Nỗi lo đường tồn, đường lậu

(Dân trí) - Sản lượng sản xuất và thiêu thụ mía đường năm nay cao hơn năm trước. Song, giá đường trong nước giảm vào cuối vụ, lượng đường tồn kho tăng, đường lậu hoành hành, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng đã khiến nhiều nhà máy đường gặp khó.

Tại Hội nghị sơ kết vụ sản xuất 2010-2011, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, vụ sản xuất mía đường 2010-2011 cả nước sản xuất được 1,13 triệu tấn, tăng hơn 240.000 tấn (21,3%) so với năm ngoái.

Tổng nguồn cung đường cho đến vụ 2011-2012 đạt khoảng 685.709 tấn, trong đó, lượng tồn kho tính đến hết tháng 4 là 525.000 tấn. Với nhu cầu bình quân 120.000 tấn/tháng, nguồn cung trên sẽ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước đến đầu tháng 10/2011.
Nỗi lo đường tồn, đường lậu - 1
Đường nhập lậu gây sức ép với thị trường đường trong nước.

Ông Đoàn Xuân Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thuỷ sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) - cho rằng, tồn kho 525.000 tấn tại các nhà máy không phải là tồn ứ đọng vì đường là mặt hàng sản xuất theo mùa vụ nhưng sử dụng cả năm. Đây là nguồn hàng cần sử dụng cho 5-6 tháng còn lại của năm.

Theo ông Hoà, thời gian qua các doanh nghiệp thương mại chịu áp lực từ lãi suất cao, khiến cho việc thu mua gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các doanh nghiệp dù giữ lượng đường khá lớn nhưng không thể ngừng sản xuất vì sẽ ảnh hưởng đến người dân trồng mía. Điều đó dẫn đến việc giá đường có tăng lên nhưng lượng bán ra tại các nhà máy không tăng, thậm chí một số nhà máy không tiêu thụ nổi.

Bà Phạm Thị Sum - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà - lại cho rằng, để xảy ra tình trạng tồn kho đường, một phần Hiệp hội đã không đưa ra được các số liệu chính xác về sản lượng. Thêm vào đó, khi giá đường ở mức cao, các nhà máy lại không mặn mà với các doanh nghiệp thương mại muốn mua hàng nên khi giá xuống, các doanh nghiệp này cũng không muốn mua với số lượng lớn.

Theo đại diện Công ty Đường Biên Hoà, lượng tồn kho trên 500.000 tấn không phải là quá lớn. Thời điểm này tại các tỉnh phía Bắc theo ghi nhận mỗi ngày có từ 2.000- 3.000 tấn đường được xuất đi Trung Quốc. Trong khi đó, theo dự báo năm nay Trung Quốc ước tính đang cần nhập khẩu tới 2 triệu tấn đường. Nếu không cẩn thận thì sang quý III, Việt Nam có thể thiếu hụt đường trong nước.

Trước tình trạng đường nhập lậu vào Việt Nam khá nhiều, tạo nên sức ép với thị trường trong nước, ông Trịnh Minh Châu - Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường - cho rằng, tình trạng đường nhập lậu hiện nay phải được xem là quốc nạn. Hoạt động này qua biên giới Tây Nam ngày càng quy mô và chuyên nghiệp, với số lượng có thể lên tới hàng trăm tấn mỗi ngày.

Các đối tượng buôn lậu đường dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng. Đường lậu được tập kết ở các kho trước khi chuyển sang Việt Nam đều được đóng vào các vỏ bao bì của các nhà máy trong nước. Cho nên, nếu có bị cơ quan chức năng kiểm tra thì chủ hàng chỉ cần xuất trình một hoá đơn đỏ nào đó chứng minh có mua hàng của nhà máy đường hoặc đơn vị kinh doanh đường trong nước thì xem như là hợp lệ.

Theo ông Châu, tình trạng nhập lậu đường này khiến Nhà nước thất thu trên dưới 500 tỷ đồng mỗi năm. Do đó, ông Châu đề nghị, Nhà nước cần bổ sung văn bản pháp quy cụ thể và mạnh hơn về gian lận thương mại trong lĩnh vực mía đường.

Bài và ảnh: Diệu Chi