Nộp phí hạn chế phương tiện: Tiền mất, tật mang?
(Dân trí) - Trong khi Bộ GTVT bảo lưu quan điểm cho rằng cơ sở, mục đích và mức phí đưa ra là hợp lí thì nhiều đại diện trong lĩnh vực vận tải đặt vấn đề chủ phương tiện phải nộp 20 - 50 triệu đồng/năm mà không được hưởng dịch vụ gì là quá vô lí.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phản ứng vì quá nhiều loại phí áp thu
Ông Nguyễn Văn Thanh - Nguyên Phó Cục trưởng - Cục Đường bộ Việt Nam kể ra hàng loạt loại phí và thuế mà các doanh nghiệp, HTX vận tải ô tô hiện nay đang phải nộp bao gồm: thuế nhập khẩu ô tô, thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; kế đó là hàng loạt thứ phí khác như: phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu, phí bình ổn giá xăng dầu, phí kiểm định ô tô, phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với phương tiện… Nay còn thêm 2 khoản phí mới phí bảo trì đường bộ và phí Hạn chế phương tiện cá nhân sắp áp thu.
“Việc phải gánh chịu quá nhiều loại thuế và phí đã làm cho năng lực của ngành vận tải ô tô ngày càng giảm sút, nhiều doanh nghiệp trong nhiều năm không dám đầu tư thêm xe, thậm chí có doanh nghiệp phải bán bỏ xe, cho xe chạy cầm chừng. Nếu tới đây phải đóng thêm phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và sớm thu phí bảo trì đường bộ sẽ khiến cho giá cước vận tải (nhất là cước taxi tăng cao) gây tác động không tốt tới lạm phát và an sinh xã hội.” - ông Thanh cho hay.
Từ những lí giải trên, ông Thanh đề nghị các cơ quan quản lý cần rà soát lại tất cả các loại thuế và phí một cách tổng thể, từ đó xem xét giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô để giá xe hơi ở Việt Nam ngang bằng hoặc không quá cao so với các nước trong khu vực, đồng thời giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5%.
Ngoài ra, theo ông Thanh: “Khi Bộ GTVT đã thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ thì phải kiến nghị các cơ quan chức năng bỏ ngay phí xăng dầu, vì thực chất phí xăng dầu hiện tại đang thu chính là phí giao thông. Bộ GTVT và Tài chính khi xây dựng thông tư hướng dẫn về thu phí bảo trì đường bộ cần có quy định, đối với ô tô do hỏng hóc, hoặc dừng hoạt động thì mức thu phí thấp hơn mức quy định. Bên cạnh đó, không thu phí Hạn chế phương tiện đối với xe cá nhân vì đã thu phí lưu hành để bảo trì đường bộ, nếu thu phí hạn chế xe cá nhân sẽ là quá sức đối với người dân và doanh nghiệp”.
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - Ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, về mặt pháp lý được quy định rõ trong Pháp lệnh phí và lệ phí do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí.
“Đối chiếu điều này với đề xuất phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân mà Bộ GTVT đề xuất thì tôi thấy chẳng có điểm gì phù hợp. Bởi tôi phải nộp từ 20 - 50 triệu cho anh nhưng cuối cùng tôi có được hưởng dịch vụ gì đâu.” - ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng cho rằng Bộ GTVT chưa đưa ra được cách lý giải, định nghĩa rõ ràng về xe cá nhân phải nộp phí hạn chế phương tiện, nói rằng thu phí để hạn chế xe cá nhân, vậy thế nào là xe cá nhân thì lại không có, chẳng lẽ cứ xe ô tô từ 9 chỗ ngồi chở xuống là xe cá nhân hay sao? Theo ông Hùng đây là 1 quy định chưa thuyết phục.
“Quan niệm như vậy là sai, vì xe taxi, xe của các doanh nghiệp, của các trường đạo tạo lái xe đâu hẳn là xe cá nhân? Hơn nữa, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị này khi hoạt động họ đã phải đóng phí doanh nghiệp rồi, giờ chẳng lẽ chỉ vì có xe để phục vụ cho việc đi lại giao dịch, trao đổi buôn bán của xã hội mà lại phải đóng thêm 20 - 50 triệu nữa sao? Thế thì làm sao mà họ chịu nổi, họ không thể gánh nổi được mức phí này” - ông phản ứng về phí.
Quỳnh Anh