1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những vụ "choảng nhau" giữa nhân viên, CEO với ông chủ Việt Nam

Thời gian gần đây, các vụ kiện tụng giữa nhân viên với ngân hàng và chủ doanh nghiệp ngày càng xảy ra nhiều, thậm chí cả CEO cũng đâm đơn kiện doanh nghiệp mình từng làm...

Có những vụ kiện đi đến hồi kết, song không ít vụ chưa phân rõ thắng bại. Tuy nhiên, việc những người từng gắn bó với nhau lại quay sang kiện tụng nhau cũng cho thấy phần nào sự khốc liệt của thương trường.

Vừa qua, một vụ kiện tụng đã gây xôn xao trong giới ngân hàng khi rất hiếm hoi một ngân hàng lại thua kiện chính nhân viên của mình.

Khách hàng vay tiền nhưng không có khả năng thanh toán, Ngân hàng Nam Á cho rằng giám đốc chi nhánh của ngân hàng mình phải chịu trách nhiệm nên đâm đơn kiện.

Chiều 30/5, TAND TP HCM xử phúc thẩm đã giữ nguyên án sơ thẩm, bác kháng cáo của Ngân hàng Nam Á kiện đòi giám đốc chi nhánh của ngân hàng là ông Phan Triều Dương bồi thường hơn 1 tỷ đồng.

Ông Dương nguyên là giám đốc một chi nhánh của ngân hàng Nam Á. Ngày 4/4/2008, Công ty P. được ông Dương ký duyệt cho vay 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó công ty này không trả tiền theo quy định nên ngân hàng chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và kiện đòi nợ.

Sau đó, Công ty P. bị TAND TP HCM buộc trả cho ngân hàng hơn 3,4 tỷ đồng. Công ty không trả được nợ nên tài sản thế chấp được mang ra bán đấu giá.

Sau khi trả được hơn 1,8 tỷ đồng, công ty mất khả năng thi hành án. Cho rằng việc tài sản thế chấp đem bán không đủ để thu hồi nợ có trách nhiệm của ông Dương nên ngân hàng kiện đòi ông bồi thường số tiền mà khách hàng còn nợ (hơn 1 tỷ đồng).

Tại phiên tòa, ông Dương khẳng định ông đã thực hiện công việc đúng thẩm quyền. Bản án của tòa đã xác định rõ trách nhiệm trả tiền cho ngân hàng là của Công ty P. chứ không phải trách nhiệm của ông. Hơn nữa, không có văn bản nào quy định rõ việc giám đốc chi nhánh phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu để xảy ra nợ xấu, không thu hồi được nợ…

Theo HĐXX cấp phúc thẩm, việc TAND quận Tân Bình, TP HCM tuyên ông Dương không phải chịu trách nhiệm số tiền 1 tỷ đồng là hoàn toàn đúng pháp luật bởi lẽ số tiền đó nằm trong số tiền mà TAND TP HCM buộc Công ty P. trả cho ngân hàng. Cho đến nay bản án này vẫn còn hiệu lực thi hành, do đó không thể xem số nợ của khách hàng là khoản thiệt hại do ông Dương gây ra.

Hồi giữa tháng 4 năm nay, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen (HSG) Phạm Văn Trung đã nộp đơn khởi kiện HSG, doanh nghiệp mình từng làm việc hơn 10 năm với lý do đã “vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự” ông. Tòa án huyện Dĩ An, Bình Dương đã tiếp nhận đơn kiện.

Những vụ "choảng nhau" giữa nhân viên, CEO với ông chủ Việt Nam - 1
Ông Phạm Văn Trung, nguyên TGĐ HSG và ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HĐQT HSG.

Vụ lùm xùm giữa HSG và cựu CEO của mình bắt đầu gay cấn khi Chủ tịch HĐQT HSG Lê Phước Vũ phát biểu tại Đại hội cổ đông ngày 22/3 về lý do mà ông Phạm Văn Trung nghỉ việc tại HSG là vì thiếu minh bạch trong điều hành. Sau đó, trên các phương tiện truyền thông bắt đầu cuộc khẩu chiến giữa cựu CEO của HSG với những lãnh đạo cốt cán của HSG hiện tại.

Đến ngày 17/4, ông Phạm Văn Trung đã chính thức đệ đơn lên Tòa án Nhân dân huyện Dĩ An (Bình Dương) khởi kiện HSG về việc vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự của ông. Ông yêu cầu HSG phải cải chính thông tin sai sự thật và xin lỗi công khai trên 3 kỳ báo.

Đáp lại, ngày 18/4 HSG đã gửi lên Ủy ban chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TPHCM bản công bố thông tin cho biết là sẽ khởi kiện ông Phạm Văn Trung đòi bồi thường 26 tỷ đồng và nhiều quyền lợi khác.

Theo HSG, vào ngày 22/10/2010, ông Phạm Văn Trung đã ký cam kết về chế độ trách nhiệm của cán bộ quản lý đối với HSG, trong đó ghi rõ: “Trong thời gian hiệu lực hợp đồng và trong vòng 36 tháng kể từ khi nghỉ việc tại công ty, tôi không được phép: cung cấp thông tin, tiết lộ bí mật kinh doanh ra ngoài, không được phép hợp tác, sản xuất, kinh doanh, làm đại lý sử dụng, tiết lộ thông tin về khách hàng, mặt hàng, sản phẩm tương tự của công ty cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nhằm phục vụ công việc riêng của cá nhân mà chưa được sự đồng ý bằng văn bản từ phía công ty. Trường hợp bị phát hiện, cá nhân đó sẽ bị khởi tố trước pháp luật”.

Ông Trung giữ các vị trí điều hành quan trọng của HSG từ tháng 4/2007 với chức danh Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh. Ông chính thức trở thành Tổng giám đốc HSG từ ngày 1/4/2011. Đến ngày 18/4 thì ông Trung nộp đơn xin thôi việc. Hội đồng quản trị HSG chấp thuận miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc của ông Trung từ ngày 27/4/2011 nhưng chưa cho thôi việc.

Đến ngày 19/11/2011 thì ông Trung được bầu vào làm thành viên Hội đồng quản trị của công ty thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG). Trong cùng ngày hôm đó, ông Trung được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc NKG.

Theo Hội đồng quản trị HSG, việc ông Phạm Văn Trung hợp tác làm việc với NKG với chức danh thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc sau khi tự ý thôi việc tại HSG mới chỉ 7 tháng là đã vi phạm nghiêm trọng cam kết chế độ trách nhiệm nêu trên. Hiện HSG đang củng cố hồ sơ để khởi kiện ông Trung vi phạm cam kết này.

Ngoài ra, HSG còn cáo buộc ông Trung đã lôi kéo một số cán bộ quản lý quan trọng khác của HSG về làm việc cho NKG. Những cán bộ quản lý này cũng có ký cam kết trách nhiệm với HSG nên HSG cũng đang củng cố hồ sơ để khởi kiện những người này.

Trong đó, trọng điểm là HSG sẽ khởi kiện ông Phạm Văn Trung đòi bồi thường những thiệt hại của HSG do ông Phạm Văn Trung gây ra liên quan đến các hợp đồng mua bán với ước tính thiệt hại khoản 26 tỷ đồng; yêu cầu ông Trung hoàn trả những khoản tiền tạm ứng, tiền nợ mua hàng mà ông Trung không thanh toán cho HSG và bồi thường những thiệt hại khác của HSG do ông Trung gây ra trong thời gian ông điều hành HSG.

Theo Hội đồng quản trị HSG thì việc khiếu kiện này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, uy tín và giá cổ phiếu NKG trên thị trường chứng khoán. Theo HSG thì công ty này không có ý định cạnh tranh không lành mạnh với bất kỳ công ty nào, trong đó có NKG nhưng buộc phải làm những động thái trên để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trong công bố thông tin của mình, HSG đề nghị NKG chấm dứt sử dụng lao động đối với ông Phạm Văn Trung và các cán bộ quản lý khác đã từng làm việc tại HSG và có cam kết chế độ trách nhiệm với HSG.

Hội đồng quản trị HSG khẳng định: “Nếu NKG không tiến hành chấm dứt sử dụng lao động đối với các đối tượng trên thì HSG được quyền xem như NKG có chủ trương thông đồng, cấu kết với các cá nhân trên để cạnh tranh không lành mạnh với HSG và làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của HSG. Trong trường hợp đó, chúng tôi buộc phải sử dụng các biện pháp pháp lý và truyền thông cần thiết để bảo vệ lợi ích hợp pháp của chúng tôi”.

Đến nay, vụ kiện tụng giữa cựu CEO Tôn Hoa Sen Phạm Văn Trung và tập đoàn Hoa Sen vẫn chưa có hồi kết. Nhưng theo luật sư của Công ty Luật Á Đông, việc một doanh nghiệp ngăn cấm một người lao động đã từng làm việc cho mình không được làm việc cho các doanh nghiệp khác trong một thời gian nhất định là không thể được, dù lý do của việc ngăn cấm là hợp lý. Điều này trái với các quy định của Hiến pháp và  các quy định của Bộ Luật lao động nước ta.

Cụ thể điều 5 của Bộ Luật lao động quy định: “Mọi người đếu có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo”.

Hồi giữa tháng 5 năm nay, một vụ con trai kiện mẹ và các anh chị em để tranh giành cả công ty đã khiến dư luận không khỏi bàn tán và bức xúc.

Những vụ "choảng nhau" giữa nhân viên, CEO với ông chủ Việt Nam - 2
Bà Hoàng Thị Kim Anh trước khi qua đời đã rất đau lòng kịch liệt phản đối vụ kiện của con trai mình là ông Quý.

Nữ doanh nhân nổi tiếng miền Tây Hoàng Thị Kim Anh bị con trai kiện ra tòa đòi bác tư cách thành viên hội đồng quản trị của mẹ và bốn anh chị em khác trong gia đình. Vụ kiện dù được Tòa xử thắng kiện song vẫn chưa đi đến hồi kết vì luật sư đại diện cho phía bị đơn là bà mẹ và 4 người con còn lại cho biết sẽ kháng cáo.

Sáng 16/5, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên hủy tư cách thành viên cũng như tỷ lệ góp vốn của bà Hoàng Thị Kim Anh (78 tuổi) cùng 4 người con của bà này (63,61%) tại Công ty TNHH Thủy sản Kim Anh. Ông Đỗ Ngọc Quý, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty Kim Anh, được tòa xử thắng kiện, sở hữu 100% vốn.

Theo hồ sơ vụ án, Công ty Kim Anh thành lập năm 1994 gồm 6 thành viên góp vốn là bà Hoàng Thị Kim Anh (30,75%) với 5 người con Đỗ Ngọc Quý (36,39%), Đỗ Ngọc Tài (11%) Đỗ Ngọc Tươi (0,94%) Đỗ Thị Ngọc Sương (10,46%) và Dương Việt Trung (cùng mẹ khác cha với ông Quý, góp 10,46%). Ban đầu công ty có vốn điều lệ hơn 2 tỷ đồng nhưng sau 9 lần thay đổi giấy phép kinh doanh vốn tăng lên trên 113 tỷ đồng.

Trước khi mất vào tháng 2/2012, bà Kim Anh có đơn gửi TAND tỉnh Sóc Trăng trình bày nguồn vốn của Công ty Kim Anh. Cụ thể, trên 30 năm trước bà kinh doanh thủy sản ở chợ Sóc Trăng nên tích cóp vốn mở Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh vào năm 1992. Hai năm sau Công ty Kim Anh được thành lập và tỷ lệ góp vốn của các con do người mẹ luận công của từng người để chia tài sản hiện có của doanh nghiệp.

Qua hàng chục năm hoạt động, tất cả các thành viên trong gia đình bà Kim Anh cùng làm việc hòa thuận với nhau, không một cơ sở hay thành viên nào nằm ngoài hệ thống Công ty Kim Anh. Nhưng đến cuối năm 2010, ông Quý làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án xác lập quyền sở hữu toàn bộ Công ty Kim Anh cho ông, hủy tư cách thành viên của mẹ với 4 anh chị em trong hội đồng thành viên.

Trong đơn khởi kiện, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Kim Anh cho rằng mẹ với các các anh chị em có tên trong giấy đăng ký kinh doanh và trong điều lệ của công ty là do trước đây ông nhờ đứng tên dùm để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Phía các bị đơn trình bày ngược lại rằng việc góp vốn làm thành viên sáng lập là có thật và ông Quí không trình được biên bản nào thể hiện đã nhờ người thân đứng tên nhằm hợp thức hóa thủ tục thành lập công ty.

Bảo vệ quyền lợi cho bị đơn, luật sư Bạch Sỹ Chất (Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng) trình bày với HĐXX rằng Công ty Kim Anh có hai lần tăng vốn cách nhau 7 năm. Mỗi lần tăng vốn, ngoài ông Quí thì các thành viên khác cũng được tăng vốn trên cơ sở lợi nhuận nhiều năm không chia. Do đó, ông Quí phải chia tài sản cho mẹ với các anh em khác đúng theo giá trị góp vốn thể hiện trong giấy đăng ký kinh doanh.

Đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, giữ nguyên tư cách thành viên của các bị đơn theo đúng điều lệ Công ty Kim Anh và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hiện hành.

Tuy nhiên, những yêu cầu này không được tòa chấp nhận. HĐXX cho rằng các bị đơn không có giấy chứng nhận góp vốn để chứng minh là thành viên thật sự của Công ty Kim Anh. HĐXX cũng nhận định Doanh nghiệp tư nhân Kim Anh thành lập năm 1992 do ông Qúy làm giám đốc, hằng năm ông Quý không chia lãi nên sau đó chuyển lên Công ty Kim Anh thì tất cả vốn ban đầu với lãi phát sinh đều thuộc về một mình ông Quí.

Sau phiên tòa, đại diện cho phía bị đơn, ông Tài cho biết sẽ kháng cáo. Như vậy, vụ kiện tụng giữa con với mẹ, giữa các anh chị em ruột vẫn chưa đi đến hồi kết, gây bao điều tiếng cho những người xung quanh. Hình ảnh một đại gia đình doanh nhân thành đạt, thuận hòa ngày nào của đất miền Tây bổng tan biến mất trong mắt hàng xóm, người thân. Điều đau lòng hơn là vụ kiện tụng kéo dài từ lúc người mẹ, nữ doanh nhân Kim Anh còn sống cho đến lúc "nắm mắt xuôi tay" vẫn chưa chấm dứt. Trước khi chết, bà vẫn phải viết đơn gửi TAND tỉnh Sóc Trăng trình bày nguồn vốn của Công ty Kim Anh có sự góp vốn của tất cả các con bà.
 
TheoThu Hạ
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm