Ô tô điện: Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được

(Dân trí) - “Trong xu thế phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, xu thế tất yếu là ô tô điện các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được”, ông Otsuka Tetsuhisa, Giám đốc Công ty Cổ phần NC Network Việt Nam khẳng định.

Cụ thể hóa việc đó, sáng nay (10/8), Sở Công thương Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA), Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) phối hợp với Công ty CP NC Network Việt Nam (NCNV) tổ chức chương trình “Trang bị tâm thế, nâng cao năng lực kỹ thuật trong lĩnh vực ô tô”.

Theo đó, doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần nâng cao năng lực kỹ thuật, chất lượng, quản trị,... để các sản phẩm, linh kiện có thể thâm nhập thị trường Nhật Bản.

Chương trình thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp hỗ trợ
Chương trình thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp hỗ trợ

Tại đây, các học viên đại diện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận kiến thức xây dựng mô hình kinh doanh theo tư duy quản trị tinh gọn “Made in Vietnam”.

Đại diện các doanh nghiệp được gợi mở, định hướng cách thức áp dụng quản trị tinh gọn phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Hiểu về yêu cầu chất lượng đối với linh kiện ô tô. Tiếp cận các phương pháp nhằm nâng cao kỹ thuật, chất lượng của công ty trang bị tâm thế nâng cao năng lực kỹ thuật chất lượng, đảm bảo chất lượng linh kiện ô tô cũng như chiến lược, phương pháp thực hiện nhằm nâng cao kỹ thuật, chất lượng.

Trong thời gian 4 năm ở Việt Nam, ông Otsuka Tetsuhisa, Giám đốc Công ty Cổ phần NC Network Việt Nam nhận xét: “Trong thời gian 4 năm, tôi đã đến 1.000 công ty và lần trở lại này để tìm cách hỗ trợ giữa doanh nghiệp (DN) 2 nước. Đến bây giờ, tôi nhận thấy sự trưởng thành vượt bậc của các DN Việt về trình độ, cách quản lý…”

Ông Otsuka Tetsuhisa, Giám đốc Công ty Cổ phần NC Network Việt Nam
Ông Otsuka Tetsuhisa, Giám đốc Công ty Cổ phần NC Network Việt Nam

“Trong khi đó, khó khăn đầu tiên mà các DN Nhật gặp phải hiện nay là về nhân lực. Ví dụ như, các DN ở Nhật Bản có những công nhân 70 tuổi vẫn làm việc nhiệt tình. Làm gia công kim loại là 1 công việc hết sức nặng nhọc nhưng muốn cho những người này nghỉ cũng khó vì Nhật Bản đang ở giai đoạn dân số già. Do đó, tôi mong muốn DN 2 nước đưa ra những điểm mạnh để làm lớn thị trường và đưa ra các sản phẩm thế mạnh”, ông Otsuka Tetsuhisa nói.

Từ những lý do đó, ông Otsuka Tetsuhisa nhấn mạnh: “Thời điểm hiện nay chính là lúc doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có thể hợp tác rất bền vững hơn vì đã tiến gần lại với những điểm chung cơ bản. “Trong xu thế phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, xu thế tất yếu là ô tô điện các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm được”.

“Tôi mong muốn vừa đào tạo vừa chuyển giao các công nghệ cho phía các DN Việt, việc này phải làm theo chuỗi và là bước khởi đầu để có thể hiện thức hóa nâng cao trình độ cho DN Việt trong việc tạo ra các sản phẩm chi tiết, chế tạo trong ngành chế tạo”, ông Otsuka Tetsuhisa chia sẻ thêm.

TS. Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Viện Quản trị tinh gọn GKM cho rằng: “Quản trị tinh gọn xuất phát từ Nhật Bản, lấy DN làm trung tâm để CP nghiên cứu hỗ trợ. Công tác quản trị cực kì quan trọng đối với việc ra đời của 1 sản phẩm tốt. Tại Việt Nam, quản trị cần được Việt Nam hóa từ các mô hình của Nhật Bản, Mỹ, Đức…”

“Viện Quản trị tinh gọn ra đời đã nhận thấy, việc quản trị đi trước nhưng rất cần công nghệ. Kết nối giữa các DN cần tìm điểm chung giữa Quản trị và công nghệ trong khi công tác quản trị luôn phải đi trước sau đó là công nghệ. Các DN Việt Nam cần tự vươn mình lên, đồng thời các DN Nhật Bản cũng nên hạ thấp tiêu chuẩn xuống để các DN có thể gặp được nhau trong các mối quan hệ hợp tác.”

Chuỗi chương trình đào tạo dành cho các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo Việt Nam sẽ được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11 năm nay.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm