Nông dân Vĩnh Long ồ ạt bán đất mặt ruộng

(Dân trí) - Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông – Xuân, nhiều hộ dân ở huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) ồ ạt bán đất mặt ruộng. Tuy nhiên, việc bán đất mặt ruộng được xem là “lợi bất cập hại”, nông dân cần lưu ý.

Nhiều xe cơ giới xuất hiện trên cánh đồng để khai thác đất mặt
Nhiều xe cơ giới xuất hiện trên cánh đồng để khai thác đất mặt

 

Theo ghi nhận của PV Dân trí, trên một số cánh đồng thuộc các xã Phú Đức, Long An (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) nông dân ồ ạt gọi người bán đất mặt ruộng với giá từ 700.000 đến 800.000 đồng/công.

Theo tìm hiểu của PV, với giá bán đất mặt ruộng nêu trên, người mua phải tự điều xe múc đất đến rồi thuê nhân công xúc đất mặt ruộng rồi đem đi bán lại với giá cao gấp nhiều lần.

Anh Lê Văn Hòa (ngụ xã Phú Đức, huyện Long Hồ) cho biết, gia đình anh canh tác gần 4 công ruộng (1 công = 1.000 mét vuông) trồng lúa. Sau mùa vụ thu hoạch lúa, anh Hòa gọi người đến bán đất mặt ruộng. Theo anh Hòa, việc bán đất mặt ruộng không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn “giải phóng” khoảng đất gò cao, khó dẫn nước vào ruộng khiến thất mùa.

Bà Nguyễn Thị Giàu (ngụ xã Long An, huyện Long Hồ) cho biết: “Trong những năm qua, thấy việc bán đất mặt ruộng cũng có thu nhập nên không ít nông dân trong vùng đã gọi người đến bán. Tuy nhiên, nông dân cũng không biết được việc bán đất mặt ruộng như vậy có ảnh hưởng gì cho mùa vụ sau”, bà Giàu nói.

Theo nông dân, việc bán đất mặt ruộng vừa “giải phóng” đất gò, vừa có thu nhập, còn năng suất cho những mùa vụ sau thì không rõ
Theo nông dân, việc bán đất mặt ruộng vừa “giải phóng” đất gò, vừa có thu nhập, còn năng suất cho những mùa vụ sau thì không rõ

Ông Lê Văn Chánh (ngụ huyện Long Hồ), người mua bán đất mặt ruộng cho biết, năm nay, ông thu mua khoảng hơn chục công ruộng. Sau đó, thuê nhân công xúc đất vào bao. Sau đó, anh Chánh cho xe công nông vận chuyển đất đến tận nơi người có nhu cầu. Giá trung bình mỗi bao đất dao động từ  từ 30.000 – 45.000 đồng, tùy theo quãng đường xa gần.

Việc xúc đất cũng tạo được việc làm cho người dân địa phương. Anh Hội (ngụ huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) – người xúc đất thuê cho biết, năm nào cũng vậy cứ vào mùa này, anh đều rủ thêm một số anh em cùng xã đi xúc đất mướn. Mỗi ngày, mỗi người có thể xúc được từ 120-180 bao với tiền công 2.000 đồng/bao. Tính ra, mỗi người tham gia xúc đất thu nhập từ 240.000 đồng – 360.000 đồng/ngày.

Một thương lái chuyên cung cấp đất mặt ruộng cho biết, sau vụ lúa Đông- Xuân sẽ đi tìm những ruộng có gò để mua đất bán lại kiếm lời. “Sau khi thỏa thuận giá, tôi mua rồi cho máy xúc và xe tải đến chở bán cho những người có như cầu. Tùy xa, gần sẽ có giá từ 500.000 đến 700.000 đồng mỗi xe 5 khối.

Nói về “lợi bất cập hại” trong việc bán mặt đất ruộng, ông Nguyễn Văn Phước – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Long Hồ cho biết, tầng đất canh tác của đất lúa dày khoảng 3-4cm, nếu người nông dân bán đi lớp đất mặt này, thì các mùa vụ sau khi nông dân bón phân vào sẽ không giữ được dinh dưỡng trong đất và nước cho cây nên nông dân cần lưu ý.

Quốc An

bannerchan-bai.gif