Những cổ phiếu có giá… 3.000 đồng

Giữa một cốc trà đá, một lần gửi xe và một cổ phiếu liệu có mối liên hệ nào chung? 6 tháng trước đây, thật khó để đưa ra câu trả lời. Nhưng hiện tại, đáp án quá đơn giản: chỉ với 3.000 đồng, cả ba nhu cầu đều được đáp ứng!

27 tháng trước đây, khi hai chỉ số chứng khoán tạo đáy, mã cổ phiếu thấp nhất vẫn có giá 4.800 đồng. Vậy có cơ may nào với các cổ phiếu đang được bán đại hạ giá hiện nay?

 

Thua lỗ và sa lầy

 

CTCP Basa (BAS) thua lỗ 8/10 quý gần nhất và đang bị tạm ngưng giao dịch. CTCP Nhựa Tân Hóa (VKP) thậm chí lặp lại điệp khúc thua lỗ 9/10 quý và vừa mới được giao dịch trở lại.

 

Ở dạng bị kiểm soát, CTCP Full Power (FPC) thua lỗ 3 năm liên tiếp. Trước đó, FPC bị ngưng giao dịch tới 7 tháng. CTCP Vitaly (VTA) bị buộc hủy niêm yết từ ngày 31/5 do thua lỗ 3 năm liên tiếp.

 

ĐHCĐ CTCP Containner Phía Nam (VSG) vừa thông qua kế hoạch… lỗ tiếp sau khi đã "cầm đèn đỏ" suốt 7 quý. Cổ phiếu VSG cũng đang trong diện bị cảnh báo.

 

Hai năm 2008 và 2009, CTCP Nước giải khát Sài Gòn (TRI) lỗ lũy kế 226 tỷ đồng. Có vốn điều lệ 275 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu của TRI giờ đây teo tóp chỉ còn 57 tỷ đồng. Năm 2010, Công ty lãi 3,6 tỷ đồng. Thế nhưng, con số này không thuyết phục, khi lợi nhuận xuất phát từ việc chuyển nhượng vốn góp. Ở hoạt động sản xuất - kinh doanh chính, TRI vẫn lỗ 62 tỷ đồng. Đầu năm nay, Công ty vừa báo lỗ thêm 9 tỷ đồng.

 

Tương tự, sau 7 quý kinh doanh không hiệu quả, tới quý IV/2010, FPC báo lãi 4,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của FPC phần lớn đến từ việc thanh lý tài sản. Chưa nộp báo cáo tài chính quý I/2011, chưa tổ chức ĐHCĐ thường niên, nhưng năm nay Ban lãnh đạo FPC cam kết sẽ có lãi. Giải pháp chính vẫn chỉ là bán tài sản. Ngoài việc chuyển nhượng khu đất ở Bình Dương và Bắc Ninh (ước thu về gần 50 tỷ đồng), tới đây FPC lên kế hoạch chuyển nhượng gần 220 tỷ đồng vốn góp ở một số liên doanh và công ty con. Giải pháp kém thuyết phục nên kể từ khi được phép giao dịch trở lại, giá cổ phiếu FPC giảm liên tục, hiện chỉ còn 2.900 đồng/CP.

 

Giống như TRI, FPC, hoạt động bán tài sản lan rộng, đặc biệt với nhóm công ty đang "cầm đèn đỏ" khác: BAS lên kế hoạch bán Nhà máy Basa 2 (ước thu về 36 tỷ đồng); VKP lên kế hoạch bán 2,2 héc-ta đất tại Khu công nghiệp Tân Đức - Long An; sau khi thanh lý tàu cũ, CTCP Hàng hải Hà Nội (MHC) sẽ tính tới chuyện chuyển nhượng bất động sản… Có thể thấy, áp lực lợi nhuận và nguy cơ bị hủy niêm yết đang đè nặng lên khối các công ty thua lỗ triền miên.

 

Điều gì dẫn đến sự đi xuống và sa sút kéo dài của một loạt DN, khiến cổ phiếu rẻ hơn rau?

 

Đầu tiên là khó khăn khách quan từ biến động môi trường kinh doanh. Chẳng hạn, trong các cổ phiếu giá rẻ, nhóm vật liệu xây dựng chiếm tỷ lệ áp đảo. Đây là nhóm ngành trong điều kiện bình thường có tỷ suất lợi nhuận biên khá thấp.

 

Bởi vậy, mỗi biến động nhỏ về lãi suất hay nguyên liệu đầu vào đều khiến các công ty như Vitaly, Gạch men Thanh Thanh (TTC), Gạch men Chang Yih (CYC) lĩnh đủ.

 

Tương tự, NĐT tháo chạy khỏi một số cổ phiếu thủy sản (BAS, CAD) và hàng hải (MHC, DDM) khi hoạt động kinh doanh các công ty lâm nạn suốt 3 năm khủng hoảng.

 

Sa lầy còn xuất phát từ một loạt nguyên nhân mang tính chủ quan. Quý IV/2008, TRI công bố mức lỗ gây sửng sốt cho thị trường, nhưng thực chất, đó chỉ là phần vỡ ra của các "ung nhọt" tích tụ.

 

Vài năm trước đó, khi "thay máu" cổ đông, TRI đã không được tái cấu trúc triệt để về nhân sự lãnh đạo cao cấp. Đối với VTA, sự thua lỗ triền miên dẫn tới hệ quả sắp phải rời HNX xuất phát từ sai lầm trong việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn đầu tư thiết bị vào năm 2007 của ban lãnh đạo cũ.

 

Còn VKP thì đang chịu gánh nặng lãi suất và chi phí khấu hao, khi đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị không hợp lý vào năm 2009. Có thể nói, sự mất giá của các cổ phiếu giá thấp chủ yếu đến từ tình trạng quản trị DN yếu kém.

 

Giá cổ phiếu phá đáy

 

Cổ phiếu của các DN thua lỗ, sa lầy không phải là địa hạt để gặt hái lợi nhuận. Tất cả các cổ phiếu giá cực thấp đều đã phá đáy dài hạn trước đây.

 

Tuy nhiên, ở nơi các NĐT cá nhân chiếm số đông và hoạt động đầu cơ mang tính thường nhật như TTCK Việt Nam, thì giá cổ phiếu lên xuống phụ thuộc vào dòng tiền nhiều hơn các nguyên tắc giá trị. Bởi vậy, các cổ phiếu trên dù không thuyết phục về yếu tố cơ bản, vẫn có sức hấp dẫn riêng.

 

Nếu hoạt động kinh doanh xoay chuyển, mức P/E cao ngất hiện nay lập tức hạ xuống, cổ phiếu trở nên hấp dẫn. Xét về khả năng đầu cơ, xác suất để các cổ phiếu có giá 3.000 đồng tăng gấp đôi cao hơn hẳn so với các blue-chip nặng nề.

 

Rủi ro lớn nhất với các cổ phiếu nhỏ vẫn là tính thanh khoản. Trong điều kiện bình thường, các mã này có giao dịch kém sôi động. Một số mã đang bị hạn chế giao dịch, số khác thậm chí đứng trước nguy cơ bị dừng niêm yết. Trong quá khứ, khi làn sóng đầu cơ qua đi, các cổ phiếu nhỏ thường mất thanh khoản. Các cổ phiếu giá 3.000 đồng hiện nay khá giống với các mặt hàng được bán "sale off" mùa đại hạ giá. Nếu chỉ mua vì giá thấp, rất có thể NĐT mang về nhà một món đồ không có giá trị sử dụng.

 

Theo Giang Thanh

ĐTCK