Những cột mốc đáng nhớ của Viettel Telecom sau 15 năm làm thay đổi ngành viễn thông Việt Nam

(Dân trí) - Khởi nghiệp với đầu số 098, từ vị thế người đi khai phá, Viettel đã chinh phục hàng loạt dấu mốc quan trọng nhất trong ngành viễn thông di động Việt Nam và quốc tế.

Di động cho nhân dân và đất nước

Năm 2002, Viettel bắt đầu nghĩ đến chuyện làm di động, sau thành công đầy bất ngờ với VoIP. Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông lúc bấy giờ (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) - TS Mai Liêm Trực từng đánh giá, góc nhìn của những người lãnh đạo Viettel khi đó là “chiến lược và thấy rất xa so với thực trạng thị trường”. TS Mai Liêm Trực dự đoán “đây sẽ là binh chủng giúp phá vỡ thế độc quyền doanh nghiệp trong ngành viễn thông di động, chuyển đổi thị trường”.

Những cột mốc đáng nhớ của Viettel Telecom sau 15 năm làm thay đổi ngành viễn thông Việt Nam - 1
Kể từ khi Viettel cung cấp di động, tất cả người dân Việt Nam, ai cũng có thể dùng được di động – vốn là một dịch vụ dành cho người giàu.

Từ kinh nghiệm số 0 về kinh doanh dịch vụ di động, chỉ mất 2 năm chuẩn bị, vừa xoay vốn, mua thiết bị, tự thiết kế, xây dựng mạng lưới, Viettel chính thức ra mắt dịch vụ di động vào ngày 15/10/2004. Thị trường và các đối thủ khi đó nhìn Viettel bằng con mắt nghi ngờ, bởi các ông lớn viễn thông đi trước đã mất rất nhiều năm kinh doanh viễn thông cố định mới xây dựng được mạng di động, còn Viettel xuất phát từ công ty quân đội, vừa bắt tay làm nghề viễn thông đã ra đời “mạng 098”, thì “nghe chừng có vẻ khó tin”.

“Lúc đó chúng tôi không đi bán sim, mà đi phát sim cho những đơn vị quân đội, vừa để khuyến khích dùng, vừa để chứng minh rằng Viettel làm di động thật rồi. Từ quân đội, mạng Viettel vươn ra ngoài, rồi có chiến lược phủ sóng nông thôn, từ người nghèo, đến chiếm lĩnh thành phố, thị tứ”, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc kinh doanh Viettel IDC – một cựu thành viên của Viettel Mobile (tiền thân của Viettel Telecom ngày nay) nhớ lại.

Chỉ vài tháng sau Viettel nhanh chóng mở rộng vùng phủ tới 64 tỉnh thành phố và đạt 100.000 thuê bao. Mang theo mệnh lệnh tiến quân thần tốc, Viettel Mobile cán mốc 1,8 triệu khách hàng di động chỉ sau 1 năm chính thức kinh doanh, lọt top 20 mạng di động phát triển nhanh nhất thế giới, cùng 1.500 trạm phát sóng toàn quốc, dung lượng mạng đảm bảo cho hơn 3 triệu thuê bao.

Đến năm 2006, Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có mạng lưới di động và truyền dẫn lớn nhất cả nước với 3.050 trạm phát sóng, phục vụ đồng thời 7 triệu thuê bao di động, chiếm 23,5% thị phần.

Chia sẻ về kỷ niệm với Viettel, TS Mai Liêm Trực nói: “Nhiều lần, người Viettel gọi điện cảm ơn tôi vì đã cho họ cơ hội bước chân vào ngành viễn thông. Nhưng chính tôi mới phải cảm ơn họ, vì đã giúp cho nhiều chính sách được thực thi, giúp cho người dân và đất nước này”.

15 năm bùng nổ

Năm 2007, Viettel ra mắt gói cước Tomato, dựa trên mục tiêu “bình dân hóa dịch vụ viễn thông”, đưa chi phí liên lạc của phần lớn các thuê bao về tiệm cận mức 0, giúp bùng nổ số lượng người dân có thể tiếp cận với dịch vụ di động. Chỉ sau vài tháng triển khai, Tomato trở thành “gói cước quốc dân” của người dùng trong nước, tạo nên làn sóng bùng nổ của thị trường di động nói chung và của mạng 098 nói riêng.

Những cột mốc đáng nhớ của Viettel Telecom sau 15 năm làm thay đổi ngành viễn thông Việt Nam - 2
Với “gói cước cà chua”, di động Viettel phủ sóng khắp mọi miền đất nước.

Sự ra đời của “gói cước cà chua” cũng là cú hích giúp Viettel nhanh chóng đạt con số 20 triệu thuê bao di động vào năm 2008, tiếp tục có tên trong bảng xếp hạng 20 công ty viễn thông phát triển nhanh nhất thế giới. Thương hiệu Viettel cũng lọt vào vị trí 83/100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới, là 1 trong 4 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất ở các quốc gia đang phát triển do WCA (Giải thưởng truyền thông thế giới – World Communication Awards) bình chọn.

Cùng với việc mở rộng kinh doanh trên nền dịch vụ 2G, Viettel cũng nhanh chóng cập nhật xu hướng thế giới khi tiên phong khai trương mạng 3G có vùng phủ toàn quốc, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có mạng 3G phủ sóng tới tất cả trung tâm huyện. Không chỉ ở trong nước, tại các thị trường quốc tế, ngay từ năm 2009, Viettel đã triển khai dịch vụ 3G ngay tại các quốc gia đầu tiên mà nhà mạng Việt đặt chân tới.

Trong suốt 5 năm, từ 2012 đến 2016, 3G trở thành điểm sáng trong kinh doanh dịch vụ của Viettel. Hơn 57,7% thuê bao 3G ở Việt Nam sử dụng mạng Viettel, sở hữu 46,7% (54%) thị phần thuê bao viễn thông toàn quốc. Ở thị trường nước ngoài, Viettel ghi dấu ấn cung cấp dịch vụ di động cho 10 thị trường, với dân số 230 triệu người, đạt doanh thu 1,4 tỷ USD/năm, đưa vị thế của Việt Nam vươn cao trên tầm quốc tế.

Giống như Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, trong lĩnh vực mà Viettel đang hoạt động, không có một phút giây nào được nghỉ ngơi, Viettel đã nhanh chóng bước lên một nấc thang mới khi vừa kinh doanh ổn định 3G, vừa khai trương dịch vụ 4G ngay trong năm 2017. Sở hữu 100% trạm thu phát 4G sử dụng công nghệ 4T4R (4 phát, 4 thu) hiện đại nhất thế giới, tốc độ phát triển thuê bao và dịch vụ 4G Viettel sau 1 năm khai trương cao gấp 10 lần so với 3G, hiện chiếm gần, cao gần gấp đôi so với tỷ lệ trung bình tại các nước châu Á. (Tỷ lệ thuê bao 4G Viettel hiện nay chiếm khoảng gần 40%)

Trang sử mới của Viettel Telecom

Ngày 10/5/2019, Viettel đã trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam, là một trong 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới chính thức thử nghiệm thành công 5G. Bước đi này của Tập đoàn vừa tạo ra cơ hội, vừa đặt lên vai Viettel Telecom những trọng trách mới. 

Sau 15 năm, từ công ty trẻ tuổi khởi nghiệp trong ngành viễn thông di động, Viettel Telecom đã tạo ra hàng loạt dấu mốc sáng chói, khởi đầu cho những cuộc cách mạng về giá cước, sản phẩm, dịch vụ mới, trong khi vẫn duy trì vị trí số một về thị phần, với 54% và 70 triệu khách hàng.

Những cột mốc đáng nhớ của Viettel Telecom sau 15 năm làm thay đổi ngành viễn thông Việt Nam - 3
Với 5G, Viettel Telecom sẽ tiên phong kiến tạo hạ tầng cho phát triển xã hội số.

Với mục tiêu đạt doanh thu 6 tỷ USD vào năm 2025, lãnh đạo Viettel Telecom cho biết nhà mạng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng vùng phủ 4G, 5G để tiếp tục duy trì vị trí nhà mạng cung cấp data lớn nhất, tốc độ cung cấp tới người dùng ở mức 1,5 Gbps vào năm 2025, tức là gấp hàng trăm lần tốc độ 4G hiện tại. Cùng với đó là triển khai cung cấp dịch vụ trên nền tảng IoT từ năm 2019, kinh doanh kho dữ liệu đám mây, tập trung vào các dịch vụ VoD, quảng cáo di động, dữ liệu lớn Big Data... cũng như cung cấp cho khách hàng các dịch vụ trọn gói, đa dịch vụ theo nhu cầu.

Những cột mốc đáng nhớ của Viettel Telecom sau 15 năm làm thay đổi ngành viễn thông Việt Nam - 4
Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel

Ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom chia sẻ: “Di động là một dịch vụ nền tảng, đem đến nhiều thành công và dấu ấn đáng nhớ cho Viettel. Nhưng chúng tôi cần những không gian mới, động lực mới để tăng trưởng. Viettel Telecom hiện nay và trong tương lai không chỉ là bán SIM, bán thẻ mà đang bước sang một trang hoàn toàn mới khi chuyển đổi số là xu hướng tất yếu: trở thành một telco số, cung cấp không chỉ dịch vụ mà là trải nghiệm khách hàng số 1 tại Việt Nam”.

Nguyễn Long