1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nỗ lực tăng bị vùi dập, VN-Index mất gần 9 điểm phiên đầu tuần

(Dân trí) - Nỗ lực lấy lại mốc 500 điểm của VN-Index ngay lập tức đã bị vùi dập nhanh chóng khi lực cầu xuống thấp khiến chỉ số lao dốc sát 490 điểm. Nhà đầu tư đang đứng ngoài quan sát sau đợt tái cơ cấu của các quỹ đầu tư ngoại.

Phiên giao dịch đầu tuần (24/6) diễn ra không mấy thuận lợi khi những nỗ lực tăng điểm trở lại vào đầu phiên đã bị “vùi dập” nhanh chóng khiến VN-Index lao dốc thảm hại, mất 8,69 điểm tương ứng 1,74% xuống còn 490,15 điểm.

Điều đáng lưu ý ở đây đó là mức giảm ở nhóm VN30 ít hơn so mức giảm chung của sàn TPHCM (HSX). VN30 với 17 mã giảm và 7 mã tăng, mặc dù mức độ mất điểm lớn song vẫn ít hơn VN-Index với 6,66 điểm tương ứng 1,2%.

Trên sàn Hà Nội (HNX), với 111 mã giảm, 40 mã tăng cũng đã bị lấy đi 1,4% hay 0,9 điểm và HNX-Index đã phải lùi xuống còn 63,36 điểm.

Sự thận trọng của bên mua khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, các chỉ số cũng lao dốc theo
Sự thận trọng của bên mua khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, các chỉ số cũng lao dốc theo.

Thanh khoản sáng nay đã xuống thấp hơn các phiên trước đó khi HSX chỉ có 36,9 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 652,4 tỷ đồng; HNX có 23 triệu cổ phiếu giao dịch, ứng với 174,25 tỷ đồng. Dòng tiền chảy vào thị trường nhỉnh hơn 800 tỷ đồng.

Trên HSX, một trong những nguyên nhân chính kéo sập chỉ số VN-Index không chỉ do khối lượng mã giảm rất lớn mà còn do biên độ giảm sâu nằm tại các mã có vốn hoá cao. Điển hình, MSN mất tới 5.500 đồng/cp (5,56%) và bắt đầu xuống hiện dư mua giá sàn. Trong khi đó, VCF mất 4.000 đồng (1,98%), HSG, GAS cùng mất 1.500 đồng, DPM và BVH mất 1.400 đồng, VCB mất 1.200 đồng và VNM mất 1.000 đồng.

Còn HNX, với việc VCG mất tới 1.200 đồng, ACB, KLS, SHB, VND cùng đỏ điểm cũng đã khiến HNX-Index không thể tránh khỏi thiệt hại.

Thanh khoản HNX trở nên báo động khi toàn sàn chỉ có 6 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, trong đó mã khớp mạnh nhất là FLC với 5,3 triệu cổ phiếu; SHB và PVX chỉ còn khớp lần lượt 2,6 và 2,5 triệu cổ phiếu trong phiên. VCG khớp 1,48 triệu đơn vị và SCR khớp 1,45 triệu.

Giữa lúc đó, ITA và HAG là hai mã khớp mạnh nhất HSX. Khớp lệnh tại ITA đạt 4,38 triệu và tại HAG đạt 1,32 triệu. Cả hai mã này đều đang mất điểm: ITA mất 300 đồng, HAG mất 500 đồng. Cầu giá sàn tại ITA khá mạnh, cuối phiên còn hơn 1 triệu đơn vị dư mua giá sàn.

Một số mã khác khớp lệnh tốt và diễn biến giá khả quan trên HSX phiên sáng nay là PVF, CTG. PVT, OGC và PPC…

Các phiên “đánh úp” của khối ngoại, cụ thể các là quỹ ETF trong những phiên trước đã khiến thị trường náo loạn. Đến sáng nay, sự can thiệp của nhóm nhà đầu tư này đã giảm sau khi các quỹ ETF chốt danh mục đầu tư. PPC được mua 233,88 nghìn cổ phiếu, PVD được mua 175,31 nghìn; VCB được mua 172 nghìn; và HPG được mua 134,8 nghìn đơn vị.

VCG, PVX và PVS mặc dù vậy vẫn bị bán ròng mạnh. Khối lượng bán ròng tại VCG sáng nay là 369,2 nghìn cổ phiếu, tại PVX là 232,2 nghìn và PVS là 215,9 nghìn. Trong số này VCG là mã mất điểm mạnh nhất với 1.200 đồng/cp tương ứng 9,09%; PVX mất 300 đồng tương ứng 5,36% và PVS mât 800 đồng tương ứng 4,57%.

Thị trường bất ngờ diễn biến tiêu cực giữa bối cảnh thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 cả nước được công bố, tăng trở lại 0,05% sau đợt giảm phát vào tháng trước. Tuy nhiên, xét trên góc độ vĩ mô, đây vẫn là thông tin tốt.

Xét về thanh khoản, mức sáng nay cho thấy nhà đầu tư dường như đang đứng ngoài thị trường để chờ đợi xu hướng tiếp theo sau những đợt tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư nước ngoài. Vì vậy, việc không có bên mua chống đỡ đã khiến chỉ số thị trường tuột dốc mạnh.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm