Nước sông Đà dùng ống Trung Quốc: Vì đối tác ngoại quyết định?

Nhiều khu vực ở Hà Nội sẽ phải đối mặt tình trạng thiếu nước sạch trong dịp hè khi mà dự án đường ống nước sông Đà số 2 không được thực hiện đúng tiến độ như cam kết của chủ đầu tư. Trong khi đó, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc chọn nhà thầu của Trung Quốc khi mà đối tác ngoại đã mua lại gần nửa cổ phần của nhà máy nước sông Đà.

Đường ống nước sông Đà số 1 đã 17 lần bị vỡ là bài học cho đường nước sông Đà số 2 này.
Đường ống nước sông Đà số 1 đã 17 lần bị vỡ là bài học cho đường nước sông Đà số 2 này.

Đối tác ngoại cũng dùng ống của nhà thầu được chọn

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nhiều chuyên gia về vật liệu cho rằng, việc chủ đầu tư dự án nước sạch sông Đà về Hà Nội (giai đoạn II) chọn nhà thầu là Cty TNHH ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) cung cấp loại ống gang và phụ kiện DN1800 (tức là loại ống 1,8m - PV) là dạng ống hiện nay ít nhà sản xuất có thể đáp ứng được do kích thước đường ống lớn, trong khi thời gian yêu cầu cung cấp ngắn.

“Câu hỏi ở đây tại sao phải thiết kế đường ống quá lớn như thế, khi mà loại ống này ít nhà sản xuất có thể đáp ứng được. Trong khi có thể làm 2 đường ống khoảng 1,2m, vừa đảm bảo an toàn khi vận hành, vừa tạo điều kiện lựa chọn được nhiều nhà cung cấp trên thế giới. Đầu tư 2 đường ống có thể làm chi phí đầu tư cao hơn, nhưng đảm bảo tính an toàn, không phải cắt nước khi sửa chữa và bảo dưỡng”, TS Đoàn Đình Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phân tích.

Trả lời vấn đề này, đại diện chủ đầu tư Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cho biết, việc lập dự án, thiết kế kỹ thuật hay việc lựa chọn ống kích thước như thế nào đều do đơn vị tư vấn lập dự án thực hiện. “Tư vấn lập dự án mà chúng tôi thuê cũng có so sánh các phương án. Bộ Xây dựng cũng đã thẩm định, phê duyệt thì chúng tôi mới tiến hành lựa chọn”- vị đại diện này nói. Vị này cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ những sự cố của đường ống giai đoạn 1, nên đã phải thuê các đơn vị tư vấn có năng lực chuyên môn chứ không phải là chủ đầu tư muốn làm gì thì làm.

Được biết, Nhà máy nước sạch sông Đà (Hoà Bình) do Viwasupco quản lý vận hành hiện nay đã được một đối tác nước ngoài mua lại với gần một nửa cổ phần. Cụ thể, thương vụ được thực hiện từ tháng 11/2010, khi Tổng Cty Vinaconex hoàn tất việc chuyển nhượng 43,6% cổ phần của Cty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cho đối tác Singapore Acuatico. Tìm hiểu được biết Acuatico là một cái tên khá xa lạ, được thành lập vào năm 2006 có trụ sở chính tại Singapore.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, trước thông tin đối tác nước ngoài có ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà thầu của Trung Quốc hay không? Đại diện chủ đầu tư cho biết: “Đối tác ngoại họ chiếm 43,6% nên họ là một thành viên quan trọng trong Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty nên có quyền quyết định như các cổ đông khác. Tất cả các vấn đề tại dự án đều do HĐQT quyết định, trong đó ý kiến của họ rất quan trọng. Cổ đông Singapore, trước đó họ đã thực hiện công trình cung cấp nước sạch tại tại Jakatar - Indonesia. Tại công trình này họ cũng đang sử dụng ống gang dẻo của Cty Xinxing”, vị cán bộ này lý giải. Vị này cũng cho biết thêm, dù đã mua lại cổ phần 43,6% của Nhà máy nước sông Đà (Hoà Bình) nhưng hơn 5 năm qua, cổ đông này chưa được nhận một đồng cổ tức nào!

Nguy cơ khát nước sạch trong mùa hè

Dù Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa có thông báo số 74 truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè. Trong đó, yêu cầu đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm các nhà máy sản xuất nước của thành phố vận hành tối ưu và đảm bảo chất lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại khu vực đô thị, nhất là trong mùa hè. Nhưng trên thực tế các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nước sạch hiện nay đều lo ngại về việc Hà Nội sẽ phải đối mặt việc thiếu nước sạch.

Đối với nguồn nước mặt từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội, công suất giai đoạn I là 300.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, đại diện Công ty CP đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) - đơn vị phân phối nước sạch sông Đà) cho biết, hiện Cty có trên 120.000 khách hàng với địa bàn rộng lớn tập trung chủ yếu ở các quận, huyện phía Tây thành phố nhưng công suất, áp lực nước cung cấp theo thỏa thuận không đạt được: “Chúng tôi là đơn vị kinh doanh khi thiếu nước, mất nước dân đổ lên đầu chúng tôi nhưng thực tế nguồn nước cấp với công suất, áp lực không đảm bảo. Tất cả đang chờ đường ống nước sông Đà số 2 nhưng theo kế hoạch tháng 6 này sẽ không thực hiện được vì vậy việc thiếu nước trong dịp hè là sẽ xảy ra”, vị cán bộ này nói.

Với đường ống số 1 đang vận hành sau 17 lần vỡ, đại diện Viwaco thừa nhận có thể có thêm sự cố điều này không thể lường trước được. Trên thực tế, áp suất nước trong đường ống hiện nay đã bị giảm so với công suất thiết kế. Để khắc phục vấn đề này, theo kiến nghị của Viwaco các công ty nước sẽ làm các trạm bơm tăng áp mini để khi có nước về, khi nước bị giảm áp sẽ thực hiện bơm tăng áp lên cho các vùng cuối nguồn. Tuy nhiên, việc đặt các trạm bơm tăng áp mini này sẽ là giải pháp tình thế bởi nguồn cung cấp nước sông Đà về Hà Nội hiện nay đang trong tình trạng bơm nước cầm chừng.

Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng ngày 28/3, báo cáo về dự án nước sạch sông Đà về Hà Nội (giai đoạn II) chủ đầu tư cho biết, hiện dư luận xã hội có nhiều ý kiến, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo cụ thể để chủ đầu tư có cơ sở triển khai các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội xem xét thành lập tổ công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên và chỉ đạo kịp thời trong suốt quá trình triển khai dự án.

Theo Tú Anh
Tiền Phong

Nước sông Đà dùng ống Trung Quốc: Vì đối tác ngoại quyết định? - 2