Nợ chồng chéo giữa các tập đoàn quá lớn, khó gỡ
(Dân trí) - Báo cáo kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán nhà nước điểm danh một loạt tập đoàn, TCty nhà nước “dính” nợ khó đòi. Đáng chú ý, nhiều khoản nợ trong nội bộ tập đoàn, giữa các tập đoàn với số tiền lớn, kéo dài chưa giải quyết được.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Cấm lôi kéo người khác kinh doanh đa cấp để hưởng hoa hồng |
Kiểm toán nhà nước cho biết, trong số 27 tập đoàn, TCty được kiểm toán hiện tại, 26 đơn vị làm ăn có lãi. Tổng doanh thu của 27 tập đoàn, tổng công ty là 907.162 tỷ đồng, tổng chi phí 809.598 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 97.564 tỷ đồng, các khoản thuế và còn phải nộp ngân sách nhà nước 29.610 tỷ đồng.
Báo cáo kiểm toán nêu nhiều con số, 27 doanh nghiệp này có tổng tài sản, nguồn vốn là 1.609.959 tỷ đồng nhưng trong đó, nợ phải thu là 177.517 tỷ đồng (chiếm 11,03% tổng tài sản). Hàng tồn kho ước khoảng 108.636 tỷ đồng, chiếm 6,75% tổng tài sản. Nợ phải trả 912.865 tỷ đồng, chiếm 56,7% tổng nguồn vốn và vốn chủ sở hữu 645.477,9 tỷ đồng.
Nhiều đơn vị bị Kiểm toán nhà nước điểm tên trong danh sách nợ quá hạn, nợ khó đòi lớn là Tổng công ty Điện lực dầu khí thuộc Petro Vietnam 9.650 tỷ đồng; Công ty mẹ VNPT 2.314,2 tỷ đồng; TCTy Công trình giao thông 1 (Cienco 1) là 558,6 tỷ đồng; TCty lắp máy Lilama 482,4 tỷ đồng; Vietnam Airlines 181,6 tỷ đồng; Cienco5 là 188,3 tỷ đồng…
Đáng chú ý, kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều khoản nợ trong nội bộ tập đoàn, giữa các tập đoàn với số tiền lớn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, EVN nợ Petro Vietnam 12.651 tỷ đồng, trong đó khoản quá hạn từ năm 2011 là 9.650 tỷ đồng. Số dư nợ phải thu, phải trả của Công ty mẹ - EVN với các đơn vị trong EVN lớn, không quy định thời hạn thanh toán, việc thanh toán tiền điện của các công ty mua bán điện thuộc Công ty mẹ cho các nhà máy điện thường xuyên chậm.
Một dẫn chứng khác, TCty dệt may Việt Nam chưa thanh toán cho Petro Vietnam khoản ứng vốn thay cho Vinatex để góp vào Công ty Cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Dầu khí theo lộ trình tăng vốn 229,6 tỷ đồng, với thời hạn trả nợ cho Petro Vietnam là quý 1/2011 (đã gia hạn đến tháng 6/2012)…
Cơ quan kiểm toán cũng nhắc lại vấn nạn nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn chiếm dụng, vốn vay. Theo đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt mức cho phép.
Hàng triệu m2 đất đang bị lãng phí
Câu chuyện khác được Kiểm toán nhà nước “để mắt” là vấn đề lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai của các DNNN. Báo cáo kiểm toán nêu rõ nhiều tập đoàn, TCty đang quản lý và sử dụng diện tích đất đai lớn, nhưng còn để đất không hoặc chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, bị lấn chiếm.
Ví dụ, số đất không hoặc chưa sử dụng của Tập đoàn Dệt may Vinatex là 26.955 m2; Công ty mẹ Cienco 6 “ôm” 1.769,6m2; Tập đoàn Cao su Việt Nam VRG 1.114.700.000 m2 (trong đó, số đất ở nước ngoài là 581.270.000 m2); Seaprodex: 30.693,6 m2…
Tập đoàn Viễn thông VNPT thì có 25.382 m2 đất bị lấn chiếm, tranh chấp. Ở Tập đoàn Cao su, con số này lên tới 128 triệu m2 (đất bị lấn chiếm ở nước ngoài là 38 triệu m2).
Kết quả kiểm toán còn cho thấy hàng chục tập đoàn tổng công ty thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước về đất đai chưa đầy đủ và chưa tuân thủ nghiêm các quy định trong mua, bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản hình thành từ dự án.
Kiểm toán Nhà nước cũng “kể tội” hầu hết các tập đoàn, TCty có đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản đều có dự án triển khai chậm hoặc kéo dài nhiều năm làm giảm hiệu quả đầu tư. Một số dự án phải dừng thi công do không có vốn gây lãng phí vốn đầu tư.
Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn được chỉ tên với một số dự án được giao đất từ trước năm 2002 nhưng đến thời điểm kiểm toán chưa hoàn thành. Cienco5 thì có cả 7/7 dự án kinh doanh bất động sản được chọn kiểm toán đều chậm tiến độ. Một số dự án của Tổng công ty Cảng hàng không đã được giao đất từ những năm 2005, 2007, 2008, 2009 nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa triển khai.