Vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da:
Nửa triệu công nhân kêu gọi EC công bằng
(Dân trí) - Cùng với một lá thư tập thể và hơn 2.000 chữ kí, báo cáo nghiên cứu “Nửa triệu việc làm da giày trước nguy cơ thất nghiệp: Có hay không sự cân bằng giữa thương mại và phát triển?” vừa được đệ trình lên phiên điều trần tại Uỷ ban Châu Âu (EC).
Thông tin trên do ActionAid Việt Nam và Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết tại cuộc họp báo vào sáng 19/6.
Thông qua việc khảo sát và đánh giá những tác động tiêu cực của vụ kiện đối với đời sống và việc làm của công nhân tại 21 doanh nghiệp sản xuất giày mũ da xuất khẩu vào thị trường EU ở 7 tỉnh thành (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương và Hà Tây), ActionAid Việt Nam và Lefaso cùng lên tiếng kêu gọi EC hãy xem xét lại quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam một cách thấu tình đạt lý trên cơ sở thương mại công bằng, bình đẳng.
Báo cáo chỉ rõ việc áp thuế của EC (mức thuế sơ bộ khởi điểm là 4,2% đối với các sản phẩm giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU) đã gây tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất của toàn ngành da giày, một ngành vẫn luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU của Việt Nam với tổng kim ngạch lên tới 2,1 tỉ euro trong năm 2005.
Theo thống kê ban đầu, ngay từ khi vụ kiện bắt đầu vào tháng 7/2005 số lượng đơn hàng của ngành da giày đã giảm mạnh, nhiều đơn hàng cho năm 2006 chưa được các khách hàng xác nhận khiến nhiều DN buộc phải thu hẹp, cho công nhân nghỉ chờ việc hàng loạt. Vụ kiện có thể khiến hơn 500.000 lao động trực tiếp của ngành da dày và một lượng lớn công nhân làm việc trong các ngành phụ trợ lâm vào tình trạng thất nghiệp.
Ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc ActionAid Việt Nam cho biết: “Dường như EC chỉ mới xem xét vụ kiện này từ khía cạnh thương mại đơn thuần mà quên mất rằng tiếp cận tổng thể dựa trên sự cân bằng giữa thương mại và phát triển lâu nay vẫn luôn được coi là kim chỉ nam cho các quan hệ song phương và đa phương của EU, trong đó có quan hệ với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Một quyết định áp thuế chưa chắc đã cải thiện được đà suy giảm của các doanh nghiệp da giày Châu Âu trong khi chắc chắn nó sẽ khiến hàng trăm nghìn lao động Việt Nam lâm vào cảnh thất nghiệp là một điều không thể chấp nhận”.
Nguyễn Hiền