1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Ồ ạt nhập phụ phẩm động vật

Ở các nước, phụ phẩm gia súc, gia cầm không được dùng làm thức ăn cho người. Còn tại Việt Nam, nội tạng và chân, đuôi, gân… trâu, bò, heo, gà lại là “đặc sản” nên được nhập về.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mề gà, một trong những mặt hàng được xếp vào nhóm nội tạng trắng (cùng với lá sách trâu bò, dạ dày, tràng, ngầu pín...), đã và đang được nhập về với số lượng lớn, nhất là sau khi Việt Nam dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh vào tháng 9-2013.

Giá rẻ bất ngờ

Theo số liệu từ cơ quan hải quan, một tháng gần đây, có 3 doanh nghiệp (DN) nhập nội tạng gà thì cả 3 đều nhập mề gà. Tuy nhiên, giá nhập khẩu có sự khác biệt rất lớn dù nguồn đều từ Mỹ, về các cảng trên địa bàn TP HCM với chung mục đích “kinh doanh tiêu dùng”. Cụ thể, Công ty T.H nhập lô hàng trên 25 tấn, giá trị chỉ 7.600 USD (tương đương 0,3 USD/kg, chưa tới 6.500 đồng/kg). Trong khi đó, Công ty N.L nhập lô hàng gần 26 tấn, giá 0,8 USD/kg; Công ty B.M.A lại khai giá 1,08 USD/kg cho lô hàng khoảng 26 tấn. Như vậy, dù với giá nhập khẩu cao nhất thì các loại mề gà đông lạnh về Việt Nam, DN có bán giá “rẻ bèo” cũng lời to so với giá mề gà tươi trong nước, khoảng 60.000 đồng/kg.

Ồ ạt nhập phụ phẩm động vật
Người tiêu dùng khó biết được nguồn gốc, chất lượng nội tạng được bày bán ngoài thị trường Ảnh: Tấn Thạnh

Theo Cơ quan Thú y vùng VI, tính đến tháng 10-2014, cơ quan này đã kiểm dịch cho 87.336 tấn sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2013. Các mặt hàng nhập về Việt Nam rất đa dạng, ngoài thịt gà, heo, trâu, bò, dê, cừu còn có các phụ phẩm như: cánh, chân, tim, mề (gà); giò, tim, gan (heo) và chân, tim, lưỡi, đuôi, gân (trâu bò).

Còn theo số liệu chi tiết từ Chi cục Thú y TP HCM, tính đến đầu tháng 11-2014 đã có 419 lô phụ phẩm heo, trâu bò và gia cầm đông lạnh được nhập về với tổng khối lượng gần 10.458 tấn, gấp hơn… 3 lần so với cùng kỳ (tương đương gần 3.332 tấn). Nguồn phụ phẩm nhập khẩu về TP HCM còn tiếp tục tăng trong dịp cận Tết, khi chỉ riêng một tuần giữa tháng 12 -2014 tiếp tục có tới gần 476 tấn hàng được khai báo nhập về các kho trên địa bàn TP.

Không những thế, hiện nay có nhiều DN đang tìm hiểu thủ tục, thuế để chuẩn bị nhập phụ phẩm về kinh doanh. Trong đó có DN muốn nhập chính ngạch chân trâu, bò còn nguyên cả lông và móng, đây là mặt hàng thường xuyên được cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ trên đường vận chuyển do không có giấy tờ hợp lệ hoặc đã “xuống cấp”.

An toàn đến đâu?

Dù lượng hàng phụ phẩm về nhiều nhưng không được tiêu thụ ở các kênh cho người tiêu dùng trực tiếp mà chủ yếu vào thẳng nhà hàng, quán ăn. Chi cục Thú y TP HCM cũng xác nhận điều này theo các khai báo của chủ hàng. Đại diện Công ty D.T.Đ (huyện Hóc Môn) chuyên cung cấp tim heo nhập khẩu, cho biết chỉ báo giá khi khách có nhu cầu mua số lượng lớn, từ 500 kg đến 1 tấn và chỉ bán cho giới kinh doanh hàng quán, không bán lẻ ra thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI, khẳng định tất cả sản phẩm động vật gồm thịt, phụ phẩm và nội tạng đều được kiểm tra cảm quan và lấy mẫu kiểm tra vệ sinh thú y tại cửa khẩu vào Việt Nam, chỉ những lô hàng đạt yêu cầu mới được phép cho thông quan và đưa tới người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo TS-BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam - Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, ở những nước như Mỹ, EU…, các loại phụ phẩm động vật không được dùng làm thực phẩm cho người mà chỉ dùng làm thức ăn cho gia súc, phân bón hoặc nhiều quá thì phải hủy đi. Phụ phẩm có ít dinh dưỡng và là nơi tiếp xúc với hệ tiêu hóa của vật nuôi như phân, nước tiểu nên được xếp vào nhóm các mặt hàng có nguy cơ mất an toàn cao với sức khỏe.

“Tất nhiên, đối với hàng nhập khẩu chính ngạch thì các nhà máy ở nước xuất khẩu phải tuân thủ quy trình vệ sinh, cấp đông để bán làm thực phẩm cho người ở Việt Nam. Tuy nhiên, không có gì dám chắc hàng từ kho cho đến khi lên bàn ăn còn bảo đảm vì đây là những sản phẩm rất dễ hư hỏng, biến chất trong quá trình bảo quản, vận chuyển. Ngoài ra, bản thân các loại phụ phẩm không có dinh dưỡng nhiều nên món ăn không thể thơm ngon nếu không tẩm ướp đủ loại hương liệu, phụ gia mà thực chất đều là hóa chất, không tốt cho sức khỏe” - TS-BS Ký đặt vấn đề.

 

Đã tiêu hủy nhiều lô hàng

Trong năm 2014, đoàn liên ngành phòng chống dịch gia súc, gia cầm huyện Bình Chánh, TP HCM đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến các lô hàng là phụ phẩm trâu, bò, heo, gà, vịt trong vận chuyển và sơ chế, chủ yếu là hàng không rõ nguồn gốc. Điểm chung của các lô hàng là đều phải mang đi tiêu hủy vì không bảo đảm an toàn cho người sử dụng, có vụ còn phát hiện cơ sở dùng hóa chất để tẩy trắng lô hàng.

 
Theo Ngọc Ánh
Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”