Những lĩnh vực sản xuất nào ở Cần Thơ được ưu tiên mở cửa trở lại?
(Dân trí) - Sở Công Thương TP Cần Thơ vừa ban hành hướng dẫn tạm thời phương án sản xuất đảm bảo phòng, chống dịch, trong đó đưa ra 6 điều kiện chung và điều riêng cho từng phương án.
Theo đó, các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: Y tế, Chế biến thủy -hải sản; Lĩnh vực phân bón, hóa chất, thuốc Thú y, sản xuất giống cây trồng vật nuôi; Sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí - chế tạo; in ấn, bao bì; May mặc, thuộc da; Sản xuất hàng tiêu dùng; Nhóm ngành phụ trợ cho các ngành thiết yếu; Lĩnh vực khác có mặt hàng, đơn hàng xuất khẩu hoặc có đóng góp cao cho ngân sách và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Những lĩnh vực này được hoạt động ở giai đoạn 1 (từ nay đến cuối năm). Giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2022 trở đi, tùy tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn sẽ áp dụng cho các lĩnh vực khác còn lại.
Các phương án hoạt động sản xuất gồm: "vừa cách ly, vừa sản xuất" theo hình thức "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến". Phương án "2 tại chỗ - vùng xanh" (làm việc và ăn tại nơi sản xuất nhưng nghỉ tại nhà trọ, nhà riêng thuộc "vùng xanh"). Phương án kết hợp "vừa cách ly, vừa sản xuất", "2 tại chỗ - vùng xanh". Phương án khác do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đề xuất, nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
6 điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trở lại gồm: Doanh nghiệp đã thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia tại Quyết định số 2194, kết quả đánh giá xếp loại nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở mức nguy cơ thấp trở xuống.
Doanh nghiệp xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc Covid-19 tại doanh nghiệp, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Có bố trí khu vực cách ly tạm thời đối tượng nghi nhiễm và đối tượng tiếp xúc gần với đối tượng nghi nhiễm (phòng cách ly tạm thời cho F0, F1).
Khi phát hiện ca nghi nhiễm, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp (F0, F1) mà không cần phải dừng toàn bộ nhà máy, cơ sở sản xuất. Đồng thời, thông báo cơ quan y tế, và cơ quan có chức năng hướng dẫn xử lý.
Tuân thủ các quy định, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Ứng dụng công nghệ, giải pháp phòng chống Covid-19 trong tình hình mới để kiểm soát người lao động, khai báo y tế hàng ngày (khai báo điện tử hoặc khai báo giấy) để quản lý và theo dõi sức khỏe...
Theo báo cáo của Sở Công thương, toàn TP Cần Thơ hiện đang theo dõi 1.090 doanh nghiệp. Trong đó, số doanh nghiệp đã tạm dừng là 957, tương đương 87,8%, số còn hoạt động là 133/1.090 (tương đương 12,2%)
Tổng số lao động hiện có là 70.034, đến nay đã nghỉ 61.242 người, chiếm tỉ lệ 87,45%. Số còn lại sản xuất "3 tại chỗ" trong các doanh nghiệp là 8.792/70.034, chiếm 12,55% lao động.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, đến nay còn 31/170 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỉ 18,24% với tổng số lao động là 4.546/40.526 lao động, chiếm 11,22%. 139 doanh nghiệp tạm dừng với số lao động tương ứng là 35.980 người.