1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những dự án tỷ đô "rót" vào Việt Nam từ đầu năm nay

(Dân trí) - Chỉ 4 dự án "khủng" đã chiếm tới gần 85% tổng vốn cấp mới và tăng thêm trong 8 tháng đầu năm vào Việt Nam.Trong khi cả nước nhập siêu 577 triệu USD thì khu vực doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 7,81 tỷ USD.

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng đầu năm, trong 8 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 12,63 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 7,560 tỷ USD, tăng 3,8% với cùng kỳ năm 2012.

Riêng tháng 8, tính đến ngày 20/8, cả nước có 769 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,4 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2012 và 297 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,22 tỷ USD, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Những dự án “khủng” trong 8 tháng đầu năm có thể kể đến


Những dự án “khủng” trong 8 tháng đầu năm có thể kể đến dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn của nhà đầu tư Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD. Qua đó, nhà đầu tư Nhật Bản đã đưa Thanh Hóa trở thành địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 2,815 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 22,3% tổng vốn đầu tư.

Đồng thời, với Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhật Bản cũng đã tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong 47 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của Nhật Bản tại Việt Nam là 4,35 tỷ USD, chiếm 34,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trên cả nước.

Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên của nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử. Dự án này giúp Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,78 tỷ USD, chiếm 29,9% tổng vốn đầu tư.

Đồng thời, với dự án này, Thái Nguyên là địa phương có sức hấp dẫn vốn FDI thứ 2 cả nước với với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,158 tỷ USD, chiếm 17,1% vốn đăng ký.

Ngoài ra, Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh cũng được điều chỉnh tăng vốn 1 tỷ USD. Sự điều chỉnh vốn của Samsung đã giúp Bắc Ninh đứng thứ 3 trong danh sách các địa phương thu hút vốn FDI mạnh nhất cả nước với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,39 tỷ USD.

Liên bang Nga là đối tác đầu tư lớn thứ 3 của Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,018 tỷ USD, chiếm 8,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Riêng Dự án Công ty TNHH Bus Industrial Center đã có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD nhằm xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ôtô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định.

Các dự án FDI có ý nghĩa lớn trong việc cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm, trong khi cả nước nhập siêu 577 triệu USD thì khu vực doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 7,81 tỷ USD.

Xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu thô) trong 8 tháng dự kiến đạt 56,1 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 66,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 51,2 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 60,42% tổng kim ngạch xuất khẩu.  

Về phía nhập khẩu, 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp này đạt 48,3 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 56,55% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm