1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những doanh nghiệp sắp trả cổ tức “khủng”

Cổ tức cao dĩ nhiên là cổ đông sẽ vui mừng, song thực tế phải so sánh với thị giá cổ phiếu và nhìn vào mục đích trả cổ tức của DN thì mới đánh giá được độ hấp dẫn của cổ tức.

Cổ tức “khủng”
 
Cổ tức “khủng”

 

Tháng 4/2013, CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM) gây “hot” cho thị trường khi thực hiện trả cổ tức năm 2012 với tỷ lệ cao ngất ngưởng là 120%. CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP) quyết định trả cổ tức năm 2012 với tỷ lệ 70% bằng tiền thay vì mức 30% như kế hoạch. CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN) cũng không “kém cạnh” khi quyết định nâng mức cổ tức năm 2012 từ 30% lên 60%.

 

Nhìn vào mức cổ tức trên, nhiều nhà đầu tư thấy “choáng ngợp”, song do cổ tức được công bố trên mệnh giá 10.000 đồng/CP, nên khi so sánh với thị giá cổ phiếu thì lợi suất cổ tức không thực sự cao, chỉ trên dưới 10%. Hiện cổ phiếu HGM đang được giao dịch với mức giá 108.300 đồng/CP, cổ phiếu DXP đang được giao dịch với mức giá 48.700 đồng/CP, hay cổ phiếu DSN đang được giao dịch với mức giá 56.500 đồng/CP.

 

Ngày 30/5 tới, một DN đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM cũng sẽ thực hiện trả cổ tức với tỷ lệ cao là CTCP Đầu tư - Xây dựng Hà Nội (HCI), với mức 48%, nhưng giá cổ phiếu đang được giao dịch ở mức 39.200 đồng/CP.

 

Trong khi đó, một số DN mặc dù công bố tỷ lệ cổ tức từ 10 - 12%, rõ ràng là không cao so với mặt bằng chung trên thị trường, song nhìn vào thị giá cổ phiếu của DN thì cổ tức của những DN này vẫn hấp dẫn, nhất là khi so sánh với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Dự kiến, ngày 14/6 tới, CTCP May xuất khẩu Phan Thiết (PTG) sẽ trả cổ tức năm 2012 ở mức 10%, trong khi giá cổ phiếu này đang xoay quanh mốc 4.000 đồng/CP, hay CTCP Vinaconex 12 (V12) sẽ trả cổ tức 12% trong tháng 6 tới, trong khi cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá 9.400 đồng/CP.

 

Đối với những DN có giá trị vốn hóa lớn thì độ “khủng” của cổ tức được nhìn từ tổng số tiền mặt mà DN chi trả. Chẳng hạn, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), Ngân hàng Ngoại thương (VCB), mặc dù tỷ lệ trả cổ tức không cao, nhưng số tiền DN bỏ ra để chi cổ tức là một khoản rất lớn. Cụ thể, ngày 30/5 tới, GAS sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 3 năm 2012 với tỷ lệ 10%. Với mức tạm ứng hai đợt trước là 20%, tổng cộng GAS chi trả cổ tức năm 2012 là 30%, số tiền mặt dùng để chi trả cổ tức lên đến gần 5.700 tỷ đồng. Tương tự, VCB phải bỏ ra 2.760 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2012, dù tỷ lệ cổ tức chỉ là 12%.

 

Những lưu ý

 

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư khi đặt niềm tin vào cổ phiếu cần căn cứ vào nội lực của DN, chứ không chỉ dựa vào khoản lợi trước mắt là cổ tức cao. Ngoài ra, việc DN trả cổ tức với tỷ lệ cao bằng tiền mặt phải xét trên hai mặt. Một mặt, điều này giúp nhà đầu tư kỳ vọng rằng, đây là cổ phiếu tốt, có tiềm năng. Mặt khác, nhà đầu tư cũng nên đặt câu hỏi, tại sao DN trả cổ tức bằng tiền mặt cao như vậy mà không dùng tiền để tái đầu tư, tạo cơ hội có mức lợi nhuận cao hơn? Liệu khi các DN này cần vốn để đầu tư vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh có phải tìm đến nguồn vốn vay và phải chịu mức chi phí cao hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN?

 

Khi DN công bố trả cổ tức “khủng” bằng tiền mặt thì cổ đông cũng nên lưu ý, đó có thể là do các cổ đông lớn cần tiền mặt nên yêu cầu như vậy, trong khi DN chưa có kế hoạch mở rộng kinh doanh hay triển khai các dự án sắp tới.

 

Một điều nữa cần lưu ý là cổ tức sẽ được phản ánh vào giá cổ phiếu và giá tham chiếu của cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ bị trừ đi đúng bằng giá trị cổ tức nhận được, nên rất khó để “đong đếm” mức độ sinh lời cho nhà đầu tư nếu không được tính toán kỹ lưỡng. Do vậy, cổ tức nên được xem xét trong một thời gian dài và phải gắn liền với hoạt động kinh doanh của DN.

 

Theo Hoàng Anh

ĐTCK

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm