“Nội chiến” cá da trơn: Làm gì để chấm dứt?
Thị trường cá da trơn lên xuống thất thường gây thiệt hại không những cho người nuôi cá mà cả các doanh nghiệp chế biến. Biết rõ như vậy nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để những đối tác làm ăn trực tiếp này có thể ngồi lại với nhau tìm tiếng nói chung.
Giải pháp “khôi phục lòng tin”
Trong một nghiên cứu về nghề nuôi cá da trơn ở ĐBSCL của Trường Đại học Cần Thơ, các nhà khoa học đưa ra 7 tiêu chí phát triển bền vững ngành, trong đó nổi bật các vấn đề: quy hoạch lại vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển có kiểm soát thị trường giống và thức ăn công nghiệp, phát triển mô hình nối kết giữa doanh nghiệp (DN) chế biến và người nuôi, giữa DN và DN, phát huy vai trò của các hiệp hội nghề cá.
Tuy nhiên theo ông Trần Tuấn, chuyên viên kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ của Chính phủ, muốn thực hiện các tiêu chí này cần phải có giải pháp khôi phục lòng tin trong làm ăn, mua bán giữa DN với người nuôi cá.
Còn theo ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, muốn hóa giải những mâu thuẫn trên, điều trước tiên là các ngành chức năng phải bình ổn được thị trường nội địa. DN ký hợp đồng bao tiêu với giá chuẩn bảo đảm người nuôi có lời và hai bên phải cam kết thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng, giữa các DN cần thống nhất một giá thu mua, chấm dứt tình trạng tranh mua nguyên liệu.
Trên thị trường xuất khẩu, các DN cũng cần phải liên kết lại để thống nhất giá bán, tránh tình trạng tự hạ giá cạnh tranh để “giết lẫn nhau”, chào hàng bán chợ như hiện nay vừa làm thị trường mất ổn định vừa dễ bị đối tác nước ngoài chèn ép giá.
Nâng cao vai trò của các hiệp hội
Có một điều dễ nhận thấy là, từ khi con cá da trơn của ĐBSCL bị Hiệp hội Những người nuôi cá nheo Hoa Kỳ kiện bán phá giá thì sự xuất hiện của các hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản ở các địa phương ngày càng nhiều nhưng vai trò còn mờ nhạt.
Ông Đỗ Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH AFA (An Giang), cho rằng hiện nay vai trò của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản chưa được phát huy nên chưa có tiếng nói nặng ký.
Theo ông, muốn tiếng nói có trọng lượng thể hiện vai trò trọng tài kinh tế và điều tiết thị trường, Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản phải quản lý chặt sản lượng cá trong vùng, là tổ chức thay mặt người nuôi chào giá bán, trực tiếp ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu với DN.
Đối với người nuôi, hiệp hội phải đóng vai trò là nơi cung cấp vốn, con giống, thức ăn, kỹ thuật tiên tiến cho người nuôi cá. Tuy nhiên, cho đến nay mỗi khi có biến động thị trường, hiệp hội chỉ đứng giữa hô hào kêu gọi, kiến nghị chung chung nên chưa tạo được uy tín triệt để trong nghề.
Theo Hùng Anh
Báo Người lao động