1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nỗi sợ "bẫy nợ" Trung Quốc ám ảnh chính phủ Maldives

Thùy Dung

(Dân trí) - Áp lực đối với Maldives trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ quốc tế đã xuất hiện khi nước này phải vật lộn với suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19.

Nỗi sợ bẫy nợ Trung Quốc ám ảnh chính phủ Maldives - 1

Maldives đã vay rất nhiều từ Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cả dự án xây dựng một cây cầu nối thủ đô Male với sân bay quốc tế của nước này trên một hòn đảo khác.

Khi Ahmed Siyam, một ông trùm kinh doanh ở Maldives, gấp rút trả được lãi khoản vay 127,5 triệu USD mà ông nhận được từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, ông đã xoa dịu được nỗi lo của những người dân ở quần đảo Ấn Độ Dương về việc Maldives rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc.

Nhưng việc trả nợ vào tháng 8 vừa qua đã nhắc nhở nhiều người về rủi ro liên quan tới hàng tỷ USD tín dụng mà Trung Quốc đã cho Maldives vay.

Ngân hàng EXIM của Trung Quốc đã khiến chính phủ Maldives gặp khó khăn vào tháng 7 bằng cách đưa ra thông báo cho Sun Siyam – ông chủ của Ahmed Siyam phải hoàn trả khoản vay 10 triệu USD vào đầu tháng 8. Công ty của Siyam, Ahmed Siyam Holdings (ASH), được cho là đã không thể đưa ra được số tiền 10 triệu USD vào thời điểm đó.

Ngân hàng Trung Quốc đã đưa chính phủ của Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih vào tầm ngắm, kêu gọi nhà nước giải quyết khoản nợ nếu Siyam vỡ nợ.

Ngân hàng EXIM hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu như vậy vì khoản tiền mà Trung Quốc cho công ty tư nhân Maldives vay đã được chính phủ Maldives bảo lãnh.

Một quan chức cấp cao từ văn phòng Chủ tịch Solih nói với Nikkei Asian Review rằng: “ASH đã phải trả lãi và phí cam kết vào tháng 7 vừa qua. Vì ASH không thể trả nợ vào ngày đến hạn nên chính phủ Maldives với tư cách là người bảo lãnh cho ASH đã bị Trung Quốc yêu cầu trả nợ thay cho công ty này”.

Quan chức này nói rằng nếu ASH vỡ nợ, chính phủ sẽ buộc phải trả tiền thay cho họ theo các điều khoản của thỏa thuận.

Sự siết chặt của Trung Quốc đối với cả doanh nghiệp và chính phủ Maldives đã khiến các nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm của Nam Á đưa ra lời cảnh báo cho các nước khác trong khu vực.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông trích dẫn dữ liệu của Bộ Tài chính Maldives, các khoản vay của Trung Quốc cho các công ty quốc doanh Maldives dưới sự bảo lãnh có chủ quyền của chính phủ nước này ước tính tổng cộng lên đến 935 triệu USD. Những người hưởng lợi bao gồm Công ty xây dựng phát triển nhà ở Maldives và một công ty nhà nước liên quan đến dự án nhà ở cao tầng. Sau đó, Bắc Kinh đã tiếp tục cho chính phủ Maldives vay thêm 600 triệu USD.

Nguồn vốn từ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh đã được chi cho dự án xây dựng cây cầu nối thủ đô Male của Maldives với một sân bay chính nằm trên một hòn đảo khác.

BRI cũng tài trợ cho việc mở rộng sân bay và nâng cấp lưới điện, cùng các dự án cơ sở hạ tầng khác tại quốc gia này. Tốc độ xây dựng tại đây bắt đầu tăng cao sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Maldives vào năm 2014, đây cũng là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Maldives.

Các nhà phân tích tài chính dày dạn kinh nghiệm ở Maldives nói với Nikkei rằng, không có lý do gì để đưa ra những báo động quá mức về danh mục nợ mà Maldives đã vay của Trung Quốc.

Fazeel Najeeb, cựu thống đốc của Cơ quan tiền tệ Maldives (MMA) cho biết: “Nhận được các khoản trợ cấp và hỗ trợ tài chính ưu đãi từ các quốc gia thân thiện là một việc làm cần thiết. Những thỏa thuận như vậy là chính thức và tất cả các bên trong thỏa thuận cần thiết phải thực hiện nghĩa vụ của họ vào thời điểm đến hạn”.

Tuy nhiên, áp lực đối với Maldives trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ quốc tế đã xuất hiện khi nước này phải vật lộn với suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch Covid -19. Đại dịch đã hủy hoại ngành du lịch nơi đây, nguồn thu ngoại tệ chính ở quốc gia 400.000 dân này cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Năm 2019, Maldives đã thu hút được 1,9 triệu khách du lịch và thu được số tiền chi tiêu của khách du lịch nước ngoài ở mức cao kỷ lục. Nhưng trong năm nay, tính đến cuối tháng 7, nó chỉ thu hút được 384.548 khách du lịch, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình đã xấu đi trong quý 2 sau khi Maldives đóng cửa sân bay từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 7 do đại dịch lây lan.

Vào tháng 3 năm nay, Fitch Ratings - một trong ba ông lớn xếp hạng tín dụng của Mỹ đã hạ cấp Maldives từ B+ xuống B, nghĩa là triển vọng của đất nước này đã thay đổi từ mức “ổn định” sang “tiêu cực”.

Cơ quan xếp hạng toàn cầu cho biết: “Một cuộc suy thoái sâu dường như không thể tránh khỏi” bởi du lịch trực tiếp chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội của Maldives. Moody's, một cơ quan xếp hạng toàn cầu khác, cũng đã hạ cấp Maldives vào tháng 5 từ B2 xuống B3 với “triển vọng tiêu cực”.

Maldives phải giải quyết khoản nợ nước ngoài và lãi vay 117 triệu USD vào cuối năm nay. Theo dữ liệu do MMA công bố, dự trữ ngoại hối của nước này đang ở mức 649 triệu USD trong tháng 7. Nhưng Thomas Rookmaaker, giám đốc xếp hạng tại Fitch Ratings, nói với Nikkei rằng dự trữ ròng các khoản nợ ngắn hạn - có thể được sử dụng để trả các khoản vay cho Maldives - chỉ ở mức 156 triệu USD trong tháng 7, giảm từ mức 311 triệu USD trong tháng 1 vừa qua.

Rookmaaker cho biết, cơ quan xếp hạng đưa kỳ vọng rằng: “Maldives sẽ vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ sự hỗ trợ tài chính của các đối tác đa phương và song phương.”

Trươc đó, Ấn Độ đã vào cuộc để giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần cho người hàng xóm Maldives nhỏ bé của mình. Ấn Độ đã cung cấp gói hỗ trợ tài chính 1,4 tỷ USD vào tháng 12/2018 như một phần trong nỗ lực của New Delhi nhằm giành lại ảnh hưởng tại quốc gia này.

Một quan chức cấp cao từ văn phòng Tổng thống Maldives đã nói với Nikkei rằng: “Chính phủ đã và đang ưu tiên thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. Điều này bao gồm việc sử dụng các khoản tiền mà chúng tôi nhận được trong năm 2018 và 2019, đảm bảo nguồn tài chính bổ sung theo lãi suất ưu đãi, điều chỉnh chi tiêu của đất nước và làm việc với các đối tác quốc tế của chúng tôi”.