Những tham vọng chưa từng có của giới "siêu giàu" Việt

(Dân trí) - Trong khi "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn bỗng dưng muốn lập hãng hàng không thì tỷ phú Phạm Nhật Vượng tính bán các loại xe cao cấp, ô tô điện tại thị trường cạnh tranh khốc liệt là Mỹ.

"Bước nhảy vọt phi thường" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Theo thông tin từ tờ Financial Times, Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đang lên kế hoạch thâm nhập vào Mỹ - một trong những thị trường ô tô cạnh tranh nhất thế giới. Không chỉ ô tô, VinFast còn muốn bán cả những loại xe cao cấp, bao gồm cả ô tô điện.

Cụ thể hóa tham vọng đó, mới đây, VinFast cũng đã nhận được giấy phép thử nghiệm xe điện với tính năng tự lái trên đường phố ở California. Trước đó, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng còn từng đánh tiếng về việc xây dựng một văn phòng nghiên cứu, thậm chí là cả một nhà máy ở Mỹ.

Mục tiêu cuối cùng của tập đoàn này là chinh phục người tiêu dùng tại thị trường ô tô lớn thứ hai thế giới.

Những tham vọng chưa từng có của giới siêu giàu Việt - 1

Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đang lên kế hoạch thâm nhập vào Mỹ.

Bước chân vào mảng ô tô, ông Vượng đã cam kết chi 2 tỷ USD từ "tiền túi" của mình để phát triển. Trong khi đó, VinFast cũng đang xem xét niêm yết tại Mỹ hoặc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt. Tuần trước, hãng xe này cho biết đang làm việc với các cố vấn, gồm JPMorgan và Deutsche Bank, về kế hoạch trên. 

Theo nhận định của Financial Times, đây là một bước nhảy vọt phi thường về niềm tin cũng như sự tự tin của ông Phạm Nhật Vượng, nhà sáng lập ra Vingroup và cũng là người giàu nhất Việt Nam.

"Vua hàng hiệu" muốn lập hãng hàng không

Trong khi ngành hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh, Công ty cổ phần IPP Air Cargo của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số bộ, ngành xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không.

Những tham vọng chưa từng có của giới siêu giàu Việt - 2

Johnathan Hạnh Nguyễn đã nộp hồ sơ xin thành lập hãng hàng không (Ảnh: IPPGroup).

Dù chỉ là một doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, do ông do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Nhưng mục tiêu của doanh nghiệp này là lập hãng hàng không IPP Air Cargo, do Công ty cổ phần IPP Air Cargo làm chủ đầu tư nhằm vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.

Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, hãng sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ ba.

Tranh chấp kịch tính giữa Hòa Bình và FLC

Cuộc tranh chấp giằng co giữa hai doanh nghiệp của đại gia Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Lê Viết Hải đã hạ màn sau khi phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng cáo của FLC tại TAND TP Hà Nội khép lại.

Theo đó, trên tinh thần tự nguyện và thiện chí, hai bên đã đạt được thỏa thuận giải quyết Hợp đồng số 57. FLC cũng cam kết thanh toán đầy đủ số tiền được các bên thống nhất trong thời hạn 2 tháng, hoàn thành chậm nhất đến ngày 31/7. 

Trước đó, từ tháng 9/2020, bản án sơ thẩm của TAND quận Cầu Giấy chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình về việc buộc FLC thanh toán cho Hòa Bình khoản nợ còn thiếu phát sinh từ Hợp đồng 57 với tổng giá trị hơn 42 tỷ đồng. Đồng thời, TAND cũng bác toàn bộ yêu cầu phản tố của FLC với số tiền 2,29 tỷ đồng.

Tranh chấp liên quan đến Hợp đồng 57 kéo dài đến nay do FLC kháng cáo, phúc thẩm tại TAND TP Hà Nội.

Tỷ phú Trần Bá Dương dự kiến lỗ năm đầu với HAGL Agrico

Năm 2021 là năm đầu tiên Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) hoạt động dưới quyền kiểm soát của nhóm Thaco.

Tại Đại hội cổ đông bất thường hồi tháng 1/2021, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chuyển giao ghế chủ tịch HĐQT HAGL Agrico cho tỷ phú Trần Bá Dương. Sau đó, vị trí CEO cũng được người của bầu Đức bàn giao cho ông Trần Bảo Sơn, một lãnh đạo lâu năm của Thaco.

Tuy nhiên, thay vì bàn kế hoạch để thúc đẩy kinh doanh, phiên họp Đại hội cổ đông thường niên của HAGL Agrico tổ chức chiều 4/6 thông qua kế hoạch doanh thu năm 2021 đạt 1.465 tỷ đồng, thấp hơn 22% so với mục tiêu cũ. HAGL Agrico cũng dự kiến lỗ 84 tỷ đồng trong năm nay, thay đổi lớn so với kế hoạch lãi 16 tỷ đồng như thông tin công bố hồi tháng 5. 

Lý giải cho quyết định trên, ông Trần Bảo Sơn - một lãnh đạo công ty cho biết, HAGL Agrico buộc phải giảm kế hoạch kinh doanh trước thực trạng khó khăn. Do thiếu vốn, công ty thiếu vật tư nông nghiệp và thiếu công nhân do nợ lương. Hậu quả là vườn cây suy giảm sản lượng thu hoạch và phẩm cấp chất lượng.

"Ngoài ra, công ty đối mặt tình trạng thiếu nước tưới do hệ thống hạ tầng điện nước không đáp ứng kỹ thuật. Tình hình kết nối giao thông khó khăn nên chi phí thu hoạch và vận chuyển cao, không hiệu quả" - ông Sơn cho hay.