1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Những dấu hỏi phía sau việc Sông Đà "đổ" vốn vào Sudico

(Dân trí) - Ngoài Công ty mẹ hiện nắm tới hơn 36 triệu cổ phần của Sudico, hàng loạt công ty con của Tập đoàn Sông Đà cũng đua nhau tăng vốn vào công ty này đưa tổng số vốn của tập đoàn vào Sudico lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên đều là cổ đông lớn của Sudico
Tập đoàn Sông Đà và nhiều đơn vị thành viên là cổ đông lớn của Sudico
 
Cụ thể, trong số tổng 100 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị & Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), Tập đoàn Sông Đà chiếm tới 36,3 triệu cổ phần.

 

Các công ty con thuộc Sông Đà cũng lần lượt là các cổ đông lớn tại Sudico. Đơn cử, Công ty Cổ phần Sông Đà 5 có hơn 2,1 triệu cổ phần, Sông Đà 6 có 1,5 triệu cổ phần, Sông Đà 10 có 1,25 triệu cổ phần, Công ty Cổ phần Thép Việt Ý có 2 triệu cổ phần.

 

Theo tính toán sơ bộ, tổng số cổ phần của Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên hiện sở hữu tại Sudico đã không ngừng tăng từ 36,3% lên 38,3% (theo danh sách chốt cổ đông trước ĐHĐCĐ bất thường ngày 16/4/2012) và 43% (theo danh sách chốt trước ĐHĐCĐ thường niên dự kiến tổ chức ngày 30/6 tới).

 

Điều này không khỏi khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi, nhất là trong điều kiện các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đang được tái cấu trúc mạnh mẽ theo chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, cụ thể nhất là việc thoái vốn ngoài ngành để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.

 

Thứ nhất, việc làm của Tập đoàn Sông Đà có dấu hiệu làm trái với chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo kết luận của Thủ tướng sau thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại tập đoàn này. Theo văn bản này, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng và Tập đoàn Sông Đà rà soát lại việc đầu tư ngoài ngành; đánh giá hiệu quả đầu tư và tập trung vào ngành nghề chính; tính toán, xây dựng lộ trình thoái vốn hợp lý, tránh thiệt hại, lãng phí.

 

Trước đó, theo quyết định của Thủ tướng về việc chuyển đổi Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà thành Công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu thì ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn này là tổng thầu xây lắp và thi công xây lắp các công trình giao thông, công nghiệp, dân dụng; sản xuất và kinh doanh điện thương phẩm... Trong danh mục ngành nghề chính này không có việc đầu tư và phát triển kinh doanh khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, kinh doanh bất động sản…

 

Rõ ràng, trong bối cảnh xu thế tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đang được đặt ra và thực hiện ráo riết như là cơ sở sống còn của nền kinh tế, việc Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên tăng vốn đầu tư vào Sudico và lĩnh vực phát triển khu đô thị, bất động sản... là khá khó hiểu.

 

Khó hiểu hơn, chưa rõ Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên lấy tiền ở đâu ra, khi mà mới đây, Tập đoàn này đã phải "cầu cứu" các bộ, ngành chức năng về việc xin vay từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để hỗ trợ trả nợ ngân hàng cho Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long, công ty do Sông Đà nắm 59% cổ phần.

 

Theo đó, Xi măng Hạ Long đang nợ đầm đìa với lãi suất tăng cao và liên tục lỗ trên dưới 500 tỷ đồng mỗi năm trong năm 2011 và dự kiến năm 2012. Sau khi đã rót hơn 1.200 tỷ đồng hỗ trợ Xi măng Hạ Long trả nợ, Tập đoàn Sông Đà đã phải xin vay vốn với lý do giá trị khối lượng thi công dở dang và công nợ phải thu của Tập đoàn này lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Cũng theo đó, Sông Đà cho biết họ đang phải cân đối để thanh toán các khoản nợ vay đến hạn.

 

Hồng Kỹ