1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những kho báu truyền kiếp bí ẩn ở Việt Nam

Trong dân gian, đến nay vẫn có tồn tại vô số truyền thuyết về những kho báu của người xưa để lại. Những cuộc truy tìm kho báu mất không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức và máu vẫn tiếp tục diễn ra… như đuổi theo một giấc mộng chưa có hồi kết.

Kho báu đồng trinh ở Hà Nội
 
Theo lời truyền đời của người dân xã Vân Côn (Hoài Đức Hà Nội), khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh thua chạy về nước, tướng giặc không nỡ bỏ đi số vàng bạc khổng lồ vơ vét được định đem về nước. Nhưng nhóm tàn quân không dám đem theo đành nghĩ ra cách chôn và trấn yểm bằng cách chôn sống một cô gái đồng trinh để làm thần giữ của.

Từ đó, linh hồn cô gái cứ quanh quất hiện lên quyết giữ kho báu này khiến bao nhiêu người tham của là bấy nhiêu người khuynh gia bại sản, gặp chuyện không may.
 
Lại có lời đồn đại khác rằng, 700 năm trước người Tàu qua đây làm ăn, buôn bán rồi trở nên giàu có. Sau đó ít lâu người nhà bên nước có việc lớn buộc phải để lại cơ nghiệp và một đống châu báu mà không đành lòng. Ông chọn ra cái hang có bốn tảng đá tạo thành kéo dài vào núi Vân Côn để chôn dấu của cải. Chắc ăn hơn, người Tàu tìm cách bắt một thiếu nữ đẹp chôn sống, trấn yểm thể đất để làm thần giữ của.
 
Những kho báu truyền kiếp bí ẩn ở Việt Nam

Vì những lời đồn đại ấy mà không biết bao người người dân đã bỏ công sức, tiền bạc mong một ngày tìm được kho báu nơi đây, trong đó có ông Nguyễn Tài Hận là người kiên trì hơn cả.

Ông Hận đã thuê hàng chục trai tráng trong làng gia nhập đoàn tìm vàng và dốc túi mua các dụng cụ khai quật và kể cả máy xúc, máy khoan. Ông Hận luôn dẫn đầu đoàn thăm dò sẵn sàng đi sâu vào tận cùng hang núi. Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm không có kết quả, đoàn người đã phải bỏ cuộc.

Từ ấy, chẳng biết là sự trùng hợp hay sự trừng phạt của “hồn ma trinh nữ”, mà chuyện làm ăn của ông Hận liên tiếp gặp vận rủi. Từ một người giàu có nhất làng, ông gần như phá sản.

Kho báu lợn vàng hiện dưới ánh trăng

Có một truyền thuyết, ở Thanh Liêm, Hà Nam, vào những đêm trăng sáng có một đã chứng kiến đàn lợn vàng hàng chục con đùa giỡn trên đường làng. Có tin đồn rằng đàn lợn này là lộc trời cho và có liên hệ tới “hầm thần của”.

Theo những già trong thôn, tương truyền, "hầm thần của" là nơi chôn giấu vàng và kho báu của của người phương Bắc. Chủ nhân của kho báu này đã yểm bùa rất kỹ để không ai có thể xâm nhập khu vực này.
 
Cùng theo lời kể truyền đời, hầm thần của rất thiêng và không thể đụng vào. Tuy nhiên, lời cảnh báo này không phải khiến ai cũng khiếp sợ. Nhiều người đã lên đây đào bới, thử tìm kiếm cơ may của mình. Song, chỉ cần đào vào đến độ sâu chừng 3m, nhiều người chợt cảm thấy ớn lạnh và khó thở. Càng vào sâu bên trong thì cảm giác này càng gia tăng vì thế mà chưa một ai dám theo đến tận cùng hầm ngầm.

Có thể những tranh cãi về nơi được cho là tồn tại "hầm thần" ở Hà Nam vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng đến khi vấn đề thực sự được giải quyết thì những khu vực được cho là tồn tại những ngôi mộ cổ đã bị xóa sạch dấu vết bởi sự tàn phá của con người và môi trường tự nhiên.
 
Kho báu 4000 tấn vàng ở Bình Thuận
Chuyện kể rằng, trước khi đầu hàng quân Đồng Minh trong chiến tranh thế giới thứ 2, tướng Nhật Tomoyuki Yamashita đã đem một lượng lớn tài sản mà quân Nhật vơ vét tại các nước Châu Á đến cất giấu tại khu vực núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Người ta ước đoán kho báu này gồm hơn 4.000 tấn vàng và các loại châu báu khác.
 
Cụ Trần Văn Tiệp ở TP.HCM sau khi biết thông tin về kho báu đã bỏ 50 năm cho cuộc tìm kiếm. Cụ Tiệp đã thuê 1 đơn vị chuyên nghiệp sử dụng máy khoan, xe ủi, xe xúc đất để tìm kiếm kho báu huyền thoại này. Tuy nhiên, dù sử dụng rất nhiều thiết bị hiện đại để đo đạc địa chất và khoan sâu gần 50m nhưng đoàn thăm dò vẫn không đạt được kết quả khả quan, kho báu huyền thoại vẫn còn là một ẩn số. 

Khi cụ Tiệp xin phép khoan thăm dò tìm kiếm kho báu ở núi Tàu năm 2011, UBND tỉnh đã yêu cầu ông nộp 500 triệu đồng ký quỹ để cam kết thực hiện việc hoàn thổ, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu cho khu vực núi Tàu nếu việc thăm dò không có kết quả. Và cuối cùng thì kho báu vẫn mãi là huyền thoại còn 500 triệu đồng của cụ thì không cánh mà bay.

Tìm kho báu theo giấc mơ
Không giống như những cuộc truy tìm kho báu theo truyền thuyết khác, ông Nguyễn Viết Quý (Yên Thành, Nghệ An) đã nối tiếng khắp vùng với cuộc truy tìm kho báu theo giấc mơ của vợ. 

Trước đó ít lâu, bà Ban - vợ của ông Quý đêm nằm mơ thấy tổ tiên về mách bảo là ngay dưới lòng đất trong mảnh vườn của gia đình có tồn tại một kho vàng của tổ tiên cất giấu hàng trăm năm nay. 

Thấy giấc mơ quá kỳ lạ, gia đình đã đi xem bói thì quả đúng như giấc mơ, thầy bói cũng phán “có một kho báu đang nằm ngay phía sau vườn nhà của gia đình” . Ông Quý đã tức tốc về và mời thầy cúng đến làm lễ tạ xin phép thổ địa, được khai quật kho báu của tổ tiên.

Khu vườn nhà ông Quý rộng đến hàng trăm mét vuông gần như đã bị đào bới nham nhở. Xung quanh vườn nhà ông Quý là những hố đến cả chục mét vuông sâu hoắm và những bãi đất hàng nghìn mét khối còn tươi mới vừa mới được múc lên. 

Cuộc tìm kiếm kho báu của ông Quý đến nay vẫn chưa có kết quả, chỉ có điều, ông vẫn hàng ngày đổ hết tiền của trong gia đình vào việc đào bới khắp khu vườn với một niềm tin mãnh liệt.
 
Theo Nhị Anh
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm