Nông, thủy sản chờ "giải cứu": Vì sao nên nỗi?
(Dân trí) - Mức giảm mạnh 15% tại xuất khẩu mặt hàng thủy sản trong 4 tháng đầu năm được lý giải do diễn biến tỷ giá bất lợi, bởi cho đến nay, trên 90% các hợp đồng xuất, nhập khẩu của thủy sản Việt Nam đều sử dụng đồng USD để thanh toán.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh
Báo cáo tình hình hoạt động xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2015, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu ước của liên Bộ, kim ngạch XK 4 tháng đầu năm ước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, kim ngạch XK của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 15,03 tỷ USD, giảm 1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 35,08 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ.
Trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch XK nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5,1%; giá trị XK thủy sản ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15%.
Đối với thủy sản, XK sang hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Khó khăn trong XK thủy sản là do diễn biến tỷ giá gây bất lợi, bởi cho đến nay, trên 90% các hợp đồng xuất, nhập khẩu của thủy sản Việt Nam đều sử dụng đồng USD để thanh toán do truyền thống và tính ổn định của đồng tiền này.
Năm 2015, nguồn cung tăng do sản xuất của các nước XK tôm trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ… cơ bản khôi phục được và bất lợi về thuế chống bán phá giá khiến tôm Việt Nam giảm thị phần ở các thị trường, nhất là thị trường Hoa Kỳ. Đối với cá tra, kết quả của đợt rà soát thuế chống bán phá giá tháng 1/2015 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cao hơn hẳn so với các đợt rà soát trước đó gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp XK cá tra.
Đối với mặt hàng gạo, kim ngạch XK sang một số thị trường chính giảm mạnh so với cùng kỳ, nguyên nhân là do nguồn cung các nước XK dồi dào, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Một số nước XK gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ lượng tồn kho cao, vì vậy các nước này nỗ lực đẩy mạnh XK nhằm giảm lượng tồn kho bằng nhiều biện pháp như giảm mạnh giá bán nhằm giành lại các thị trường quan trọng, tạo sức cạnh tranh trên tất cả các phân khúc thị trường.
Tỷ giá USD gây sức ép lên cạnh tranh hàng xuất khẩu
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, XK nhóm hàng nông sản giảm trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan như năm 2014 đạt đến ngưỡng xuất khẩu, vì thế đầu năm 2015, sản lượng xuất khẩu khó có thể tăng thêm được, dẫn đến ảnh hưởng đến kim ngạch XK. XK ở các thị trường chính như Châu Âu, hay Hoa Kỳ đều có sự sụt giảm đáng kể. Cân đối cung cầu và nông sản nói chung có hiện tượng dư thừa về nguồn cung, những áp lực cạnh tranh mạnh…
Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đều nhận định, thuế, thủ tục thông quan, tỷ giá đồng USD, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sự bão hòa trong cung-cầu… là những nguyên nhân gây ra sự sụt giảm mạnh kim ngạch XK các mặt hàng nông, thủy sản.
Xuất khẩu hàng thủy sản ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong giai đoạn đầu năm
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Năng, Tổng giám đốc VinaFoods 2 cho biết, thị trường XK gạo giảm sâu một phần là do những thị trường lớn của gạo Việt Nam như Indonesia, Philippines đang hướng dần đến tự chủ về lương thực. Sản phẩm gạo trắng của Việt Nam tuy năng suất cao nhưng hiện lại chưa đáp ứng được với nhu cầu của thị trường Châu Phi nên lượng xuất vào thị trường này giảm sút. Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, cần phải xác định lại các thị trường trọng tâm mà XK gạo Việt Nam hướng đến, xác định và đẩy mạnh các mặt hàng gạo đang là thế mạnh trong XK gạo của Việt Nam.
Nhận định về điều này, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, có một thực tế là diễn biến thị trường gạo thế giới phân khúc rất rõ, vì vậy, Hiệp hội ngành hàng, DN, các cơ quan chức năng cũng cần tập trung nghiên cứu kỹ để đánh giá lại sản xuất, đánh giá lại thị trường để XK gạo của Việt Nam không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, dẫn đến thiếu ổn định trong XK. Đồng thời, thúc đẩy tìm kiếm, mở rộng thị trường, đưa ra những định hướng trong quy hoạch, trong sản xuất, XK nhằm đảm bảo XK ổn định trong năm 2015 và trong những năm tiếp theo.
Đối với mặt hàng thủy sản thì ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến XK mặt hàng thủy sản giảm mạnh là do tỷ giá có diễn biến bất lợi cho thị trường Việt Nam, tỷ giá đồng USD tăng mạnh so với các dồng tiền khác như Euro, Yên nên XK thủy sản gặp khó khăn do các nhà nhập khẩu liên tục đề nghị đàm phán giảm giá trong khi giá thành sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên liệu không giảm.
Các kết quả rà soát thuế chống bán phá giá cũng như việc khôi phục sản xuất ở một số nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan cũng gây ra khó khăn không nhỏ cho XK thủy sản. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh XK thì cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường mới, tránh dàn trải, mà cần tập trung vào nội dung, cách làm. Đồng thời đẩy mạnh, phối hợp với các tham tán thương mại, thương vụ của Việt Nam nhằm có thêm thông tin về thị trường XK.
Mặc dù XK mặt hàng rau quả tăng trong 4 tháng nhưng ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đề nghị cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tránh tập trung XK sản phẩm sang một thị trường nhất định. Đồng thời, cơ quan chức năng xem xét để giảm chi phí vận tải, các chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Phát biểu tại Hội nghị, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các doanh nghiệp nông sản, thủy sản như chè, cà phê, cao su cũng đề xuất nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu như giảm thiểu thời gian thông quan sản phẩm, các thủ tục về xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, giảm lãi suất cho doanh nghiệp…
Bích Diệp