1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Quảng Nam:

Những làng chổi chạy đua với mùa Tết

(Dân trí) - Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán 2018, các hộ làm chổi ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên), thôn Thạnh Hòa (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn)… đang rất tất bật để kịp cung ứng cho các mối hàng.

Thôn Chiêm Sơn có gần 50% số dân làm nghề chổi đót, cả thôn có 10-15 cơ sở sản xuất với số lượng công nhân trung bình 10-20 người. Nghề làm chổi đót trở thành một trong những nghề tạo kế sinh nhai cho đa số bà con trong thôn.

Làng chổi đang tất bật cung ứng cho thị trường Tết
Làng chổi đang tất bật cung ứng cho thị trường Tết

Bà Bùi Thị Hoa - chủ cơ sở làm chổi đót tại Chiêm Sơn - cho biết: “Bình thường mỗi ngày có 8 - 10 lao động, trong những ngày giáp tết thì có đến 15 lao động, mỗi người thu nhập trung bình 120-150 nghìn đồng/ngày. Nghề làm chổi đót thu hút nhiều người già, trẻ trong thôn tham gia”.

Nghề làm chổi trở thành nghề mang lại kế sinh nhai, giúp họ cải thiện cuộc sống
Nghề làm chổi trở thành nghề mang lại kế sinh nhai, giúp họ cải thiện cuộc sống

Bà Từ Thị Thu Trinh (chủ cơ sở chổi đót Trinh Lúc) cho biết, tháng 11 và tháng Chạp hằng năm là mùa cao điểm của nghề bó chổi, để đủ hàng giao cho khách thường bà phải thuê thêm người phụ.

Lượng tiêu thụ chổi năm nay tại Chiêm Sơn nhỉnh hơn 30% so với năm ngoái khiến người dân vui mừng phấn khởi
Lượng tiêu thụ chổi năm nay tại Chiêm Sơn nhỉnh hơn 30% so với năm ngoái khiến người dân vui mừng phấn khởi

Bà Trinh làm chổi cung cấp cho thị trường khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Bình thường cơ sở sản xuất khoảng 300 cây/ngày, đến mùa Tết thường tăng từ 350-400 cây/ngày. Sản lượng năm nay so với năm ngoái tăng khoảng 30%.

Dịp Tết, số lượng công nhân được tăng cường để kịp phục vụ thị trường
Dịp Tết, số lượng công nhân được tăng cường để kịp phục vụ thị trường

“Giá thu mua đót năm nay nhỉnh hơn so với năm ngoái, nhưng chúng tôi cũng không thể tăng giá vì rất dễ mất bạn hàng. Theo tôi nhận thấy, lượng tiêu thụ năm nay nhỉnh hơn so với năm ngoái. Hiện trong kho tôi số lượng chổi xuất đi đã gần hết, nên phải tăng cường làm thêm để kịp cung ứng cho thị trường.

“24/1 sắp tới đây, tôi cùng một số hộ làm chổi ở đây sẽ đi Tam Kỳ tham dự hội chợ. Hy vọng đây sẽ là cơ hội để chúng tôi nâng cao lượng tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm quê nhà ”- bà Trinh hào hứng chia sẻ.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân đã sản xuất thêm nhiều mẫu mã như chổi cán gỗ, cán nhựa, cán đót... được người tiêu dùng ưa chuộng
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân đã sản xuất thêm nhiều mẫu mã như chổi cán gỗ, cán nhựa, cán đót... được người tiêu dùng ưa chuộng

Từ sản phẩm truyền thống đầu tiên là chổi bện mây và sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, cơ sở của ông Nguyễn Nhất Tuấn (chủ cơ sở chổi đót lớn nhất làng Chiêm Sơn) đã có 40 người làm công, sản phẩm nhiều mẫu mã như chổi bện mây truyền thống, chổi quấn dây thép, dây cước, cán thân đót, cán nhựa, chổi quét vôi…

Hiện nay, cơ sở của ông Tuấn đang tập trung nguyên vật liệu, sản xuất hàng để kịp phục vụ các hội chợ, bán ra tại nhiều điểm khác trong và ngoài tỉnh trong dịp cuối năm, chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018 vì nhu cầu cuối năm thường tăng lên nhiều.

Để có được cây chổi đót vừa bền, đẹp, chắc phải có đôi tay khéo léo và chắc chắn ở mỗi công đoạn, nhất là công đoạn vào cán và bện chổi
Để có được cây chổi đót vừa bền, đẹp, chắc phải có đôi tay khéo léo và chắc chắn ở mỗi công đoạn, nhất là công đoạn vào cán và bện chổi

Ông Tuấn cho biết, nhờ nghề chổi đót này mà tạo được công ăn việc làm cho bà con nông nhàn tại địa phương, nâng cao đời sống. Mỗi bận đến Tết, các cơ sở đều phải gia công thêm có khi đến tận chiều 29 Tết mới được nghỉ vì phải theo kịp đơn hàng.

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng thôn Chiêm Sơn - cho biết: “Từ khi UBND tỉnh công bố quyết định công nhận làng nghề quấn chổi Chiêm Sơn (tháng 7/2016), địa phương đã xúc tiến thành lập các tổ hợp tác, đăng ký thương hiệu làng nghề và lập các hồ sơ đề nghị ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn và đầu ra cho sản phẩm…

Sản phẩm được tiêu thụ từ Bắc chí Nam
Sản phẩm được tiêu thụ từ Bắc chí Nam

Các cơ sở sản xuất này cũng nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, vừa khôi phục được nghề truyền thống vừa tạo sinh kế mới, giữ cho làng nghề dần phát triển ổn định.

Không chỉ ở Chiêm Sơn, làng nghề chổi đót Thạnh Hòa (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) với hơn 20 năm giữ nghề cũng đang tất bật chạy đua cùng Tết.

Làng nghề có 60 hội viên trong tổ sản xuất, chủ yếu là chị em phụ nữ. Nghề này cũng góp phần giải quyết việc làm ổn định tại địa phương. Cũng có hộ khá lên nhờ biết cải tiến sản phẩm, mẫu mã phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Gần tết Nguyên đán, đơn đặt hàng nhiều nên công việc của các chị trở nên tất bật hơn.

Làng chổi Chiêm Sơn rộn ràng vào Tết

Việc đồng áng vừa xong là chị Trần Thị Hậu (thôn Thạnh Hòa 1) và bà con quanh xóm lại cùng tập trung kết chổi đót cho kịp các đơn hàng và xuất bán đến các chợ trong và ngoài tỉnh.

Đót sau khi phơi xong, bà con chọn những cây thân cứng cáp, sợi dày để kết chổi. Giá bán của một cây chổi không cao, chỉ dao động từ 20-25 nghìn đồng, nhưng cũng giúp cho nhiều gia đình trong thôn trang trải được cuộc sống.

Gần Tết Nguyên đán, đơn hàng nhiều nên công việc của các chị trở nên tất bật hơn. Chị Trần Thị Hậu cho biết: “Những lúc rảnh rỗi thì chị em chúng tôi làm chổi cũng có thêm nguồn thu nhập khoảng 100 nghìn đồng một ngày. Còn nếu phụ thuộc vào đồng ruộng thì không đủ nuôi sống gia đình và con cái đi học”.

Mỗi độ xuân về, làng nghề chổi đót Thạnh Hòa như nhộn nhịp hơn hẳn, dù ai cũng bận rộn với công việc nhưng ai cũng phấn khởi và mong ước có một mùa thắng lợi.

N.Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm