Tổng giám đốc Vinasamex:

"Ở nhiều hội chợ quốc tế, khách hàng không biết Việt Nam có quế, hoa hồi"

Văn Hưng

(Dân trí) - Hiệp định CPTPP đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, tuy nhiên, hàng hóa thương hiệu Việt vẫn chưa tạo được dấu ấn đậm nét trong mắt bạn bè quốc tế.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, được kỳ vọng là bước ngoặt tạo ra xung lực mới, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên thực thi CPTPP.

Sau 5 năm, mặc dù CPTPP đã giúp gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu, tuy nhiên, hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường còn khá khiêm tốn.

Tại tọa đàm "Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/9, bà Trịnh Huyền Mai, Phó trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), chia sẻ hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng thô, nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài. Họ thu mua về, chế biến lại, bao bì đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Bởi vậy, giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam còn thấp.

"Việc xây dựng thành công thương hiệu chỉ diễn ra ở một số doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, có khả năng và có sự hiểu biết về thị trường và có một chiến lược bài bản", bà Mai nói.

Ở nhiều hội chợ quốc tế, khách hàng không biết Việt Nam có quế, hoa hồi - 1

Nhiều mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng của Việt Nam vẫn loay hoay đi xây dựng thương hiệu tại thị trường CPTPP (Ảnh minh họa: Bảo Kỳ).

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nói về CPTPP, cần tập trung nói về 3 thị trường mà Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) khi CPTPP có hiệu lực, đó là Canada, Mexico và Peru.

Cả 3 thị trường này thời gian qua đã có sự tăng trưởng đáng khích lệ. Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng dư địa để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường còn rất lớn. Một vấn đề được đặt ra là hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam còn khiêm tốn.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) - chia sẻ từ năm 2007, khi tham gia một vài hội chợ quốc tế gần như khách hàng không hề biết rằng Việt Nam có quế, hồi hay những loại gia vị khác.

"Câu hỏi đặt ra là tại sao mình lại không ra một dòng sản phẩm với thương hiệu của mình để khẳng định thêm uy tín? Có thể sản lượng ban đầu chưa phải nhiều so với những mặt hàng khác mình bán số lượng lớn hơn, tuy nhiên từng bước sẽ giúp cho việc tăng sự phủ rộng thương hiệu đối với khách hàng trên toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ và Canada", bà Huyền nói.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu theo các cấp độ: nâng cao nhận thức của các cơ quan liên quan về sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu; tăng cường các hoạt động, nâng cao năng lực về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Ở cấp độ quốc gia, các cơ quan liên quan sẽ tăng cường quảng bá, tuyên truyền cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho các sản phẩm đạt thương hiệu, những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh. Ở cấp độ ngành hàng, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các hiệp hội xây dựng chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành, xây dựng và quảng bá những chỉ dẫn địa lý của ngành…