Ở nhà cao cấp cũng khổ
(Dân trí) - Bỏ tiền tỷ mua những căn hộ mà các chủ đầu tư của những thương hiệu uy tín và chất lượng rêu rao là cao cấp nhưng khách hàng phải sống trong sợ hãi và bực mình.
Sự cố sập trần nhà thạch cao tại căn hộ A1905 ở cao ốc Quốc Cường Gia Lai 1 (Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7) vào ngày 23/6 một lần nữa gióng tiếng chuông báo động về chất lượng thi công các công trình nhà ở mà chủ đầu tư rêu rao là cao cấp và bán với giá trên trời.
Cao ốc Quốc Cường Gia Lai 1 do công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, một công ty có slogan là “Thương hiệu uy tín và chất lượng” đầu tư xây dựng. Thế nhưng, chỉ mới bàn giao nhà được khoảng 2 năm, gần 30m2 trần thạch cao căn hộ A1905 đã sụp đổ xuống, 6 cư dân sống trong căn hộ suýt chết.
Theo lời kể của chị Nguyễn Vân Anh, chủ căn hộ xảy ra tai nạn, khi cả nhà đang ăn cơm thì trời mưa, gió mạnh thổi vào nhà qua cánh cửa sổ hé mở. Chị chưa kịp đóng lại thì thấy trần nhà thạch cao rung dữ dội nên hoảng hốt kêu cả nhà chạy ra ngoài hành lang. Mọi người vừa chạy ra hết thì trần nhà bằng thạch cao đổ ầm xuống, đè toàn bộ phòng khách.
Căn hộ này rộng 131m2, chị Vân Anh vừa mua với giá hơn 2 tỷ đồng và dọn về ở được 2 tháng nay. Sau sự cố, nhiều vật dụng trong nhà bị phá hỏng, trần nhà khu vực nhà bếp cũng thụng xuống và có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.
Theo ban quản lý tòa nhà thì nguyên nhân xảy ra sự cố là lúc trời gió mạnh, khu vực tầng 20 đang thi công, chưa lắp kính chắn gió nên giò ùa vào hộp chứa ống nước thải, dẫn xuống khoảng trống giữa trần nhà và trần thạch cao căn hộ A1095. Luồng gió này tác động vào hệ thống trần của căn hộ và làm hỏng các mối liên kết giữa những tấm trần thạch cao và khung đỡ nên sự cố đã xảy ra.
Nếu nói như ban quản lý tòa nhà thì có lẽ không chỉ riêng hệ thống trần của căn hộ A1905 bị ảnh hưởng. Đồng thời cũng phải bàn về chất lượng thi công hệ thống trần này.
Và hàng ngàn nỗi khổ khác
Không phải đến bây giờ báo chí mới nói về nỗi khổ của các cư dân sống trong những căn hộ cao cấp. Rất nhiều sự cố đã xảy ra tại những căn hộ được gắn mác cao cấp này mà chủ đầu tư ngó lơ, mặc cho chủ nhà giải quyết, bực bội vì phải bỏ hàng đống tiền mua những mặt hàng kém chất lượng.
Trong năm 2010, bà Phạm Thị Kim Anh, chủ căn hộ A1-6 Hưng Vượng 2, Phú Mỹ Hưng do công ty Phú Mỹ Hưng (Cty PMH) làm chủ đầu tư cũng phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để giải quyết sự cố tại căn hộ cao cấp mà mình bỏ gần 4 tỷ đồng ra mua về.
Khi gia đình bà chuyển vào ở được một thời gian ngắn thì phát hiện có nước ngấm từ trần nhà nhỏ giọt xuống phòng ngủ lớn nhất của căn hộ. Nước này có màu ố vàng và có mùi hôi thối. Sau khi tìm hiểu chủ hộ ở tầng trên bà mới “tá hỏa” vì được biết là trong căn hộ này có đến 2 cái toilet “trỏ” xuống ngay phòng ngủ nhà bà.
Sau nhiều lần gửi đơn phản ánh, Cty PMH cũng cử nhân viên xuống ghi nhận khiếm khuyết của căn hộ A1-6 và tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên, được 1 thời gian thì những vết thấm lại xuất hiện và điệp khúc “sửa - thấm, thấm - sửa” cứ lặp đi lặp lại suốt 2 năm trời.
Năm 2008, cư dân tại dự án Khu phức hợp Saigon Pearl (quận Bình Thạnh) cũng rất bức xúc vì được giao nhà hoàn thiện tất cả nội thất nhưng không điện, không nước, không vỉa hè và tầng hầm ngập nước mỗi khi trời mưa.
Năm 2007, hàng loạt khách hàng của Khu căn hộ cao cấp The Manor cũng đã khiếu nại chủ đầu tư vì chất lượng căn hộ không đảm bảo và kém hơn nhà mẫu do chủ đầu tư quảng cáo ban đầu. Có căn hộ tại dự án này xảy ra sự cố tường bong tróc, nứt… dù chỉ mới sử dụng. Nhiều căn hộ khác các thiết bị nội thất sử dụng vật liệu không đúng như quảng cáo như cửa sắt chống cháy thì thay bằng cửa gỗ, gỗ nhiều chỗ thực ra là ván ép…
Đã đến lúc cần có một tổ chức độc lập hoặc một đơn vị chức năng giám định chất lượng các tòa nhà có đạt được tiêu chuẩn như chủ đầu tư quảng cáo, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Tùng Nguyên