Những trận chiến “tranh quyền đoạt vị” trong các công ty gia đình

(Dân trí) - Hầu hết các vị “tiền bối” trong kinh doanh đều khuyên nên để việc kinh doanh tự do, không liên quan đến gia đình, đặc biệt là kiểu công ty gia đình. Vì thực tế có rất nhiều trận chiến “tranh quyền đoạt vị” khốc liệt giữa các anh chị em trong gia đình.

Dưới đây là những “mối thù” nổi tiếng trong kinh doanh do trang CNBC tổng hợp.

 

1.Puma và Adidas

 

Những trận chiến “tranh quyền đoạt vị” trong các công ty gia đình

Năm 1924, hai anh em Adolf và Rudolf Dassler cùng tạo dựng một công ty giầy ngay trong tiệm giặt là của mẹ mình tại Herzogenaurach - Đức. Tuy nhiên, giữa họ sớm nảy sinh những bất đồng tính cách và dần đối đầu nhau.

 

Trong thế chiến thứ hai, Rudolf phải nhập ngũ và ra tiền tuyến. Khi trở về, ông bị chính em trai mình - Adolf dàn xếp bỏ tù trong một năm. Sau khi chứng minh được mưu đồ của Adoft, ông tách khỏi công ty cũ và lập ra thương hiệu Puma. Adolf cũng chính thức sở hữu thương hiệu Adidas vào năm 1949.

 

Năm 2009, hai công ty này đã hoà giải trên danh nghĩa, thông qua một trận cầu giao hữu giữa quản đốc các phân xưởng của Puma và Adidas.

 

2. Larry và Jimmy Flynt

 

Những trận chiến “tranh quyền đoạt vị” trong các công ty gia đình

Ngày 19/1 vừa qua, hai anh em Larry và Jimmy Flynt đã kiện cáo nhau tại toà án liên bang Mỹ nhằm tranh chấp quyền sở hữu công ty Hustler. Jimmy Flynt cho rằng công ty này phần lớn thuộc về ông ta chứ không phải người anh nổi tiếng của mình - Larry Flynt.

 

Nhiều năm về trước, mối quan hệ giữa họ đổ vỡ khi Larry sa thải hai con trai của Jimmy và mưu đồ trục xuất ông khỏi hệ thống cửa hàng Hustler mà Jimmy đang điều hành ở trung tâm thành phố.

 

Hiện ông Jimmy đã đệ đơn kháng cáo, khẳng định vai trò đồng quản lý công ty và sở hữu một nửa số tài sản của Hustler. Bác bỏ điều trên, ông Larry cho rằng Jimmy chỉ là một quản đốc bình thường và đang làm không tốt vai trò của mình. Phiên toà cuối cùng giữa họ sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

 

3. Mukesh và Anil Ambani

 

Những trận chiến “tranh quyền đoạt vị” trong các công ty gia đình

Murkesh Ambani và Anil Ambani là một trong những cặp anh em giàu nhất thế giới. Tuy vậy, giữa họ lại có sự rạn nứt trong quá trình kinh doanh và rồi chia đôi sẻ nửa công ty của cha mình để lại vào tháng 1/2006. Theo đó, Mukesh điều hành công ty Reliance Industries, còn Anil sở hữu tập đoàn Anil Dhirubhai Ambani Group.

 

Tháng 5/2010, hai tỷ phú Ấn Độ này đã ký thoả thuận không cạnh tranh với nhau. Nhưng đó cũng là nguồn cơn của những ồn ào quanh chuyện làm ăn gần đây của họ. Bởi theo thoả thuận, công ty của Mikesh đồng ý không can thiệp vào việc kinh doanh nguồn điện thương mại từ khí tự nhiên cho đến hết tháng 3/2022. Thế nhưng cuộc cạnh tranh giá khí tự nhiên giữa họ dường như chưa có hồi kết và công ty Reliance Industries dần dần lấn lướt tập đoàn do ông Anil lãnh đạo. Ông Mukesh tuyên bố sẽ là người đầu tiên có quyền mua lại cổ phần công ty của em mình - ông Anil.

 

4. Gia đình Gucci

 

Những trận chiến “tranh quyền đoạt vị” trong các công ty gia đình

Gia đình Gucci bắt đầu sản xuất các sản phẩm da tại Italy từ thế kỷ thứ 15. Tuy nhiên trên thực tế, thương hiệu Gucci nổi tiếng hiện nay là do ông Guccio Gucci sáng lập vào năm 1906 tại Florence, được hai con trai của mình là Aldo và Rodolfo thừa kế rồi phát triển.

 

Song những lục đục về vấn đề tài chính nội bộ gia đình này đã khá ồn ào trong nhiều năm qua. Paolo Gucci đã đâm đơn kiện chính cha mình - ông Aldo và một số anh em họ hàng cũng như công ty mà họ đang vận hành. Năm 1980, đơn kiện của ông Paolo Gucci bị bác bỏ. Ông này cũng không được phép thiết kế các sản phẩm da dưới thương hiệu Gucci nữa.

 

Sau trận chiến khốc liệt này, các thành viên còn lại trong gia đình Gucci đã bán đi một nửa số cổ phần của công ty cho một ngân hàng đầu tư Trung Đông vào năm 1988.

 

5. Harrison và Wallace McCain

 

Những trận chiến “tranh quyền đoạt vị” trong các công ty gia đình

Năm 1957, Harrison và Wallace McCain đồng sáng lập ra công ty thực phẩm McCain Foods dưới sự hỗ trợ của 2 người anh - Robert và Andrew.

 

Họ cùng mở một phân xưởng chế biến thực phẩm rán kiểu Pháp trên quê hương mình - Florenceville, thuộc tây New Brunswick, Canada. Dần dần, McCain Foods trở thành nhà chế biến thực phẩm đông lạnh lớn nhất thế giới.

 

Harrison và Wallace đã sát cánh bên nhau trong suốt 37 năm trong vai trò đồng lãnh đạo một tập đoàn thực phẩm đa quốc gia. Nhưng tới năm 1993, ông Wallace chỉ đạo cho con trai mình là Michael ngồi vào ghế chủ tịch tập đoàn này, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ ông Harrison. Mối quan hệ tốt đẹp trước đây giữa họ bỗng chốc trở thành cuộc đối đầu gay gắt.

 

Năm 1994, ông Wallace bị buộc rời khỏi tập đoàn McCain Foods. Wallace sau đó đã điều hành tập đoàn thực phẩm riêng của mình - Maple Leaf Foods trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất Canada.

 

6. Curtis và Prestley Blake

 

Những trận chiến “tranh quyền đoạt vị” trong các công ty gia đình

Hai anh em Curtis và Prestley đã đồng sáng lập nên hãng kem Florida Friendly’s vào năm 1935 từ số tiền ít ỏi 547 USD của bố mẹ. Trong nhiều thập kỷ liền, sự hoà hợp trong công việc giữa họ đã mang về không biết bao nhiêu lợi nhuận cho các cửa hàng của Florida Friendly’s. Tuy nhiên vài năm gần đây, giữa họ bắt đầu xẩy ra tranh chấp, và công ty đã bị bán lại cho một công ty cổ phần tư nhân mang tên Sun Capital Partners.

 

Cựu chủ tịch tập đoàn, ông Curtis cáo buộc rằng việc ông Prestley bán lại nhà hàng Friendly’s cho chính một quản lý của nhà hàng này - ông Ronald Smith là một vụ làm ăn sai lầm khiến công ty nợ nần chồng chất. Trên thực tế, ông Prestley tiếp tục trở thành cổ đông lớn thứ hai của Friendly’s. Cả hai đều vô cùng thất vọng bởi chuyện làm ăn đã làm rạn nứt tình anh em giữa họ.

 

7. Gia đình Koch

 

Những trận chiến “tranh quyền đoạt vị” trong các công ty gia đình

Tờ New York Times xem cuộc xung đột nội bộ nhà Koch như là một trong những cuộc tranh chấp gia đình lớn nhất, đôi co nhất và kéo dài nhất.

 

Cuộc đấu tranh pháp lý bắt đầu từ một thoả thuận hòa giải giữa William và hai người anh là Charles và David vào năm 1983. Theo thoả thuận hòa giải trên, William và một người anh khác tên là Frederick nhận được 1,1 tỷ USD từ việc hoàn lại lợi tức cổ phần trị giá 5,5 triệu USD tại tập đoàn Koch Industries - một tập đoàn lớn với doanh thu còn cao hơn cả Microsoft, Walt Disney hay Merrill Lynch.

 

Theo Ông William, lượng lãi cổ tức mà ông được hoàn trả lẽ ra phải trên 2 tỷ USD. Đây cũng là nội dung chính của vụ kiện tại toà án liên bang. Sau 10 tuần chứng thực, ban hội thẩm đã đi đến kết luận rằng ông William sẽ không được nhận thêm gì từ hai người anh Charles và David. Bởi họ thâu tóm hầu như toàn bộ tập đoàn Koch Industries.

 

8. Darryl McCauley và Dane Cook

 

Những trận chiến “tranh quyền đoạt vị” trong các công ty gia đình

Darryl McCauley là giám đốc kinh doanh tại công ty của người anh cùng cha khác mẹ - diễn viên hài Dane Cook từ đầu những năm 90 cho tới tháng 8/2008. Vào năm này, ông Cook cáo buộc ông McCauley cùng vợ đã đánh cắp trên 11 triệu USD từ hãng hài kịch Great Dane Enterprises.

 

Năm 2010, McCauley bị toà kết luận có tội và nhận bản án 5 đến 6 năm tù giam cùng khoản bồi thường tài chính cho công ty của ông Cook. Ông McCauley cũng phải đối mặt với 10 năm thử thách khi mãn hạn tù. Vợ ông đồng lãnh án 3 năm tù.

 

9. Gordon Ramsay và Chris Hutcheson

 

Những trận chiến “tranh quyền đoạt vị” trong các công ty gia đình

Chuyện đời tư của ông Gordon Ramsay đã lan tràn trên các báo lá cải sau khi dư luận biết đến cuộc tranh cãi gay gắt giữa Ramsay và bố dượng của mình - Chris Hutcheson vào năm 2010. Ông Hutcheson đã bị sa thải khỏi tập đoàn Gordon Ramsay Holdings vào tháng 10, chấm dứt mối quan hệ làm ăn giữa hai người.

 

Người ta nói rằng ông Hutchson đã vô cùng tức giận bởi Ramsay khiến cô con gái Tana quay lưng lại với ông. Còn Ramsay lại nhắc đến ông với tên gọi “nhà độc tài” trên các trang báo. Câu chuyện giữa họ tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới báo trí. Tuy nhiên vào giữa tháng 1, có vẻ như Ramsay đã sẵn sàng đặt một cái kết cho vụ lùm xùm này khi thừa nhận trên tờ UK’s Mirror rằng: “Tôi đã sai lầm, nhưng tôi cũng học được rất nhiều từ những sai lầm ấy”.

 

10. Summer và Shari Redstone

 

Những trận chiến “tranh quyền đoạt vị” trong các công ty gia đình

Năm 2006, câu chuyện về cuộc chiến giữa chủ tịch tập đoàn - ông Summer Redstone với các con gái của mình là Brent và Shari từng là đề tài nóng hổi trên các trang báo. Cô Brent đã kiện ông Summer vì quyền sở hữu hơn 1 tỷ USD từ công National Amusements của gia đình. Tuy cô thua kiện vào năm 2007 nhưng dư luận vẫn cho rằng ông Summer đã quá khắc nghiệt với cô con gái thứ hai - Shari- từng được ông gọi là “người kế vị” của mình.

 

Ông ta bác bỏ các nguồn tin về việc sẽ gây áp lực đối với con gái ông trên tờ The New York Times số ra vào tháng 7 năm 2007: “Tôi không hề có ý định buộc con bé rời khỏi hội đồng quản trị, cũng không ép nó từ bỏ một số trọng trách trong công ty. Tôi đánh giá nó như một ứng cử viên xuất sắc để kế nghiệp. Tuy nhiên tôi tin hội đồng quản trị nên là người đựa ra quyết định lựa chọn người kế vị tôi”.

 

Lan Trinh
Theo CNBC