Những ông trùm ôm hận vì khối nợ ngàn tỷ

Họ là những doanh nhân thành đạt, lãnh đạo DN lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh thế mạnh của mỗi người nên được xem như những ông trùm. Nhưng điều không ai ngờ là rất nhiều ông trùm và DN của họ lại đang đối mặt với nguy cơ phá sản vì gánh khối nợ ngàn tỷ mà chưa có cách nào để gỡ.

Chim đầu đàn trọng thương

Giữa tháng 9/2013, nữ TGĐ Bùi Bích Lân của Tập đoàn Mai Linh (MLG) đã từ nhiệm sau 8 ngày, điều hành hãng taxi từng ở vị thế thống trị thị trường trong nước. Người quay trở lại giữ chức TGĐ chính là doanh nhân nổi tiếng sáng lập ra tập đoàn này - ông Hồ Huy.

Sự kiện này đã gây được sự chú ý của giới kinh doanh khi nó tiếp tục kéo dãi chuổi ngày bất ổn và khó khăn của Mai Linh từ khi bị vỡ chuyện nợ nần bi bét không chỉ với ngân hàng mà với rất nhiều cá nhân.

Thực tế, trong vài năm gần đây, Mai Linh đã gặp rất nhiều khó khăn. Suốt từ 2007 tới 2012, Mai Linh chỉ có một năm có lãi duy nhất là 2010, còn lại đều thua lỗ. Tính tới cuối 2012, lỗ lũy kế đã ăn cụt hơn 50% vốn điều lệ của DN này.

Xót xa nhất là cuối năm 2012, giới đầu tư phải chứng kiến cảnh đại gia ngành vận tải hành khách bị vỡ nợ buộc phải tính đến chuyện bán hơn 1.000 xe để thu hồi về 200-300 tỷ đồng dùng để trả nợ cho các NĐT.

Những ông trùm ôm hận vì khối nợ ngàn tỷ


Tình cảnh thê thảm tới mức, DN nổi tiếng có vốn nghìn tỷ và vận hành hơn một vạn đầu xe này phải khất nợ từng trường hợp NĐT, không thể thanh toán được những khoản nợ vài trăm triệu đồng của người góp vốn mà phải tìm cách gia hạn, mời gọi những người trở thành cổ đông trong công ty…

Ông trùm gỗ Việt Võ Trường Thành cũng là một trường hợp đại gia đầu ngành rơi vào tình trạng bi đát, phải cắm tài sản cho các khoản vay nợ của công ty.

Trong nhiều tháng qua, một công việc ngốn rất nhiều thời gian và tâm trí của ông trùm chế biến gỗ này có lẽ là phải đàm phán với các ngân hàng để giãn nợ, để huy động thêm vốn để DN tồn tại.

Tính tới cuối quý II/2013, Gỗ Trường Thành (TTF) còn vay ngắn hạn ngân hàng gần 1.570 tỷ đồng và được đảm bảo bằng tài sản của ông Thành, bằng hàng hóa tồn kho luân chuyển, các tài sản cố định của công ty…

Đại gia mất dạng

Gần đây, giới đầu tư không còn buồn nhắc tới cái tên Tập đoàn Thái Hòa (THV) của chủ tịch kiêm TGĐ Nguyễn Văn An. Một phần là vì THV đã bị hủy niêm yết bắt buộc từ đầu tháng 7/2013 do lỗ lũy kế năm 2012 vượt qua vốn điều lệ thực góp. THV gần đây quên luôn nhiệm vụ công bố thông tin, chưa có báo cáo tài chính bán niêm 2013 và cũng không đăng ký giao dịch trên UpCOM.

Nhiều NĐT nếu có còn cổ phiếu THV có lẽ cũng quên coi như không có bởi trước ngày rời sàn giá cổ phiếu này chỉ còn 400 đồng/cp, tương đương với 1/25 mệnh giá.

Sự thật nằm ở chỗ: lỗ đã ăn cụt hết vốn của đại gia đầu ngành trong lĩnh vực cà phê, trong khi đó nợ nần vẫn ngập đầu, lên tới vài nghìn tỷ đồng, cao hơn tổng tài sản, trong khi nguồn tiền của DN không thấy đâu. Năm 2012, doanh thu của Thái Hòa vỏn vẹn 19,7 tỷ đồng, quá nhỏ bé so với nợ ngắn hạn gần 1.900 tỷ đồng.

Những kế hoạch tái cơ cấu của THV và những nỗ lực của ông chủ tập đoàn này xem ra khá xa vời cho dù gần đây DN này đã bán hàng loạt dự án như 99% dự án Điện Biên và 51% dự án cà phê tại Lào cho Maritime Bank để gán nợ; đàm phán với hàng loạt các ngân hàng khác.

Ông Nguyễn Văn chấp nhận thế chấp cả nơi mình đang ở để vay tiền, hỗ trợ công ty nhưng “vận mệnh” của THV vẫn quá mong manh. Và cho tới giờ, nhiều người không biết tình hình thực sự của DN này như thế nào.

Từ chỗ là một đơn vị có vị thế trong nước và trên trường quốc tế, Thái Hòa đã phải lê lết đi khất nợ, giãn nợ, phải chấp nhận bán đi những tài sản để trả nơ nhưng những gì diễn ra cho thấy cơ hội để tập đoàn ngoi lên khỏi vùng bùn là quá nhỏ bé.

Trước đó, giữa 2012, giới đầu tư cũng đã thực sự sốc khi đón nhận thông tin đại gia thủy sản hàng đầu của Việt Nam là bà Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) bị vỡ nợ. Ngay sau đám cưới hoành tráng đầy siêu xe của con trai với hotgirl Quỳnh Chi. Người dân bán cá cho Bình An đã vây biệt thự của đại gia này trong nhiều ngày.

Vụ việc đến giờ đã kết thúc. Bà Diệu Hiền đã gán toàn bộ cổ phần của mình để rút khỏi Bình An. Vụ vỡ nợ khủng lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, đẩy hàng chục người nông dân trước nguy cơ mất nhà, mất đất… đã khép lại. Bà Hiền đã chính thức bỏ đứa con chính tay bà gây dựng Bianfishco và quay trở về để phát triển khu du lịch Bình An của gia đình cũng như tính các kế hoạch đầu tư khác.

Có thể thấy, trong cơn bão của cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm vừa qua, không ít các đại gia thành danh, có DN đứng đầu trong các lĩnh vực cũng không thoát khỏi sự vùi dập của sóng gió. Không ít người đã mất trắng cơ nghiệp, thậm chí đi tù vì vỡ nợ.

Khó khăn chung là vậy, tuy nhiên, ngọn nguồn của những hậu quả đó có lẽ những người một tay xây lên những cơ đồ to lớn này không thể không nhận ra. Đó là sự phát triển quá nóng vội, dàn trải thiếu bền vững. Và một khi các chính sách thay đổi, họ đã không thể trụ vững thậm chí một ước mơ đơn giản là chuyên tâm làm ăn trong lĩnh vực thế mạnh của mình giờ cũng là quá khó.

Theo Mạnh Hà
Vietnamnet