nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa với doanh thu lớn cho các doanh nghiệp không lại là chuyện khác.

 

Những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất từ sự kiện này là các nhà sản xuất đồ thể thao. Ngoài hai tên tuổi lớn là Adidas và Nike, hãng Li-Ning của Trung Quốc cũng đặt kỳ vọng phát triển lớn vào Olympic Bắc Kinh.

 

Dù vậy, ông Borroughs chỉ ra rằng doanh số của các sản phẩm liên quan tới Olympic, như áo phông hay các đồ lưu niệm mang hình ảnh Olympic, sẽ chỉ có tác động rất nhỏ tới nền kinh tế.

 

Những dự đoán cho thời “hậu Olympic”

 

Theo suy luận logic của giới phân tích, sau khi đẩy mạnh đầu tư cho giai đoạn trước Olympic, cùng với sự gia tăng về doanh số và doanh thu, hoạt động đầu tư và tiêu dùng sẽ có xu hướng chững lại và giảm sau khi Olympic kết thúc.

 

Thêm vào đó là gánh nặng của chi phí bảo trì các công trình Olympic sau khi sự kiện này kết thúc, và nguy cơ nhiều công trình với kinh phí đầu tư khổng lồ nhằm phục vụ Olympic sẽ chỉ được tiếp tục khai thác một cách hạn chế. Ngành kinh doanh khách sạn sẽ trải qua một giai đoạn doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, dù đa số hiện vẫn khẳng định sẽ “sống tốt”.

 

Hai chuyên gia kinh tế Stephen Jen và Luca Bindelli, tác giả báo cáo của Morgan Stanley d đoán về hậu Olympic Bắc Kinh 2008, cho rằng có những nhân tố đặc biệt sẽ giúp hạn chế mức sụt giảm kinh tế của Trung Quốc sau khi Olympic kết thúc. Nền kinh tế Trung Quốc lớn và đa dạng hơn nhiều nước chủ nhà Olympic trước đây, nên tình trạng sụt giảm trong tiêu dùng, nếu có, có thể được bù đắp bằng sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh tế khác.

 

Hiệp hội nghiên cứu kinh tế Olympic Bắc Kinh vẫn hy vọng rằng sự kiện thể thao toàn cầu này sẽ là một động lực phát triển lớn cho ngành dịch vụ của Trung Quốc, lĩnh vực đang chiếm khoảng 30% của nước này, so với mức 65-75% ở các quốc gia phát triển.

 

Hiệp hội cũng tin rằng sự phát triển của ngành dịch vụ sau Olympic có thể tạo thêm cơ hội việc làm và cải thiện mức sống ở Trung Quốc.

 

Đặng Lê

Theo BBC