Nữ CEO được chồng giao cả cơ nghiệp, người ngậm ngùi nhận nghìn tỷ ly hôn
(Dân trí) - Bà Nguyễn Phương Hằng được chồng giao cả cơ nghiệp, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận nốt hơn 1.000 tỷ đồng và không còn tư cách cổ đông tại Tập đoàn Trung Nguyên... là thông tin gây chú ý.
Khối tài sản "khủng" của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng
CEO Nguyễn Phương Hằng là cái tên được nhắc tới nhiều trên mạng xã hội gần đây. Nữ doanh nhân sinh năm 1971 và có tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn được gọi là ông Dũng "lò vôi"). Trước khi làm vợ ông Dũng năm 2010, bà Hằng là người kinh doanh bất động sản có tiếng và theo chia sẻ của bà là "chưa từng thất bại".
Hiện nay, bà Hằng đang thay chồng quản lý Công ty cổ phần Đại Nam, là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành nghề. Trong đó, chức năng chính của doanh nghiệp này là xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, khu du lịch…
Về bất động sản, doanh nghiệp này đang là chủ đầu tư của các dự án trọng điểm tại Bình Dương như: Khu đô thị Trung tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu tái định cư Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng, Khu đô thị Thương mại dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Đại Nam - Bình Phước và Khu dân cư Tân An 2.
Trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng là chủ sở hữu Khu du lịch Đại Nam với tổng diện tích 450 ha. Năm 2016, vợ chồng bà Phương Hằng đầu tư vào Trường đua Đại Nam.
Dự án này có diện tích khoảng 60 ha nằm ngay tại khu du lịch, trong đó có khoảng 30 ha dành để làm bãi xe có mái che và khán đài cho khách ngồi xem với sức chứa từ 50.000 - 60.000 khán giả. Đại Nam ước tính nguồn vốn đầu tư cho dự án này khoảng 100 triệu USD.
Thông tin từ Cục Thuế Bình Dương cho hay, trong năm 2020, nguồn thu từ tiền sử dụng đất phát sinh từ một số dự án lớn đã giúp tăng thu đột biến trong tổng thu ngân sách ở tỉnh này. Chỉ riêng Công ty cổ phần Đại Nam đã nộp tiền sử dụng đất 1.234 tỷ đồng.
"Bầu" Đức chi hơn 300 tỷ đồng trả nợ
Tuần qua, một động thái đáng chú ý từ phía "bầu" Đức là việc Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai công bố đã mua lại 328 tỷ đồng trái phiếu trước hạn từ ngày 11 - 24/5 của trái chủ là HDBank. Lô trái phiếu này được phát hành năm 2016, có kỳ hạn 7 năm. Theo lịch đáo hạn ban đầu, các đợt thanh toán trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai sẽ bắt đầu từ ngày 30/6 tới và kéo dài đến cuối năm 2023.
Trên báo cáo tài chính quý I, dư nợ khoản vay trái phiếu này của Hoàng Anh Gia Lai là 735 tỷ đồng. Sau khi chi trả một phần, khối lượng trái phiếu còn lại doanh nghiệp phố núi có nghĩa vụ tiếp tục thanh toán là 407 tỷ đồng.
Lãi vay ngân hàng là một trong những áp lực lớn nhất được "bầu" Đức nhiều lần nhắc đến trong các kỳ đại hội cổ đông. "Ưu tiên hàng đầu là giảm nợ vay", Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chia sẻ về chiến lược năm nay của tập đoàn với cổ đông trong báo cáo thường niên phát hành cuối tháng 4 vừa qua.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận nốt 1.318 tỷ đồng
Ngày 24/5 vừa qua, Tập đoàn Trung Nguyên đã chính thức công bố thông tin việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án Quyết định giám đốc thẩm đối với cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn này.
Cụ thể, theo Quyết định giám đốc thẩm, ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải thanh toán cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thực nhận so với giá trị tài sản được chia là 1.318,5 tỷ đồng. So với bản án phúc thẩm ngày 5/12/2019 thì ông Vũ phải thanh toán thêm cho bà Thảo hơn 127 tỷ đồng.
Tuy nhiên trước đó, vào ngày 13/1/2020, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nộp 1.190,7 tỷ đồng tiền chênh lệch tài sản cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Đến ngày 20/5 vừa qua, ông Vũ nộp thêm 127,8 tỷ đồng tại Cục thi hành án dân sự TPHCM.
Theo giấy xác nhận kết quả thi hành án của Cục thi hành án dân sự TPHCM, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã thi hành xong toàn bộ nghĩa vụ thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo và không còn thi hành thêm bất kỳ nội dung nào khác.
Ông Vũ đã chính thức sở hữu toàn bộ cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Đồng thời, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã không còn tư cách cổ đông tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang rót 15 triệu USD vào Phúc Long
Tuần qua (24/5), Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang bất ngờ thông báo ký kết thỏa thuận mua lại 20% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage - doanh nghiệp sở hữu chuỗi trà sữa, cà phê Phúc Long. Phúc Long là thương hiệu ra đời từ năm 1968, mở cửa hàng đầu tiên tại TPHCM năm 1980 và hiện có 82 cửa hàng trên cả nước.
Theo đó, The Sherpa - công ty con do tập đoàn Masan sở hữu 99,9% vốn - là pháp nhân đã thực hiện giao dịch đầu tư vào đơn vị sở hữu chuỗi trà sữa, cà phê đình đám kể trên. Giá trị giao dịch được công bố là 15 triệu USD. Thương vụ mới nhất kể trên đánh dấu việc doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lấn sân sang lĩnh vực F&B.
Bước đầu tiên trong hợp tác chiến lược sau khi thương vụ diễn ra là phát triển mô hình ki-ốt bán trà sữa, cà phê ngay trong hệ thống VinMart+. Mỗi cửa hàng sẽ nhận 20% doanh thu từ ki-ốt của Phúc Long.