1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Những mặt hàng có xu hướng tăng giá trong quý I năm 2007

Ngay từ những ngày đầu tháng 1/2007, nhiều mặt hàng trọng yếu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất như điện, than đã tăng giá khiến giá bán sản phẩm ra thị trường của nhiều mặt hàng cũng bị ảnh hưởng theo.

Tổng hợp dự báo của Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ điều hành thị trường, Bộ Tài chính và một số ngành sản xuất, giá cả một số mặt hàng trọng yếu sẽ diễn biến như sau trong quý I năm 2007:

 

Giá thóc, gạo tăng nhẹ dù lệnh cấm xuất khẩu vẫn còn hiệu lực

 

Theo dự báo của Bộ Thương mại, giá thóc gạo tiếp tục tăng nhẹ trong cả nước dù lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể được thực hiện tới tháng 2/2007 và giảm mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2007. Đặc biệt, trong tháng 1 và 2, các loại gạo nếp và gạo tẻ chất lượng cao sẽ tăng mạnh do nhu cầu hàng phục vụ Tết Đinh Hợi tăng cao trong khi nguồn cung lại hạn hẹp.

 

Khả năng khô hạn trên diện rộng sẽ ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng gạo vụ đông xuân, dịch bệnh trên lúa vẫn chưa được khống chế và chi phí đầu vào là những áp lực làm tăng giá thóc gạo trong quý I/2007.

 

Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá thóc hè thu phổ biến 2.900 - 3.100 đ/kg; giá gạo tẻ thường 4.600 - 5.000 đ/kg. Tại Kiên Giang, giá mua gạo nguyên liệu 25% tấm xuất khẩu tăng 30 đ/kg, lên 3.950 đ/kg. Các tỉnh phía Bắc giá thóc gạo sẽ vẫn vững ở mức 3.000 - 3.600 đ/kg (thóc); 4.800 - 5.600 đ/kg (gạo tẻ thường).

 

3 áp lực khiến giá thực phẩm tăng

 

Thị trường thực phẩm quý I năm 2007 đang phải chịu 3 áp lực. Dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát trở lại trên diện rộng khiến thị trường gia cầm bị ảnh hưởng, gây áp lực lên các mặt hàng thay thế khác như thịt bò, cá, thuỷ hải sản.

 

Tuy nhiên, những mặt hàng này cũng đang gặp phải khó khăn như cá chết hàng loạt tại ĐBSCL, lượng thuỷ hải sản đánh bắt xa bờ thiếu hụt do liên tục có những cơn bão lớn trong cuối năm 2006 khiến nhiều tàu thuyền thất thu...

 

Trong khi đó, càng vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu về thực phẩm càng tăng cao khiến cán cân cung - cầu trở nên căng thẳng, gây áp lực lên giá thực phẩm.

 

Theo dự báo của Bộ Thương mại, năm nay lượng thực phẩm chế biến sẽ được tiêu thụ mạnh, góp phần cân đối cung cầu trên thị trường thực phẩm. Tuy nhiên, giá điện, than tăng đã khiến cho giá thực phẩm chế biến sẵn trên thị trường rục rịch tăng 3 - 5% nên khó có thể hy vọng giảm giá thực phẩm trong quý I.

 

Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa hiện nay còn bị đẩy lên do áp lực từ các đơn vị sản xuất, kinh doanh thu mua, dự trữ hàng Tết. Nhiều đơn vị cho biết, vào thời điểm này hầu hết các mặt hàng nguyên liệu đều tăng giá khoảng 10%, có loại tăng đến 20%.

 

Hiện nay, các loại thủy hải sản loại 1 và loại đặc biệt được bán khá chạy, giá tăng từ 5.000đ đến 10.000đ/kg. Giá tôm sú nguyên liệu ở ĐBSCL tăng cao.

 

Ngày 6/1, giá tôm được thu mua tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng từ 100.000đ - 170.000đ/kg (tùy loại từ 20 - 40 con/kg). Mức giá này cao bình quân khoảng 20.000đ - 30.000đ/kg so với cách đây hai tháng.

 

Phân bón tăng giá: Vấn đề chỉ là thời gian

 

Giá điện, than, cước vận tải đường sắt quặng apatit tăng cao và nhu cầu tiêu thụ phân urê phục vụ việc gieo cấy lúa vụ đông xuân tăng trên phạm vi cả nước đã khiến “gánh nặng” tăng giá đang đè trên vai các doanh nghiệp sản xuất phân bón.

 

Theo Tổng công ty Hoá chất, cùng lúc nhiều loại đầu vào của ngành sản xuất phân bón tăng cao sẽ khiến giá các sản phẩm phân bón chắc chắn tăng trong thời gian tới. Có thể, vào cuối tháng 1/2007.

 

Dựa trên nguồn tồn kho, sản xuất trong nước và nhập khẩu đúng tiến độ, bảo đảm đủ nguồn cung phân bón cho sản xuất vụ đông xuân 2006 - 2007 nên Bộ Thương mại dự báo giá các loại phân bón chỉ tăng nhẹ, không gây đột biến.

 

Vật liệu xây dựng “nhấp nhổm” tăng giá

 

Theo Bộ Thương mại, giá phôi thép nhập khẩu trong tháng 1 và 2/2007 dự báo sẽ ở mức cao, khoảng 420 - 440 USD/tấn, sau đó sẽ giảm nhẹ. Do giá phôi thép đứng cao ở 2 tháng của quý I nên tính chung cả quý, giá thép trên thị trường sẽ tăng.

 

Bên cạnh đó, giá các loại đầu vào như điện, than cũng góp phần làm giá sản phẩm này biến động. Công ty Thép Vina Kyoei, một, hai tuần tới có thể sẽ tăng giá thép gần 100 đồng/kg (hiện nay giá thép cây là 8.500 đồng/kg, chưa tính thuế, chi phí vận chuyển).

 

Các loại vật liệu xây dựng khác như gốm sứ, gạch xây dựng cũng nhấp nhổm tăng giá do hiện tại giá gas, giá điện đã tăng cao.

 

Theo TTXVN