Ồ ạt mở đường bay “ngách” có cứu được hàng không?
Theo chuyên gia, nếu kết quả khai thác tốt, các hãng cần nghiên cứu chiến lược phát triển mạng bay, chú trọng hơn đến các sân bay địa phương.
Hàng loạt đường bay “ngách” nối các sân bay địa phương liên tiếp được các hãng công bố mở thời gian qua được coi là “bình thường mới” của hàng không hậu Covid-19.
Đồng loạt mở thêm nhiều đường bay nối các sân bay địa phương
Vừa hoàn tất đặt vé cho chuyến bay từ Hải Phòng đi Buôn Ma Thuột thăm người thân, chị Hoa (Cầu Đất, Hải Phòng) nói: “Năm nào gia đình mình cũng có việc vào Buôn Ma Thuột một đôi lần. Song mỗi lần đi lại phải thuê xe về Hà Nội để bay đi Buôn Ma Thuột. Năm nay, Vietnam Airlines mở đường bay từ Hải Phòng nên bớt được một chặng ô tô, đỡ mệt hẳn”.
Tương tự, anh Ngô Minh Phong (TP Vinh) cho biết, hè năm nay nhà anh đi du lịch miền Tây. Tuy nhiên, thay vì phải đặt vé đi Tân Sơn Nhất rồi mới di chuyển tiếp xuống Cần Thơ, giờ đây anh đã có thể mua vé bay thẳng Vinh - Cần Thơ. “Gia đình tôi có con nhỏ nên bay thẳng tiện lợi rất nhiều, lại đỡ tốn chi phí”, anh Phong nói.
Thực tế, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giãn cách xã hội được gỡ bỏ, hoạt động bay nội địa được khôi phục trở lại, các hãng hàng không liên tục công bố mở đường bay mới.
Hồi đầu tuần, Vietnam Airlines tiếp tục mở rộng mạng bay nội địa thông qua việc công bố mở bán vé trên 4 đường bay (gồm 2 đường bay mới kết nối TP Hải Phòng - Điện Biên, Đà Lạt - Phú Quốc và mở lại 2 đường bay Cần Thơ - Phú Quốc, Đà Nẵng - Vân Đồn).
Còn tính từ tháng 5/2020 khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam, đến nay, Vietnam Airlines đã mở tổng cộng 22 đường bay, tập trung kết nối các địa phương với những điểm du lịch nổi tiếng, nâng mạng bay nội địa của hãng lên 61 đường với tần suất khai thác vào những ngày cao điểm lên tới gần 500 chuyến/ngày.
Trong số này, có nhiều đường bay nối các sân bay địa phương như: Đà Lạt - Thanh Hoá, Cần Thơ - Đà Lạt, Hải Phòng - Cần Thơ, Vinh - Cần Thơ, Hải Phòng - Buôn Ma Thuột, Cần Thơ - Buôn Ma Thuột…
Trước đó, Vietjet cũng công bố cùng lúc mở 8 đường bay mới nối Hà Nội với Đồng Hới (Quảng Bình), Hải Phòng với Quy Nhơn (Bình Định), Vinh - Phú Quốc và thành phố biển Đà Nẵng với Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Vinh, Thanh Hóa… nâng tổng số đường bay Vietjet khai thác tại Việt Nam lên 53 đường, phủ khắp đất nước.
Tương tự, với Bamboo Airways, cùng với việc khôi phục các đường bay nội địa cũ, tập trung tăng cường tần suất các đường bay hãng này cũng cam kết với nhiều địa phương về việc mở đường bay mới, trong đó có đường bay Thanh Hoá - Phú Quốc, Thanh Hoá - Quy Nhơn…
“Bình thường mới” hậu Covid-19
Trao đổi với Báo Giao thông, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho hay, sau khi đóng toàn bộ đường bay quốc tế, từ ngày 1/4 đến nay Vietnam Airlines không có doanh thu vận tải hàng không quốc tế. Với thị trường nội địa, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, nhu cầu du lịch nội địa đã bật tăng trở lại nhưng theo ông Thành, doanh thu tháng 6 năm nay chỉ bằng 46% so với cùng kỳ năm trước.
“Chưa đầy 2 tháng, ngay sau khi trạng thái bình thường mới được khôi phục trở lại, Vietnam Airlines đã mở lại hàng loạt đường bay nội địa trong khi vẫn chưa có thời điểm mở cửa đón khách quốc tế”, ông Thành nói và cho biết: Các đường bay này trước mắt giúp giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có việc tận dụng được đội bay dư thừa trong khi chưa mở trở lại đường bay quốc tế (khoảng 40% tàu bay Vietnam Airlines vẫn đang nằm sân).
Việc mở các đường bay trên giúp Vietnam Airlines chi trả chi phí biến đổi (nhiên liệu bay, lương phi hành đoàn...) và giảm 500 - 600 tỷ đồng trong con số 2.100 tỷ đồng chi phí cố định mỗi tháng. Quan trọng hơn là mang lại dòng tiền cho doanh nghiệp. “Với chức năng hãng hàng không quốc gia, những chặng bay này cũng thực hiện chủ trương kích cầu du lịch của Chính phủ”, ông Thành nói.
Chuyên gia hàng không Trịnh Như Long cho hay, trước khi có dịch Covid-19, đường bay của các hãng thường có điểm đi/đến là các sân bay chính như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc… Nhưng hiện nay, các hãng cần đẩy mạnh khai thác đường bay “ngách” thay vì tập trung vào trục chính hoặc ít nhất bay từ các điểm trên trục chính này đến các sân bay khác.
“Cả Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet… đều tập trung mở những đường bay này. Điển hình như Vietnam Airlines, từ sân bay Cần Thơ, hãng mở mới tới năm đường bay đi Nha Trang, Hải Phòng, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột… Vietjet cũng mở rộng khai thác thị trường ngách, có những đường bay trước đây tưởng như không bao giờ các hãng “ngó ngàng” tới thì nay đã có, đường bay Buôn Ma Thuột - Cần Thơ là một ví dụ”, ông Long thông tin.
Phân tích thêm, ông Long nói: “Trước đây, xu thế chung của các hãng hàng không là khai các đường bay theo mô hình “Hub-and-spoke” (mô hình trục bánh xe - nan hoa). Theo đó, các chuyến bay trên những máy bay nhỏ từ những thành phố ít đi lại sẽ đưa hành hành khách đến “trục bánh xe” ở những thành phố lớn và vận chuyển họ tới những điểm đến cuối cùng. Dễ hình dung hơn, từ Thanh Hoá, muốn đi Buôn Ma Thuột, khách hàng sẽ phải di chuyển về Hub Hà Nội để đón chuyến bay đi Buôn Ma Thuột. Hoặc từ Đà Nẵng, Huế có thể đi Paris (Pháp) cũng phải qua Hub Hà Nội hoặc TP HCM.
Tuy nhiên, hiện đang có xu thế điểm đến điểm (Point to Point). Đây là mô hình phục vụ thị trường trực tiếp, giữa điểm và điểm, chọn những thị trường dung lượng lớn/ hoặc thị trường ngách, thị trường hiệu quả để phục vụ.
“Xu thế này xuất hiện là do việc phát triển du lịch mạnh mẽ và khách hàng muốn bay trực tiếp đến điểm du lịch, vừa thuận tiện, vừa giúp giảm chi phí. Sau dịch Covid-19, các hãng hàng không nội địa đang mở một loạt đường bay theo mô hình này”, ông Long nói và cho rằng, nếu kết quả khai thác thị trường ngách tốt, tỷ lệ sử dụng ghế cao, về lâu dài các hãng sẽ phải tính đến việc nghiên cứu lại chiến lược phát triển mạng cảng hàng không sân bay, chú trọng hơn nữa đến các sân bay địa phương.
Theo Thanh Bình
Giao thông