1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những vụ làm ăn “mất mặt” của trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương

(Dân trí) - Ngoài vụ “tay không bắt giặc” tại dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn mà Dân Trí đã đề cập thì công ty UDIC Invest dưới thời Nguyễn Văn Dương còn có những vụ làm ăn đầy tai tiếng khác trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1975) bị bắt hồi năm ngoái trong vụ án hình sự “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành”.

Vụ án này gây chấn động trong dư luận gần đây không chỉ về quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng, với sự tham gia của hàng nghìn người trong và ngoài nước mà còn liên quan đến hoạt động tiếp tay, “bảo kê” của cựu tướng Nguyễn Thanh Hoá khi còn là Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) và nhiều cán bộ công an khác.

Khi đường dây cờ bạc này bị triệt phá, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố khoảng 80 bị can; bước đầu làm rõ số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hành vi đánh bạc là 2.777 tỷ đồng; tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản ngân hàng 381 tỷ đồng tiền mặt và sổ tiết kiệm, 20 căn hộ trị giá gần 190 tỷ đồng và 13 xe ô tô các loại.

Một hình ảnh hiếm hoi của Nguyễn Văn Dương khi đại diện cho CNC nhận giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của CNC năm 2017
Một hình ảnh hiếm hoi của Nguyễn Văn Dương khi đại diện cho CNC nhận giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của CNC năm 2017

Mắt xích quan trọng của vụ án này là Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), một doanh nghiệp do chính Nguyễn Văn Dương đồng sáng lập và đứng tên Chủ tịch. Dưới vỏ bọc là một công ty về công nghệ nhưng kỳ thực CNC lại hoạt động tổ chức đánh bạc qua mạng bằng hình thức game bài.

Theo những dữ liệu mà tạp chí Nhà đầu tư dẫn từ Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia thì Nguyễn Văn Dương không chỉ là trùm cờ bạc điều hành CNC mà còn sắm vai doanh nhân với chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư UDIC, thành viên của Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC).

Ngoài vụ “tay không bắt giặc” tại dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn mà Dân Trí đã đề cập trong bài viết ngày 13/3 thì UDIC Invest dưới thời Nguyễn Văn Dương còn có những vụ làm ăn đầy tai tiếng khác trong lĩnh vực đầu tư xây dựng:

“Quỵt tiền” nhà thầu phụ, náo loạn công trình Bệnh viện Sản – Nhi Sóc Trăng

Bê bối khiến UDIC Invest và công ty mẹ là UDIC “mất mặt” trên báo chí năm 2015 là vụ lùm xùm “bùng” nợ các nhà thầu phụ công trình Bệnh viện Sản – Nhi Sóc Trăng.

Theo đó, khoản nợ chỉ hơn 10 tỷ đồng song UDIC Invest không thực hiện thanh toán đúng thời hạn cam kết đã khiến các nhà thầu phụ phải gửi đơn tố cáo, cầu cứu các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng.

Công trình Bệnh viện Sản - Nhi Sóc Trăng đội vốn hàng trăm tỷ đồng do sự chây ì của UDIC Invest
Công trình Bệnh viện Sản - Nhi Sóc Trăng đội vốn hàng trăm tỷ đồng do sự chây ì của UDIC Invest

Tháng 8/2015, các nhà thầu phụ từng tham gia thi công công trình này thậm chí đã đến tháo dỡ các trang thiết bị phục vụ thi công mà trước đó cho UDIC Invest thuê nhưng không thanh toán đủ tiền.

Chưa hết, đến đầu tháng 11/2015, một vụ náo loạn đã xảy ra tại công trình này khi các nhà thầu phụ kéo đến yêu cầu nhà thầu chính là UDIC phải thanh toán hết phần công nợ. Lời qua tiếng lại, đại diện UDIC buông tiếng chửi bới tục tĩu và thậm chí còn thẳng tay đấm vào mặt phóng viên đến phản ánh vụ việc, doạ dẫm cả công an.

Theo thông tin báo chí thời đó đăng tải thì vào năm 2011, sau khi trúng thầu gói thầu xây dựng Công trình Bệnh viện Sản – Nhi Sóc Trăng, ông Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc UDIC đã ký với ông Nguyễn Văn Dương - thời điểm đó đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc UDIC Invest, một hợp đồng kinh tế “nội bộ” để giao cho UDIC Invest trực tiếp thi công gói thầu. Hợp đồng này không qua chủ đầu tư.

Ông Dương sau đó bổ nhiệm ông Lê Việt Dũng giữ chức Giám đốc. Từ đây, ông Dũng ký nhiều hợp đồng “bán thầu” với các nhà thầu phụ chứ không trực tiếp xây dựng, dẫn đến chuyện lùm xùm nợ nần nói trên.

Công trình Bệnh viện Sản – Nhi Sóc Trăng có tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng, nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ, nhà thầu chính là UDIC giao UDIC Invest thi công. Thời gian hoàn thành cuối năm 2014 nhưng đến hết năm 2015, khi xảy ra bê bối “bùng” nợ của UDIC Invest với các nhà thầu phụ thì công trình này vẫn bỏ dở, chưa xây dựng xong phần thô.

Thực tế, công trình này bị chậm tiến độ 2 năm, đội vốn hàng trăm tỷ đồng do sự thi công ì ạch của UDIC Invest dù trong quá trình thực hiện đã bị UBND tỉnh Sóc Trăng “gõ đầu” yêu cầu giải trình.

10 năm xây “đại công trình” 800 tỷ đồng bỏ hoang

Ngoài công trình nói trên, UDIC Invest còn được công ty mẹ UDIC ưu ái giao thực hiện công trình Bệnh viện đa khoa Nam Định (thông tin trên tờ Người lao động), một công trình trọng điểm của vùng nam đồng bằng sông Hồng với quy mô 700 giường trên khuôn viên rộng gần 10 ha.

Công trình bệnh viện đa khoa Nam Định (ảnh: báo Nhân Dân)
Công trình bệnh viện đa khoa Nam Định (ảnh: báo Nhân Dân)

Công trình này được thực hiện bằng vốn ngân sách, do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, các bên trúng thầu là Công ty cổ phần xây dựng 504-Vinaconex và Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC.

Theo quy hoạch, công trình này bao gồm tổ hợp nhiều khu nhà cao tầng, có sân đỗ trực thăng trên nóc… Khởi công năm 2007 và dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2011, thế nhưng, hơn 10 năm trôi qua, “siêu dự án” của tỉnh Nam Định vẫn ngổn ngang bê tông cốt thép, nằm trơ trọi dãi nắng dầm mưa.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 598 tỷ đồng, đến tháng 11/2009, vốn đầu tư dự án đã được điều chỉnh lên 850 tỷ đồng do thời gian thực hiện dài, giá nguyên vật liệu nhiều thay đổi. Còn tại thời điểm hiện tại, sau hơn 10 năm thực hiện, con số này có thể đã lớn hơn rất nhiều!

Trong khi nhà thầu thi công đủng đỉnh thì theo thông tin trên báo chí, một kết luận thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2014 cho thấy, UDIC và Công ty 504-Vinaconex lại được “cầm đằng chuôi” với khối lượng tiền ứng trước rất lớn.

Cụ thể, từ đầu năm 2013, nhà thầu này đã không thực hiện dự án; sau 4 năm triển khai, giá trị khối lượng mới đạt xấp xỉ 40 tỷ đồng tương đương 35,18% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, nhà thầu lại được ứng trước khối lượng thực hiện tương đương với 87,4% giá trị hợp đồng. Hơn thế lại sử dụng nguồn vốn ứng trước của Trái phiếu Chính phủ trong năm 2010 để ứng trước khối lượng chưa thực hiện cho nhà thầu.

Tiêu tốn cả “núi tiền”, nhưng cho đến nay, dự án này vẫn chưa hẹn ngày “về đích”.

Bích Diệp (tổng hợp)

Những vụ làm ăn “mất mặt” của trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm