Những giọt nước mắt... phá sản

Kết cục xấu nhất của một doanh nghiệp trong lúc kinh tế khó khăn hiện nay là tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, điều tưởng là quy luật ấy lại không thể làm được đối với số đông doanh nghiệp.

Những giọt nước mắt... phá sản
Theo Luật phá sản thì công ty Bình An đã lâm vào tình trạng phá sản.
 
Trước bờ vực phá sản

 

Theo Luật Phá sản, khi doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn mà chủ nợ yêu cầu thì coi như đã lâm vào tình trạng phá sản.

 

Nếu điều này được áp vào trường hợp của Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco),vốn đang là chuyện thời sự hiện nay, thì doanh nghiệp này đã lâm vào tình trạng phá sản.

 

Thật vậy, theo cơ quan chức năng tỉnh Cần Thơ, số nợ của Bianfishco tại thời điểm này là hơn 1.500 tỉ đồng; trong đó có hàng trăm tỉ đồng nợ tiền mua cá của nông dân nhưng Bianfishco không còn khả năng để chi trả.

 

Tuy nhiên, Bianfishco không phải là trường hợp cá biệt trong làng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản ở Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện có đến 80% doanh nghiệp chế biến cá tra giảm công suất, không ít doanh nghiệp trong số đó phải đóng cửa.

 

Theo Luật Phá sản, khi doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn mà chủ nợ yêu cầu thì coi như đã lâm vào tình trạng phá sản.

 

Tại thời điểm hiện nay, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Vasep, cho rằng có chưa đến 10% doanh nghiệp thanh toán tiền mua cá cho nông dân đúng hạn. Như vậy có thể thấy có không ít doanh nghiệp đang “lâm vào tình trạng phá sản”; và nguy cơ phá sản dây chuyền trong ngành chế biến cá tra là hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Không chỉ vậy, trước sự kiện Bianfishco, Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi ở Hải Phòng cũng nợ sáu tổ chức tín dụng đến hơn 1.000 tỉ đồng, nợ tiền điện 11 tỉ đồng, bảo hiểm xã hội 7 tỉ đồng...

 

Trước tình hình khó khăn như hiện nay, không ít doanh nghiệp trong ngành thép cũng đứng trước bờ vực phá sản như Vạn Lợi. Nhưng các doanh nghiệp thép được các tổ chức tín dụng “ưu ái”, họ không muốn con nợ của mình phá sản - khi tài sản mà các doanh nghiệp thép thế chấp vay là các dây chuyền thiết bị rất khó thanh lý được giá.

 

Ngay như trường hợp Vinashin, doanh nghiệp này đã lâm vào tình trạng phá sản khá rõ ràng khi số nợ lên đến gần cả trăm ngàn tỉ đồng và mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn mà chủ nợ yêu cầu (xét theo luật). Nhưng đến nay, “con tàu” Vinashin vẫn đang lềnh bềnh ở đó, không chìm xuống mà cũng không ra khơi...

 

Thật ra, nếu chiếu theo điều 3 của Luật Phá sản thì số lượng doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản sẽ còn rất nhiều. Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, lãi suất cao, ngân hàng siết chặt các khoản cho vay, doanh nghiệp thiếu vốn nên các khoản nợ không được thanh toán đúng hạn là điều dễ hiểu - nhất là các khoản vay đổ vào thị trường nhà đất. Vấn đề là khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì họ và các chủ nợ của họ (đôi khi là cơ quan chủ quản - đối với doanh nghiệp nhà nước) chọn cách xử lý như thế nào mà thôi!

 

Những giọt nước mắt phá sản

 

Nếu giả sử Bianfishco (hoặc các chủ nợ của công ty này) chọn cách tuyên bố phá sản thì vụ việc sẽ đi đến đâu?

 

Theo luật sư Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, thứ tự phân chia tài sản như sau: (i) Phí phá sản; (ii) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; (iii) Các khoản nợ không có bảo đảm cho các chủ nợ. Nợ thuế nhà nước cũng là nợ không có bảo đảm.

 

Vậy “chủ nợ có bảo đảm” là gì? Chủ nợ có bảo đảm là chủ nợ có khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp hoặc của người thứ ba. Dễ dàng nhận thấy rằng hầu hết các ngân hàng thương mại đều yêu cầu người vay tiền phải có tài sản thế chấp hoặc cầm cố để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán trong trường hợp người đi vay không có khả năng trả nợ hoặc trả nợ không đúng hạn.

 

Như vậy, nếu áp theo Luật Phá sản thì chủ nợ là những nông dân bán cá cho Bianfishco sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất khi công ty này phá sản.

 

Có lẽ vì vậy nên một số hộ nông dân là chủ nợ của Bianfishco đã không chọn hình thức nộp đơn yêu cầu Bianfishco phá sản mà khởi kiện bằng một vụ án dân sự để đòi nợ.

 

Xét theo lẽ phải thì những vụ kiện như thế các hộ nông dân thường sẽ thắng kiện, và tòa sẽ tuyên buộc Bianfishco trả nợ (và lãi) cho các hộ dân. Nếu Bianfishco vẫn không thể thực hiện được bản án thì cơ quan thi hành án sẽ phát mãi tài sản của Bianfishco. Vấn đề là Bianfishco khi đó có còn tài sản để phát mãi không mà thôi!

 

Chính vì rủi ro tương tự mà ông A. giám đốc một công ty chuyên bán vật liệu xây dựng chọn cho mình cách đòi nợ riêng (khi công ty của ông thuộc nhóm chủ nợ không có bảo đảm).

 

Số là có một doanh nghiệp xây dựng B nợ ông A. 18 tỉ đồng, đến hạn thanh toán mà B không có khả năng chi trả. Ông A. không chọn cách yêu cầu doanh nghiệp phá sản hoặc kiện ra tòa vì biết B có tài sản nhưng phần lớn số tài sản này đã được thế chấp để vay ngân hàng. Cho nên ông A. có ý định chấp nhận chi 30% giá trị khoản nợ của B cho cá nhân hoặc tổ chức giúp ông đòi được nợ. Chấp nhận “đau thương” nhưng đến nay ý định của ông A. vẫn chưa thành...

 

Nhưng cũng có trường hợp doanh nghiệp thua lỗ trong làm ăn muốn phá sản doanh nghiệp lại không thể thực hiện được đúng luật.

 

Thật vậy, có một doanh nghiệp ở Phú Yên, vay ngân hàng hơn trăm tỉ đồng để mua ô tô khách kinh doanh vận tải. Việc kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp phải bán xe để xoay xở nhưng vẫn không thể vực dậy được doanh nghiệp. Cuối cùng, doanh nghiệp này làm thủ tục xin tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, chủ nợ là ngân hàng đã can thiệp vào quá trình làm thủ tục tuyên bố phá sản của doanh nghiệp này.

 

Ngân hàng nói trên tìm cách chứng minh doanh nghiệp này có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi cho rằng số lượng xe khách của doanh nghiệp đã thế chấp ngân hàng nhưng lại bị doanh nghiệp bán đi. Thế là cơ quan điều tra “nhảy vào”, thủ tục phá sản đến nay vẫn ngưng trệ. Đó là chưa nói đến kiểu làm ăn “hai hệ thống sổ sách” của doanh nghiệp này (cũng như của nhiều doanh nghiệp Việt Nam để đối phó với thuế) gây khó khăn không nhỏ khi làm thủ tục phá sản doanh nghiệp.

 

Theo Đá Bàn

TBKTSG

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm