1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nới lỏng ngầm định

Thoạt nhìn, Thông tư 19 không có nhiều thay đổi so với Thông tư 13, nhưng đối chiếu với hoàn cảnh thực tế của từng vấn đề mà các ngân hàng cũng như doanh nghiệp đang gặp phải, lại thấy toát lên một sự thỏa hiệp và có phần thông thoáng đáng ghi nhận.

Nới lỏng ngầm định  - 1
Thông tư 19 của NHNN sẽ tạo sự thông thoáng hơn cho các hoạt động của các ngân hàng so với Thông tư 13.
 
Một từ quan trọng

Thông tư 19 ba lần nhắc lại “tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động”. Trong thông tư trước đó, cụm từ này được viết là “tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động”. Sự thay đổi chữ “so với” thành chữ “từ” cho phép hiểu rằng “tôi chỉ điều chỉnh việc sử dụng vốn của anh từ nguồn vốn huy động, còn những nguồn vốn khác của anh không thuộc dạng đối tượng điều chỉnh của văn bản này. Anh sử dụng nguồn vốn khác ra sao là tùy ở anh”.

Ngoài vốn huy động, nguồn vốn chủ sở hữu (bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu, các quỹ như dự phòng tài chính, dự phòng rủi ro, dự trữ bổ sung vốn điều lệ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối…) của các ngân hàng thương mại hiện khá lớn. Nguồn vốn này các ngân hàng có thể cho vay 100%. Nói một cách khác, ở góc độ thanh khoản, độ rủi ro của vốn chủ sở hữu là bằng không.

Mở rộng tử số, thu hẹp mẫu số

Một trong những nội dung cơ bản của Thông tư 19 là nới lỏng các thành phần tạo nên nguồn vốn huy động. Thứ nhất, 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế được tính vào vốn huy động. Thứ hai, tiền gửi của kho bạc cũng được tính vào vốn huy động.

Tiền gửi không kỳ hạn ở đây thực chất là tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đã có một số doanh nghiệp và ngân hàng lách bằng cách chuyển tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi kỳ hạn 24 giờ hay 48 giờ. Điều này không có quy định nào cấm cả.

Điểm mới quan trọng khác của Thông tư 19 nằm ở sự xuất hiện của khoản 3.4, điều 18: “Tiền vay của tổ chức trong nước, của tổ chức tín dụng khác từ ba tháng trở lên và tiền vay của tổ chức tín dụng nước ngoài” được nằm trong nguồn vốn huy động. Đây là tiền vay chứ không phải tiền gửi. Điều khoản này là nhằm giải tỏa ách tắc vốn huy động cho các công ty tài chính.

Theo quy định hiện tại, các công ty tài chính không được huy động tiền gửi dưới 12 tháng, nhưng nếu là tiền vay như điều khoản trên thì được phép. Số lượng các công ty tài chính đang gia tăng, hơn nữa với sự trợ giúp của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đối tượng này đang lớn nhanh cả về quy mô vốn cũng như tầm ảnh hưởng (thí dụ Công ty Tài chính Dầu khí hiện có vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng, ngang tầm một ngân hàng và hàng năm nhận ủy thác đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ từ Petro Vietnam và sắp xếp vốn cho nhiều dự án lớn). Đề cập đến họ và hoạt động của họ trong một văn bản pháp quy là điều cần thiết.

Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng đều chú ý đến quy định ở khoản 3.2 điều 18. Cả Thông tư 13 và 19 đều giữ nguyên quy định này: tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức tín dụng khác và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tính vào vốn huy động. Nếu ngân hàng A thừa vốn, mang tiền đến gửi có kỳ hạn ở ngân hàng B, thì khoản tiền gửi này ngân hàng B được tính vào vốn huy động của mình.

Đây đơn giản là một sự diễn đạt khác về nguồn vốn vay liên ngân hàng, và nó làm mềm hóa đi rất nhiều quy định đang bị các ngân hàng kêu ca, là vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng của một tổ chức tín dụng tối đa chỉ được bằng 20% tổng vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế. Thật sự, quy định then chốt này nên được nhìn nhận là linh hoạt và thông thoáng.

Kế tiếp, khoản 2, điều 18 đã loại bỏ nghiệp vụ bảo lãnh ra khỏi khái niệm cấp tín dụng. Trên thực tế, bảo lãnh về bản chất có là cấp tín dụng không? Câu trả lời là có. Vậy tại sao nó được loại trừ ra? Từ năm 1996-1997, sau hậu quả đáng tiếc của các vụ bảo lãnh trả chậm thời ấy, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định riêng, điều chỉnh nghiệp vụ bảo lãnh chặt chẽ. Hiện tại hoạt động bảo lãnh của các ngân hàng chỉ tập trung vào bảo lãnh các L/C và dự thầu. Do mức độ an toàn cao của những hình thức bảo lãnh này, nghiệp vụ bảo lãnh được loại ra khỏi cấp tín dụng.

Thực tế cho thấy việc loại trừ nghiệp vụ bảo lãnh sẽ góp phần thông đường dòng vốn cho các ngân hàng. Từ đầu năm nay, thay vì cho vay, các ngân hàng bảo lãnh cho tổ chức kinh tế phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất tương đối cao 14-15%/năm. Trên hợp đồng là bảo lãnh, thực chất là ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp (bảo lãnh phát hành, nhưng phát hành không được thì phải đứng ra mua). Bóc đi một lớp vỏ nữa của việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, chính là ngân hàng cho doanh nghiệp vay với một lãi suất cao hơn lãi suất đầu ra bình quân được Hiệp hội ngân hàng khuyến nghị.

Thỏa hiệp

Trong công văn 6799/VPCP-KTTH ngày 24/9/2010 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) về Thông tư 13. UBGSTCQG kiến nghị sửa đổi, bổ sung những điểm nào của Thông tư 13?

Trao đổi với báo giới bên lề một cuộc hội thảo mới đây tại TPHCM, ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch UBGSTCQG cho biết có ba đề nghị chính: thực hiện lộ trình cho việc áp dụng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR); bỏ quy định tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động là 80% đối với các ngân hàng; hạ hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay chứng khoán, kinh doanh bất động sản từ 250% xuống 150%.

Có một thực tế không thể đảo ngược là các ngân hàng quốc doanh không thể đảm bảo hệ số CAR 9% từ thời điểm đầu tháng 10/2010. Vietcombank đầu tháng 11/2010 mới tổ chức đại hội cổ đông bất thường, thông qua phương án tăng vốn 33%. Sau đó Vietcombank, theo quy định, phải chốt danh sách cổ đông và nhà đầu tư có 45 ngày để chuyển nhượng quyền mua hoặc nộp tiền mua cổ phần. Nhanh nhất cũng phải đến cuối tháng 12/2010 Vietcombank mới có CAR 9%.

Vietinbank đã chọn được đối tác chiến lược nước ngoài để phát hành thêm cổ phần tăng vốn, nhưng sự chọn lựa đó đang đợi Chính phủ phê duyệt. Khi được phê duyệt rồi, Vietinbank cũng phải qua các bước thủ tục phát hành và không thể kịp trước tháng 10/2010.

Việc tăng vốn của BIDV, Agribank, MHB phụ thuộc vào việc cấp vốn của Nhà nước. Kế hoạch cấp vốn cho các ngân hàng này chưa được công bố.

Về khối cổ phần, các ngân hàng lớn như ACB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Đông Á, Quân đội đều đã đạt CAR 9%. Chưa đạt tỷ lệ CAR còn lại là các ngân hàng cổ phần nhỏ. Họ đang trong quá trình tăng vốn và bắt buộc phải đạt 3.000 tỉ đồng vốn điều lệ vào ngày 31/12/2010.

Như vậy, CAR 9% áp dụng cho toàn bộ hệ thống ngân hàng thực tế không thể có sớm hơn thời điểm cuối năm nay. Đây là một lộ trình mà các chủ thể bị điều chỉnh bởi Thông tư 13, 19 phải ngầm hiểu!

Mặt khác tỷ lệ cấp tín dụng 80% vẫn được Thông tư 19 giữ nguyên. Nhưng nếu tính toán đầy đủ các khoản được mở rộng ở tử số và thu hẹp ở mẫu số, công với việc không tính vốn chủ sở hữu vào phạm vi điều chỉnh, thì tỷ lệ 80% đã không còn đúng với ý nghĩa ban đầu. Tỷ lệ này chỉ còn là một hàng rào có ý nghĩa tượng trưng hơn ý nghĩa thực.

Duy nhất chỉ còn kiến nghị hạ hệ số tài sản có rủi ro đối với các khoản vay chứng khoán, kinh doanh bất động sản không được sửa đổi. Tuy nhiên hệ số đó ít nhiều mang tính lựa chọn (không cho vay thì không phải tính) đối với các tổ chức tín dụng nhất là trong bối cảnh vốn cần được tập trung cho sản xuất, kinh doanh. Tùy từng thời điểm, một quy định riêng về cho vay chứng khoán, bất động sản có thể sẽ được ban hành tiếp theo cho phù hợp với thực tế là chuyện có khả năng xảy ra khi Luật các Tổ chức tín dụng mới có hiệu lực vào đầu năm sau

Theo Hải Lý
TBKTSG

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm