Những doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường: Nhiều người sinh năm Tân Hợi

(Dân trí) - Dù kinh doanh không được cho là nghề lý tưởng của những người tuổi Hợi, thế nhưng thực tế cho thấy, trên thương trường vẫn có không ít doanh nhân tuổi Hợi nổi danh.

Nhân dịp đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, Dân Trí xin giới thiệu với độc giả những gương mặt doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường Việt Nam:

5. Ông Vũ Văn Tiền (1959 – Kỷ Hợi)

Những doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường: Nhiều người sinh năm Tân Hợi  - 1

Ông Vũ Văn Tiền

Xuất thân từ một gia đình thuần nông ở huyện Tiền Hải, Thái Bình, ông Vũ Văn Tiền từng được tổng động viên vào quân ngũ vào năm 1978 ngay khi đang học năm thứ nhất đại học Kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, với sự thông minh và năng lực vốn có, ông đã được chuyển vào ĐH Kỹ thuật Quân sự (tiền thân của HV Kỹ thuật Quân sự ngày nay), tốt nghiệp rồi trở về học tiếp ĐH Kinh tế.

Sau gần 10 năm làm việc tại Tổng công ty vật tư nông nghiệp, đến năm 1992, ông Vũ Văn Tiền đã ra khởi nghiệp và Tập đoàn Geleximco ra đời, lớn mạnh từ đó. Đây là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được phép xuất nhập khẩu trực tiếp.

Tập đoàn này nổi danh với những dự án như KĐT mới dầu khí – Geleximco, tổng vốn đầu tư 10.322 tỷ đồng; dự án Cống hoá Mương Cổ Nhuế và Khu nhà ở thấp tầng (1.016 tỷ đồng); KĐT mới Lê Trọng Tấn (3.000 tỷ đồng)…

Ngoài việc là ông chủ Geleximco, ông Vũ Văn Tiền còn đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại những tổ chức khác như: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình (ABBank), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xi măng Thăng Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS), Phó Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn công nghệ CMC (CMC Group), Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Cảng Cái Lân. Hồi tháng 4/2018, tại ĐHĐCĐ của ABBank, ông Tiền đã rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.

6. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (1971 – Tân Hợi)

Những doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường: Nhiều người sinh năm Tân Hợi  - 2

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Ông Vũ xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại Khánh Hoà, đến năm 1979 thì gia đình ông chuyển đến lập nghiệp tại huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk.

Lịch sử được Cà phê Trung Nguyên kể lại trên website chính thức rằng, doanh nghiệp này được thành lập tại Buôn Ma Thuột vào năm 1996 bởi ông Đặng Lê Nguyên Vũ “với số vốn đầu tiên là chiếc xe đạp cọc cạch với niềm tin và ý chí mãnh liệt của tuổi trẻ cùng khát vọng xây dựng một thương hiệu cà phê nổi tiếng, đưa hương vị cà phê Việt Nam lan toả khắp thế giới”.

Sự lớn mạnh của Trung Nguyên đã đưa tên tuổi ông Đặng Lê Nguyên Vũ vươn tầm thế giới. Ông được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là “Vua cà phê Việt Nam”. Ông được ca ngợi là nhân vật “từ vô danh đến anh hùng” (zero to hero).

Những lùm xùm tranh chấp tiền ly hôn giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong nhiều năm gần đây đã làm dấy lên những tranh cãi quanh nhà sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên. Mặc dù vậy, vẫn không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của ông Vũ đối với tập đoàn này cũng như với công chúng.

7. Ông Tô Như Toàn (1971 – Tân Hợi)

Những doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường: Nhiều người sinh năm Tân Hợi  - 3

Ông Tô Như Toàn

Là một kiến trúc sư, tiến sĩ quản trị kinh doanh, ông Tô Như Toàn vốn rất kín tiếng trong giới đại gia bất động sản ở Hà Nội cho đến khi Công ty CP Văn Phú – Invest “lên sàn”, một doanh nghiệp từng gây chú ý với việc tăng vốn “thần tốc” gấp 6 lần từ 262 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng ngay trước ngày niêm yết.

Cụ thể, từ cuối năm 2017, VPI đã niêm yết trên HNX với giá khởi điểm 27.600 đồng. Mã này có sức tăng trưởng khá tốt cho đến khi đạt 42.500 đồng vào phiên 19/6, phiên giao dịch cuối cùng tại HNX. Sau đó, 160 triệu cổ phiếu VPI đã được chuyển giao dịch sang HoSE với giá tham chiếu trong ngày chào sàn là 43.500 đồng/cổ phiếu

Với cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPI, ông Tô Như Toàn đang sở hữu 40 triệu cổ phiếu công ty. Đóng cửa phiên giao dịch 28/12/2018, phiên cuối cùng của năm 2018, VPI tăng giá nhẹ lên 42.350 đồng, theo đó, giá trị tài sản của ông Tô Như Toàn vào khoảng 1.694 tỷ đồng, là một trong những “đại gia nghìn tỷ” trên sàn chứng khoán Việt Nam.

8. Ông Nguyễn Xuân Phú - Shark Phú (1971, Tân Hợi)

Những doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường: Nhiều người sinh năm Tân Hợi  - 4

Ông Nguyễn Xuân Phú

Tốt nghiệp ngành tài chính kế toán với tấm bằng loại ưu tại ĐH Kinh tế Quốc dân, ông Nguyễn Xuân Phú từng làm việc tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sau đó là vượt khó học tiếng Anh để làm việc tại môi trường các công ty nước ngoài tại Việt Nam.

Phải tới năm 2003, ông Phú mới bắt đầu khởi nghiệp với 20 triệu đồng tích luỹ được. Doanh nghiệp của ông Phú thời điểm đó hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ nội trợ cơ bản như xoong, nồi, chảo… Tuy nhiên, sự khởi đầu của công ty không mấy thuận lợi khi phải cạnh tranh về giá với những đối thủ lớn trên thị trường.

Sau đó, với việc tìm được hợp đồng phân phối bếp gas có thương hiệu của Hàn Quốc, bán với giá thấp hơn giá nhập khẩu để thu hút khách hàng, bước đi mạo hiểm này đã giúp công ty của ông Nguyễn Xuân Phú trụ lại, trước khi hợp tác với tập đoàn Sunhouse của Hàn Quốc, nhận chuyển giao công nghệ cũng như đặc quyền kinh doanh của tập đoàn này tại Việt Nam, cho ra đời Sunhouse Việt Nam.

Hiện tại, Sunhouse đã là thương hiệu hàng đầu trong ngành gia dụng tại Việt Nam và vươn tầm ra thế giới với mạng lưới 50.000 điểm bán. Là một trong những “cá mập đầu tư” trong chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Việt Nam, ông còn được gọi là “Shark Phú”.

Mai Chi (tổng hợp)

Những doanh nhân tuổi Hợi lừng lẫy thương trường: Nhiều người sinh năm Tân Hợi  - 5