1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nợ xấu cao, nhiều ngân hàng có nguy cơ mất vốn

(Dân trí) - Năm 2011, trong khi một số TCTD trong nước có tỷ lệ nợ xấu cao thì khối ngân hàng nước ngoài và liên doanh hoạt động trên địa bàn lại có kết quả kinh doanh tăng gấp 4 lần, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,17%.

Báo cáo tổng kết về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM có kết luận, trong năm vừa qua, tỷ lệ tổ chức tín dụng (TCTD) kinh doanh kém hiệu quả (lãi ít hoặc lỗ), nợ xấu phát sinh cao, chủ yếu là các TCTD có cho vay bất động sản với các dự án lớn và mang tính chất đầu cơ.

Một số tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao hơn 5%, tỷ trọng nợ tại nhóm khách hàng có khả năng mất vốn chiếm tỷ lệ cao trong tổng nợ xấu.

Nợ xấu gia tăng, cùng những khó khăn trong việc trả nợ vay của doanh nghiệp, của khách hàng khiến dòng luân chuyển vốn trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại (NHTM) chậm lại, một vài NHTM có dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất (như bất động sản, giấy tờ có giá..) cao thì lại càng khó khăn hơn.

Trong khi đó, huy động vốn trong những tháng gần đây có xu hướng giảm, gia tăng áp lực lên thanh khoản tại các ngân hàng này, nhu cầu vốn trong thanh toán cao, tiếp cận vốn từ các thị trường khó hơn và khó khăn thanh khoản cục bộ đã xuất hiện.
 
Nợ xấu cao, nhiều ngân hàng có nguy cơ mất vốn - 1

Tuy nhiên, NHNN đã và đang sử dụng các công cụ quản lý kết hợp với công cụ tái cấp vốn, thị trường mở và các biện pháp khác để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn thanh toán cho các ngân hàng, ổn định hoạt động và an toàn hệ thống.

Những giải pháp trung hạn đã và đang thực hiện theo hướng sắp xếp, cơ cấu hệ thống ngân hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đủ mạnh để khắc phục tồn tại khó khăn và phát triển.

Trong công văn cũng nêu rõ, ngoài rủi ro tín dụng do nợ xấu gia tăng, rủi ro kỳ hạn cũng tiềm ẩn và cần quan tâm đặc biệt.

Theo đó, đại bộ phận nguồn vốn huy động hiện nay chủ yếu kỳ hạn ngắn: tiền gửi rất hoạt kỳ và biến động. Trong khi đó việc điều chỉnh dư nợ cho vay trung dài hạn cho phù hợp với cơ cấu nguồn vốn hiện nay là rất khó do thực hiện hợp đồng và do kỳ hạn nợ dài.

Thực trạng này gây áp lực lên quá trình khai thác và sử dụng vốn tại các NHTM là không nhỏ, tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, khi có biến động lớn về tiền gửi và khó khăn trong thu hồi nợ.

Năm 2012, NHNN cũng lưu ý rằng, những khó khăn kinh tế vĩ mô, khó khăn từ thị trường bất động sản và khó khăn của doanh nghiệp được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp – điều này tiềm ẩn và chứa đựng rủi ro đối với hoạt động tín dụng ngân hàng.

Vì vậy, phía NHNN cảnh báo các TCTD đặc biệt quan tâm, có giải pháp xử lý nợ xấu và quản trị rủi ro hiệu quả.

Ngân hàng nước ngoài: Bức tranh tương phản!

Trong khi đó, báo cáo của NHNN chi nhánh TPHCM cũng đưa ra một bức tranh tương phản về hoạt động của các NHTM nước ngoài, ngân hàng liên doanh.

So với khối ngân hàng trong nước, nhóm ngân hàng này lại hoạt động hiệu quả hơn.

Cạnh tranh của những ngân hàng này bằng chất lượng dịch vụ, bằng sản phẩm dịch vụ cung cấp trọn gói cho doanh nghiệp khách hàng, tư vấn tạo mối quan hệ chặt chẽ, tín nhiệm và truyền thống; quản trị kinh doanh tốt; khai thác và sử dụng vốn hợp lý, phù hợp – báo cáo nêu.

Vì vậy, ngay cả trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nhóm ngân hàng này vẫn hoạt động ổn định, tăng trưởng bền vững.

So với cuối năm 2010, 10 tháng đầu năm 2011 tổng huy động vốn của nhóm ngân hàng nước ngoài tăng 19,06%; dư nợ tín dụng tăng 6,97%, kết quả kinh doanh tăng gấp 4 lần. Đặc biệt là nợ xấu nhóm này rất thấp, tỷ lệ nợ xấu chỉ là 1,17%.

SaiGonTimes ngày hôm qua cũng đã dẫn một báo cáo khác của NHNN cho thấy, trong số các chi nhánh của 4 NHTM Nhà nước và có cổ phần Nhà nước chi phối gồm Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công thương Việt Nam (Vietinbank), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trên địa bàn TPHCM thì Agribank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, trên 15%.

Các NHTMCP trên địa bàn TPHCM (gồm có 16 hội sở, 9 sở giao dịch và 158 chi nhánh) có tỷ lệ nợ xấu trung bình 2,59%. Khối NHTM có hội sở ngoài TPHCM có nợ xấu trung bình trên 26%. Công ty tài chính trên địa bàn có nợ xấu 16,97%. Công ty cho thuê tài chính có nợ xấu tính đến cuối 11/2011 chiếm 23,31%. Các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tính đến cuối tháng 11/2011 có nợ xấu 5,46%.

Bích Diệp