Nối gót Hòa Phát, Hoa Sen cũng lỗ nặng gần 900 tỷ đồng
(Dân trí) - Tương tự nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thép, Hoa Sen cũng lỗ nặng trong quý vừa qua.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) vừa công bố doanh thu quý cuối cùng niên độ tài chính 2021-2022 đạt 7.939 tỷ đồng, sụt giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Sen áp dụng niên độ tài chính từ ngày 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau. Do đó, quý III đi qua cũng là thời điểm tập đoàn này kết thúc năm tài chính.
Doanh thu dưới giá vốn, Hoa Sen lỗ gộp hơn 230 tỷ đồng trong quý vừa qua. Dù đã tiết giảm tất cả chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, tập đoàn của Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ vẫn lỗ ròng gần 900 tỷ đồng trong 3 tháng qua.
Sau cả niên độ tài chính, Hoa Sen đạt tổng doanh thu hơn 49.700 tỷ đồng, vượt kế hoạch về doanh số. Nhưng với khoản lỗ lớn trong quý cuối cùng, Hoa Sen chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 251 tỷ đồng sau cả niên độ tài chính, hoàn thành vỏn vẹn 17% chỉ tiêu kinh doanh.
Lý giải về kết quả kinh doanh kém khả quan, Hoa Sen cho biết các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam đối mặt với khó khăn chồng chất trong năm nay.
Đầu tiên, việc Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt chính sách zero-Covid, hạn chế tín dụng vào bất động sản làm thị trường bất động sản Trung Quốc đóng băng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thép nội địa Trung Quốc sụt giảm trầm trọng. Trung Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp thép lớn nhất thế giới nên áp lực dư thừa thép rất lớn.
Trước tình hình đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách hạ giá bán để giải quyết sản lượng dư thừa làm cho giá thép cán nóng trên thị trường thế giới giảm nhanh và mạnh trong thời gian rất ngắn, trong đó có Việt Nam.
Tại thị trường trong nước, giá thép giảm liên tục trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho phục vụ cho hoạt động kinh doanh không thể giảm ngay lập tức dẫn đến sự sụt giảm mạnh biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu các mặt hàng không thiết yếu suy giảm mạnh. Từ đó, các quốc gia giảm nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có thép, ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam.
Ngoài ra, việc tăng lãi suất, biến động tỷ giá, làm tăng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp, tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu như thép cán nóng, kẽm thỏi, hợp kim nhôm kẽm của các doanh nghiệp tôn mạ và tăng chi phí chênh lệch tỷ giá với các khoản vay bằng USD. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng gây ra cuộc khủng hoảng giá năng lượng, khiến chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp tăng cao.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HSG hiện chỉ giao dịch ở mức 12.250 đồng/cổ phiếu. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Hoa Sen đã giảm hơn 60% giá trị.