1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nỗi buồn tiểu thương thời lạm phát

(Dân trí) - Giữa tháng 6, nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại TPHCM lại “rục rịch” tăng giá. Trong khi nhiều bà nội trợ than giá cao và cắt giảm chi tiêu thì các tiểu thương buôn bán còn lo hơn.

Giá tăng tiểu thương cũng “mếu”

Tại chợ Bà Chiểu, nhiều mặt hàng ùn ùn lên giá do các nhà sản xuất điều chỉnh giá đầu nguồn, tăng mạnh nhất là giá dầu ăn, bột ngọt. Cụ thể, dầu Tường An từ mức 25.700 đồng lên 27.800 đồng/lít; dầu Neptune cũng tăng thêm 2.000 đồng lên 31.700 đồng/lít; Bột ngọt tăng từ 14.700 lên 17.800 đồng/gói.

Chị Phương Thảo, kinh doanh thực phẩm khô ở chợ Bà Chiểu than: Tình hình xuống lắm, mãi lực trước là 10 thì nay chỉ còn 4. Hơn thế từ 2 tháng nay, Ban quản lý chợ tăng giá điện từ 2.500 lên 3.000 đồng, trong khi đó, bao nilon gói các sản phẩm cũng tăng giá từ mức 25.000 lên 48.000 đồng/kg.

“Người tiêu dùng trả sát giá nên chúng tôi phải hạ giá bán xuống vì chẳng ai muốn khách của mình bỏ sang các quầy bên cạnh” - chị Thảo giãi bày.

Theo ông Thanh Tuấn, Trưởng ban quản lý Chợ đầu mối thực phẩm khô Bình Điền, từ một tháng nay, giá thực phẩm khô đã tăng thêm khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Thông thường thì tết đến giá sẽ tăng, rồi sau đó sẽ giảm dần nhưng năm nay là ngoại lệ, ra tết đã nửa năm mà giá cả vẫn đứng ở mức cao chứ không chịu lui về mức cũ”.

“Ngay cả loại sản phẩm dành cho người nghèo là khô cá đù hồi trước là 30.000 đồng/kg, nay cũng đã lên 48.000 đồng/kg. Trong khi đó, các mặt hàng cao cấp vẫn đứng giá ở mức cao như tôm khô loại 1: 380.000 đồng/kg; mực khô loại 1: 230.000 đồng/kg. Bây giờ giá đồ khô đắt quá ai mà dám mua, sức mua tại chợ giảm 20%” - ông Tuấn cho biết.

Anh Tuấn Huy, kinh doanh thịt bò ở Chợ Bến Thành cũng than: “Giá thịt bò tăng cao quá nên chỉ có người khá giả mới ăn được, còn người nghèo mua không nổi. Giá 1kg thịt bò filê là 157.000 đồng/kg, đùi bò 129.000 đồng/kg”.

Theo anh Huy, thường thì 8 - 9 giờ sáng hàng ngày, lúc nào quầy hàng của anh cũng đông đúc. Giờ chờ đến 11 giờ trưa mà chẳng có bao người đến. Vừa nói anh Huy còn giở ra thùng lạnh chứa đầy thịt bò chưa bán hết và khẳng định đã bán hàng ở đây hơn chục năm mà chưa bao giờ thấy hàng ế ẩm như lúc này.

Tương tự, chị Phương Uyên, thiểu thương bán thủy sản tươi sống tại chợ Bến Thành chia sẻ: “Người ta kiếm đồng tiền khó khăn nên không dám ăn. Giá thực phẩm tăng nên người tiêu dùng “nhún nhịn”. Thế là mình chẳng biết bán cho ai vì chợ thưa thớt người”.

Tiểu thương “thắt lưng buộc bụng”

Bà Thu Nguyệt, Trưởng Ban quản lý Chợ Tân Định cho biết: “Nếu không giải quyết hết hàng trong buổi sáng, sang đầu giờ chiều, nhiều tiểu thương phải bán thực phẩm với giá vốn hoặc chấp nhận lỗ để có tiền đầu tư tiếp. Tôi nghe nhiều bà nội trợ than giá cao nhưng thực tế là hàng ế thì người bán còn buồn hơn”.

Nỗi buồn tiểu thương thời lạm phát - 1

  

Hàng nhiều mà chẳng có người mua (ảnh: N.T).

“Tiểu thương phản ánh, mỗi khi lấy đợt hàng mới thì nhà sản xuất lại điều chỉnh giá tăng thêm. Chẳng hạn, 6 tháng qua, giá các loại dầu ăn tăng thêm khoảng 10.000 đồng/lít. Nhiều tiểu thương trình bày với chúng tôi về tình trạng kinh doanh ế ẩm mà nước mắt chảy dài” - bà Nguyệt kể.

Chị Minh Xuân, bán thịt heo của Vissan tại khu nhà lồng chợ Bà Chiểu đưa cho PV Dân trí bảng giá thịt heo của Công ty Vissan áp dụng từ ngày 15/6 đến 30/6/2008. Để “níu” chân khách hàng, chị đã tự động giảm khoảng 1.000 - 5.000 đồng/kg so với giá bán của công ty.

Chẳng hạn, thịt ba rọi từ mức 77.000 đồng giảm còn 72.000 đồng, thịt sườn 85.000 giảm còn 81.000 đồng. Nhưng, người tiêu dùng vẫn chê đắt. “Chú thấy đấy, người ta chỉ hỏi thăm rồi đi ngay chứ có ai chịu mua đâu” - chị Xuân lắc đầu ngán ngẩm.

Thu nhập giảm sút, nhiều tiểu thương cũng phải thực hành tiết kiệm. Chị Thảo cho biết, hai chị em tôi cùng canh quầy hàng này. Chúng tôi phải mang cơm và nước uống ở nhà lên đây ăn chứ không còn dám “sa” vào những hàng quán như trước nữa.

Ông Thanh Tuấn nêu lên thực trạng buồn hơn: “Tình hình kinh doanh tại chợ rất bi đát. Hàng ế nhưng không thể để lâu vì lo giảm chất lượng, mà dự trữ trong kho lạnh cũng tốn kém vì thêm cả chi phí vận chuyển xa xôi. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì nhiều tiểu thương sẽ phá sản.

Thực tế là gần đây, đã có hàng chục hộ kinh doanh đã sang nhượng lại mặt bằng để chuyển địa điểm kinh doanh”.

Nguyên Tuấn