Nín thở chờ phút 89 và cú thắng lớn 7.000 tỷ đồng lịch sử
Không phải nhờ giải cứu như người nông dân trồng thanh long, nuôi tôm hùm, năm 2020 dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song người nông dân trồng vải thiều, trồng lúa, nuôi lợn... vẫn trúng đậm chưa từng có, thu về cả chục ngàn tỷ đồng.
Đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, lây lan nhanh trên thế giới và Việt Nam, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại bị ngưng trệ. Khi ấy, người dân trồng vải thiều Bắc Giang như ngồi trên đống lửa vì loại trái cây đặc sản này chuẩn bị bước vào vụ thụ hoạch.
Đặc biệt, chuyện xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản sau bao năm chuẩn bị cũng khó thành. Bởi chuyên gia Nhật không thể sang Việt Nam hoàn thành những khâu kiểm tra cuối cùng trước khi quả vải đặt chân được sang đất nước Mặt trời mọc. Trong khi, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng khó trăm bề vì quy định cách ly kiểm dịch.
Giữa lúc khó khăn, một hội nghị xúc tiến thương mại lần đầu được tổ chức trực tuyến trên quy mô lớn giữa các địa phương với phía Trung Quốc để cùng nhau gỡ khó cho quả vải. Ngay sau đó, chuyên gia Nhật, thương nhân Trung Quốc được sắp xếp sang Việt Nam thực hiện cách ly theo quy định để tiến hành thu mua vải thiều.
Kết quả, không chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa, vải thiều Việt Nam sang Nhật thành công, trở thành hàng "hot", bán được giá cáo ngất ngưởng. Con đường vải thiều sang Trung Quốc cũng được thông thương.
Theo số liệu của từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang (Sở Công thương Bắc Giang), sản lượng vải thiều toàn tỉnh đạt gần 165.000 tấn, giá bán trung bình là 31.200 đồng/kg. Nhờ đó, doanh thu vải thiều năm 2020 cao chưa từng có, đạt 6.830 tỷ đồng, hơn vụ vải năm 2019 tới 830 tỷ đồng.
Sau vụ thu hoạch, nhiều nông dân trồng vải thiều thu được tiền tỷ, ôm tiền đi sắm xe hơi, tậu thêm đất đai mở rộng sản xuất.
Nuôi lợn bán một con thu nửa cây vàng
Không phải kêu gọi giải cứu như năm 2017, cũng không còn thua lỗ tới mức bán nhà, cắm sổ đỏ như năm 2019, năm 2020 này người chăn nuôi lợn thắng lớn chưa từng có khi mặt hàng này giá tăng lên mức cao nhất lịch sử.
Nửa đầu năm nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng từ mốc 80.000 đồng/kg tăng vọt lên trên 100.000 đồng/kg. Thậm chí, giá cao đến mức mà ông Đào Viết Xuê - chủ một trang trại lợn ở Quế Võ (Bắc Ninh) phải thừa nhận, chính bản thân ông cũng cảm thấy "áy náy" với người tiêu dùng. Ông tiết lộ, chỉ tính riêng lợn thương phẩm, ông đã cầm trong tay khoản lãi 3,6-4 tỷ đồng.
Tương tự, chủ một trang trại lợn quy mô hàng vạn con lợn ở Tân Yên (Bắc Giang) cũng tiết lộ, bà bán lứa lợn 50 tấn thu ngay 4,6 tỷ đồng. Trong đó, có những con lợn trọng lượng gần 2 tạ, bán xong thu về 18 triệu đồng, tính ra bằng gần nửa cây vàng.
Theo Bộ NN-PTNT, tổng đàn lợn cả nước khoảng 23 triệu con, 65% nguồn cung thịt lợn của Việt Nam đến từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, 35% thị phần còn lại đến từ các doanh nghiệp chăn nuôi.
Trong khi, một doanh nghiệp có tổng đàn 250.000 con, 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu đạt 4.605 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế hơn 750 tỷ đồng, tăng gấp 28 lần so với nửa đầu năm 2019 và vượt xa chỉ tiêu 457 tỷ đồng kế hoạch cả năm 2020. Đáng chú ý, phần lớn khoản lãi đến từ chăn nuôi lợn.
Bước sang nửa cuối năm 2020, dù giá thịt lợn đã giảm mạnh, về gần "đúng chuẩn", song với việc giá mặt hàng này tăng 57,23% như Tổng cục Thống kê công bố thì các chủ trang trại lợn thu lãi tiền tỷ. Một số người chăn nuôi còn ví, hộ nào may mắn giữ được đàn lợn thì năm nay như trúng vàng ròng.
Trồng lúa một năm thắng lớn
Năm 2020, né được hạn mặn lịch sử, nông dân ở các vựa lúa của nước ta cũng đồng loạt thông báo được mùa lớn, sản lượng đạt gần 43 triệu tấn.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho hay, ngoài chuyện lúa được giá cao, nông dân còn trúng mùa lớn chưa từng có. Năng suất lúa ở ĐBSCL trung bình đạt gần 70 tạ/ha. Ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, lúa cũng đạt năng suất cao kỷ lục, có hộ chăn sóc lúa tốt, năng suất đạt tới 80 tạ/ha.
Nông dân trồng lúa ở Cần Thơ còn chia sẻ, các vụ năm nay liên tiếp trúng mùa, lúa thu hoạch không bị tồn kho, giá lại tăng cao hơn so với năm trước từ 500-1.000 đồng/kg. Đặc biệt, thương lại còn tới tận ruộng tranh nhau đặt mua ngay từ lúc lúa còn xanh.
Trúng mùa lớn, gạo Việt đáp ứng 100% nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, thỏa mãn nhu cầu xuất khẩu. Đáng chú ý, năm nay giá gạo Việt Nam xuất khẩu nhiều lần vượt Thái Lan, Ấn Độ để vươn lên vị trí số 1 thế giới.
Trong tháng cuối cùng của năm 2020, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá từ 495-500 USD/tấn. Đây giá cao nhất trong vòng một thập kỷ qua và một lần nữa đưa Việt Nam lên ngôi số 1 thế giới về giá bán.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020.
Không chỉ vậy, nửa cuối năm nay, gạo Việt Nam còn chớp thời cơ để xâm nhập vào thị trường EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Đặc biệt, mặt hàng gạo thơm được xuất khẩu sang thị trường này với giá bán lên tới trên 1.000 USD/tấn. Điều này xóa tan định kiến gạo Việt chỉ để bán cho các nước nghèo với giá rẻ vì chất lượng thấp.
Tổng kết 2020, gạo Việt có một năm trọn vẹn. Không chỉ làm tròn trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực mà còn phục vụ xuất khẩu, thu về 3,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2019.